20 năm, 10 lần "vượt cạn"

06:45 | 06/04/2014

841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được liệt vào danh sách hộ nghèo ở địa phương, nhưng gia đình anh chị vẫn đều đặn cứ hai năm lại cho ra đời một thành viên mới. Đã tròn 20 năm với 10 lần vượt cạn, đầu tắt mặt tối bên đàn con nheo nhóc, chị vẫn một mực khăng khăng: “Con cái là của trời cho. Trời đã cho thì nhất quyết phải sinh ra, phải nuôi dưỡng cho nên người…”

Thật hiếm thấy khi giữa cuộc sống hiện nay có một người phụ nữ quan niệm rằng: “Con cái là của trời cho. Trời đã cho thì nhất quyết phải sinh ra, phải nuôi dưỡng cho nên người…”. Người phụ nữ ấy là mẹ của 10 đứa trẻ khi vừa chớm tuổi 40. Chị tên là Trần Thị Uyên Phương (SN 1974).

Chúng tôi tìm đến khu phố 1, phường 17, quận Phú Nhuận (TP HCM), hỏi nhà chị Phương, nhưng ai cũng lắc đầu không biết. “Cô phải biết số nhà mới được chứ hỏi tên không thì ai mà biết” - bác xe ôm đầu ngõ cười cười khiến tôi bối rối. Cũng phải, chỉ với cái tên, không có địa chỉ cụ thể rõ ràng thì việc tìm kiếm một người ở nơi phố thị đông đúc mênh mông này là điều không tưởng. Chỉ đến khi tôi đánh bạo hỏi nhà chị Phương… đẻ nhiều, thì chị bán mía bên cạnh mới à lên: “Con nhỏ đẻ 10 đứa liên lục phải không? Vậy thì là con Mén rồi!”. Thì ra, đó là tên gọi quen thuộc của chị mà làng trên xóm dưới khắp khu này ai ai cũng biết.

Nhà chị Phương nằm nép sâu trong một con hẻm nhỏ xíu ngoằn ngoèo. Đó là một phần phía sau của ngôi nhà đã bị cắt bán đi một nửa. Còn lại diện tích hơn 25m2 có cái gác nhỏ là nơi nương náu của 12 nhân khẩu gia đình chị Phương cùng một mẹ già. Sàn nhà trống trơn dường như là chỗ ngủ của 10 đứa trẻ. Nhìn vào chỉ thấy một cái giường đã cũ, tủ thờ, ti vi và vài thứ bàn ghế, nồi niêu, chén dĩa chen chúc nhau trong góc nhà. Trên sàn, 2 đứa trẻ chừng 4, 5 tuổi đang lê la chòng ghẹo nhau, cười khúc khích.

Ra tiếp chúng tôi là mẹ chồng chị Phương, bà năm nay có lẽ đã ngoài 70. Khi biết tôi tìm đến gặp chị để viết bài, bà cụ cười: “Ôi, cánh nhà báo cứ đến đây suốt, dạo này là ít đi nhiều rồi đấy!”. Cụ bảo tôi gặp may, hôm nay chị nghỉ ốm ở nhà, chứ thường ngày buôn gánh bán bưng, chả còn thời gian đâu trò chuyện.

Bà mẹ của 10 đứa con.

Gặp chị, tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ mặn mà của người phụ nữ đã 10 lần vượt cạn. Làn da trắng mỡ màng cùng nụ cười duyên của chị khiến người khác khó có thể tin rằng chị đã là mẹ của 10 đứa con, trong đó có 2 đứa lớn đã lập gia đình. Tôi bảo, chị đang bệnh, nếu không tiện thì bữa khác tôi lại thăm, nhưng chị xua tay, cười: “Không sao đâu em ơi, dạo này trời hầm quá nên bị cảm vặt thôi, có điều tay chân nhức mỏi bán không được nên mới phải nghỉ”. Ôm đứa con trai nhỏ nhất vào lòng, chị bảo: “Thằng này nhỏ nhất cũng được 4 tuổi rồi, cũng đỡ mệt. Chứ vài năm trước, 3, 4 đứa nheo nhóc ở nhà, vừa trông tụi nó vừa buôn bán, cực lắm!”.

2 con gái lớn của chị nay đã ngoài 20, có gia đình ổn định. 6 đứa nhỏ tiếp theo đang học rải rác từ lớp 2 đến lớp 12, còn 2 bé nhỏ nhất cũng sắp đến tuổi đến trường. Chị kể, đông con cực khổ đủ đường, nhưng anh chị chưa bao giờ hối hận vì những đứa con mình sinh ra. Chị cũng chưa khi nào có ý định sẽ cho con nuôi hay gửi người này người kia nuôi hộ. Chị muốn con chị dù đói rách vẫn được sống với cha mẹ, được yêu thương và che chở. Bởi lẽ, trong quá khứ chị đã nếm đủ mọi đắng cay hờn tủi khi bị cha mẹ ruột bỏ rơi khi mới lọt lòng.

Đến nay, 40 năm trôi qua nhưng nỗi đau bị cha mẹ bỏ rơi vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí chị. Nhiều lúc có ai đó vô tình hỏi về cha mẹ ruột, chị không giấu vẻ uất ức: "Tôi hận họ lắm, không nuôi được thì thà họ đừng đẻ ra". Nỗi hận bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng khiến chị luôn tự nhủ: "Nhà nghèo có rau ăn rau có cháo ăn cháo chứ con mình đẻ thì mình nuôi. Đời chị bị cha mẹ bỏ rơi đã khổ nhiều rồi, bây giờ không thể để các con mình khổ như thế được".

Từ khi bị cha mẹ bỏ rơi, chị được người cô ruột cưu mang, cho ăn học. Nhưng cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, chị phải nghỉ học để ra đời bươn chải, phụ giúp cô mình. Giã từ con chữ khi chỉ mới học lớp 6 bổ túc, người con gái tên Phương khi ấy không còn sự lựa chọn nào tốt hơn là tìm một bờ vai nương tựa dù tuổi đời vừa mới chớm xuân. Từ đó, chị đã tìm được cho mình một mái ấm gia đình mà suốt tuổi thơ chị thiếu vắng. Chồng chị là một người đàn ông chân chất, hiền lành, làm nghề bốc xếp ở các khu chợ đầu mối.

"Mình nghèo lại học vấn thấp đâu dám mơ lấy được chồng giàu có. Thấy ảnh hiền lành, thật thà, chăm chỉ làm ăn nên chị ưng đại. Cuộc sống từ đó đến giờ vẫn vậy, được cái cả hai chịu khổ cũng quen rồi", chị kể tiếp.

Đứa con gái đầu lòng chào đời khi người mẹ chưa bước sang tuổi 18, rồi cứ thế, thường xuyên và liên tục trong chu kỳ sinh nở của người phụ nữ, chị Phương cho ra đời những đứa con đều đặn cách nhau 2 tuổi. Lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay, chị Phương tính về tuổi đời sinh nở của mình: 17, 20, 23, 25, 27, chị dừng lại ở mốc 27 với 5 đứa con. Lấy một hơi thật dài, chị đếm tiếp: 29, 31, 33, 35, 37. Trong vòng 10 năm, thêm 5 đứa nữa. Tổng cộng tròn 20 năm sinh đẻ là 10 đứa con, 7 gái, 3 trai, ấy là chưa kể một lần chị bị sảy thay ở tháng thứ 6.

Chị Phương tất bật với đàn con trong căn nhà chật chội (Ảnh nguồn: nld.com.vn)

Được cái làm lụng đã quen nên chị rất dẻo dai, khỏe mạnh, có bầu vẫn đi bán bưng, đi giúp việc nhà, trông trẻ… Làm quần quật đến khi nào thấy cái bụng nó sụp xuống quá, cảm nhận được sự quay đầu của đứa trẻ chị mới nghỉ. Và chỉ một đến hai ngày nghỉ, y như rằng chị trở dạ. Chị “thuộc lòng” quy luật trong việc sinh nở của mình và tự chuẩn bị cho mình tất cả mọi thứ từ giai đoạn trước đến sau khi “nằm ổ”.

Chị Phương cho biết, cả 10 lần sinh, chị chưa phải tới bác sĩ khám thai lần nào, cũng chẳng cần siêu âm. Cứ thế, những đứa trẻ khỏe mạnh lần lượt ra đời trước sự hân hoan nhưng cũng thấm đẫm nỗi lo toan của anh chị. Gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày càng đè sụp xuống mái ấm nhỏ bé của cặp vợ chồng.

Theo phân công thì chị Phương chịu trách nhiệm lo cái ăn, còn chồng chị chịu tiền học phí cho các con. Với 10 miệng ăn không ngừng lớn, không ngừng ăn như vậy, có những lúc họ đã kiệt sức. Đứa con gái lớn sinh năm 1991, dang dở việc học và đang làm bảo mẫu cho một câu lạc bộ ở quận 3. Đứa thứ hai đang học năm hai Cao đẳng cũng phải nghỉ để nhường đường cho các em kế cận. Chép miệng một cái thật dài, chị Phương than: “Trễ hạn đóng học phí kỳ 2, trường không cho thi, thế là coi như bỏ dở. Con nhỏ khóc ngất, mà biết làm sao, giờ nuôi miệng ăn còn không nổi…”.

Hiện giờ chồng chị Phương vẫn theo nghề bốc xếp với thu nhập từ 300.000 đến 400.000 đồng một ngày, còn chị buôn bán hàng ăn trước cửa nhà. “Nay bán bún riêu, mai lại bán bánh khọt, ngày rằm, mùng một lại bán đồ chay, ưng gì bán nấy thôi em” - chị chia sẻ.

Thu nhập của việc bán buôn không ổn định mà cuộc sống ở chốn thị thành giá cả mọi thứ ngày càng đắt đỏ, chị Phương bảo, ngày bán được thì tiền chợ cũng theo đó mà hết, còn lỡ như bán ế thì để đó cả nhà ăn luôn. "Ăn uống thì còn xoay sở cầm chừng, chứ tiền học phí sắp nhỏ mới là vấn đề lớn. Anh chị cố gắng tiết kiệm dữ lắm nhưng lâu lâu vẫn phải vay tiền nóng trả lãi cao. Cũng may có mấy phụ huynh tốt bụng đóng giúp học phí cho một đứa. Mới đây gia đình cũng được phường xét diện hộ nghèo nên cũng được giảm một ít", chị Phương bộc bạch.

Ấy thế nhưng chị vẫn luôn tạ ơn trời phật còn thương gia đình chị. Đám trẻ ít khi ốm vặt như những đứa trẻ khác, lại dễ bảo, dễ nuôi. 10 đứa con chị, không đứa nào phải đi nhà trẻ. Chúng tự ăn, tự chơi, khi mệt tự lăn ra ngủ. Bẻ đôi cái bắp luộc chia cho 2 đứa trẻ đang í ới đòi ăn, chị Phương tiếp: “Nhiều khi ốm đau phải nghỉ bán, nhà chẳng còn lấy một đồng tiền chợ, bọn nhỏ phải ăn cơm chan mỗi nước tương. Vậy mà chúng vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh”.

Quả thật, mấy đứa con chị, đứa nào cũng lanh lợi, hồng hào. Chị nói, khi khó khăn thì phải cắn răng nhìn con ăn uống cực khổ, chứ hễ có đồng ra đồng vào là chị lại mua thịt cá về bồi dưỡng cho con chứ không dè dặt. “Tụi nhỏ thi thoảng được bữa ngon là mặt mày tươi rói, chỉ cần nhìn thấy vậy, dù có cực khổ bao nhiêu chị cũng mãn nguyện”.

Con chị đứa nào cũng lanh lợi, khỏe mạnh.

Rõ ràng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình có điều kiện còn chẳng dám nghĩ đến chuyện sinh con thứ ba. Vậy mà đối với cặp vợ chồng nghèo phải chạy ăn từng bữa, việc sinh con lại quá đỗi giản đơn. Chị coi việc sinh đẻ như chuyện thường ngày, có bầu nhất định phải sinh, không bao giờ đi phá thai. Chị quan niệm: “Phá thai là giết con mình. Kể cả khi nó chưa thành hình thì vẫn là một sinh linh. Mẹ chồng chị thường xuyên đi chùa nên bà cũng tuyệt đối cấm chuyện bỏ thai. Chồng chị cũng vậy, anh ấy bảo, có bầu là phải đẻ, đó là con mình”.

Quan niệm sinh con của vợ chồng chị Phương hoàn toàn không đáng trách, trái lại còn khiến nhiều người cần phải suy nghĩ, học tập. Tuy nhiên, sinh con ra mà để con phải chịu thiếu thốn, thiệt thòi là điều mà không một bậc cha mẹ nào mong muốn. Khi chúng tôi hỏi có nhiều biện pháp kế hoạch hóa gia đình sao chị không áp dụng? Chị cười như mếu: “Là do vỡ kế hoạch cả chứ chị đâu định đẻ nhiều như vậy. Đứa thứ 3 chị có đi đặt vòng nhưng không hợp, cứ bị ốm, sốt hoài. Đặt vòng không được lại đẻ, rồi cũng uống thuốc này thuốc nọ phòng tránh mà ngặt nỗi công việc nhiều quá nên uống bữa đực bữa cái. Lại sinh tiếp”.

Trước “thành tích sinh nở” của chị Phương, nhiều lần cán bộ khu phố đã tới góp ý và khuyên nhủ. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ chi phí để chị đi bệnh viện triệt sản nhưng đều không thành. Về vấn đề này, chị phân trần: “Sinh xong đứa thứ 10 chị đã ký vào đơn để lên bàn mổ rồi, nhưng chồng chị lại không chịu ký. Chị bị máu loãng lại huyết áp cao. Anh ấy cứ sợ lỡ có chuyện gì thì không biết làm sao…”. Chị cho hay mình đang uống thuốc rất đều đặn. Giờ chị đã kinh nghiệm đầy mình và nhuần nhuyễn trong việc “kiêng cữ” lắm rồi. Đứa út đến nay đã được 4 tuổi nhưng chị vẫn chưa để xảy ra thêm “sự cố” vỡ kế hoạch nào.

Ông Nguyễn Cội, Tổ trưởng tổ dân phố khu vực cho biết, đây là một trường hợp "cá biệt" ở địa phương: "Mặc dù các ban ngành đoàn thể đã đến tận nhà khuyên nhủ và đưa đi triệt sản nhưng hễ đến bệnh viện là cô ấy lại kiếm cớ trốn mất. Cho đến khi sinh xong đứa thứ 10, Phương mới đồng ý thực hiện biện pháp kế hoạch. Hiện giờ chúng tôi một mặt giúp đỡ gia đình này theo diện khó khăn, một mặt vẫn tuyên truyền để họ thực hiện tốt các biện pháp kế hoạch. Từ khi báo đài đưa tin, nhiều Mạnh Thường Quân cũng đã tới hỗ trợ tiền để gia đình trả nợ và lo cho mấy đứa trẻ đến trường. Mấy năm nay, một số đứa đi học đã được nhà trường miễn giảm học phí, cấp học bổng để các cháu theo kịp với bạn bè cùng trang lứa".

Nguyên Phương