Cần một lời xin lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo!

13:00 | 21/10/2013

1,276 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không hề nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những trang sách sử viết về những chiến công lừng lẫy của ông, đó là một “lỗ hổng” đặc biệt nghiêm trọng mà trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng chỉ huy chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Ông cũng trực tiếp và tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng của lịch sử kháng chiến của dân tộc như: Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh... 

Trong sách giáo khoa, nhiều chiến dịch quan trọng trên đã được nhắc đến một cách rất chi tiết. Cụ thể, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp thì đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch này mang đậm việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật của ta. Sau chiến dịch này, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm. Hay ở giai đoạn kháng chiến chống Mỹ thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp tham gia chỉ huy đã kết thúc thắng lợi...

Những chiến dịch quan trọng, là mốc son của lịch sử Việt Nam này đều hiện diện  trong các trang sách nhưng tên tuổi, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không hề được nhắc đến.

Sách lịch sử phổ thông hiện tại không hề nhắc về Đại tướng

Đã từ lâu rồi, không những cả dân tộc nói về những chiến thắng của Đại tướng mà cả thế giới đã nói về ông và những chiến công vang dội của ông trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngoài tài quân sự, Đại tướng còn là một người có nhân cách hiếm thấy. Nhân cách, sự đức độ của Đại tướng đã được minh định trong hơn một thế kỷ làm người. Và, khi những cựu thù đều cúi đầu bái phục hay đều bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng thì điều đó đã nói lên ông là một con người vĩ đại về nhân cách như thế nào.

Ngoài sự ngưỡng vọng về lòng yêu nước, trí tuệ và nhân cách của Đại tướng thì Đại tướng còn trở thành một biểu tượng của cả dân tộc vì hình ảnh một con người giản dị và gần gũi của ông. Hai chữ “Anh Cả” mà những người lính của Đại tướng dùng để gọi tư lệnh mình; hay chữ “Bác”, chữ “Người” mà nhân dân cả nước gọi và khóc thương về ông những ngày qua khi ông ra đi đã nói lên tất cả hình ảnh về con người bình dị đó.

Vừa qua, trong hàng triệu người lặng lẽ xếp hàng đến viếng Đại tướng, chúng ta không khó để bắt gặp vô số những đoàn học sinh trong đồng phục nhà trường, các em đã đến viếng Đại tướng sau giờ tan lớp. Với các em học sinh, Đại tướng không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một tấm gương về lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh. Nói cách khác, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là bài học lịch sử gần gũi, sinh động và ý nghĩa nhất mà các em mong muốn được học và tìm hiểu qua các trang sử.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhân vật lịch sử rất đặc biệt này lại không hề có mặt, dù rất nhiều trang sách sử đã nhắc khá chi tiết đến các chiến dịch thắng lợi của Đại tướng. Sự thiếu sót nghiêm trọng đó đã chỉ ra rõ những khiếm khuyết trong việc biên soạn SGK của Bộ GD&ĐT hiện nay. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến học sinh không hứng thú với các bài học lịch sử.

SGK "quên" nhắc về Đại tướng dù đề cập chi tiết đến những chiến dịch quan trọng của ông

Trong các trang sách viết về các chiến dịch quan trọng của lịch sử dân tộc như Chiến dịch Điện Biên Phủ hay cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đều là những con số, những ngày, giờ… khô cứng mà hoàn toàn thiếu vắng linh hồn – tức những con người làm nên những chiến công ấy! Những thiếu sót nghiêm trọng ấy trong sách dạy sử đã phần nào lý giải vì sao học sinh ngày càng chán môn Sử; vì sao mỗi khi thống kê về điểm số môn Sử sau kỳ thi tốt nghiệp thì người ta lại có hàng ngàn điểm 0; vì sao học sinh lại biết và thích thú với sử người hơn là sử ta?!...

Và phản ứng đỉnh điểm nhất từ những bất cập trong sách giáo khoa sử đó là hình ảnh một sân trường nhuộm trắng tài liệu lịch sử sau khi học sinh nghe tin không thi tốt nghiệp môn này nữa!

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi người lớn trách các em học sinh ngày càng “thờ ơ” với môn sử thì có lẽ Bộ GD&ĐT nên tự vấn mình trước qua việc nhìn lại những trang sách sử hiện nay đang thừa và thiếu những gì?

Một điều đáng nói là những bộ sách giáo khoa phổ thông hiện nay đã trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới nội dung nhưng cho đến hiện tại, một “lỗ hổng” nghiêm trọng - không viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tồn tại. Đó là một thiếu sót không thể chấp nhận của người biên soạn sách giáo khoa hiện nay. Và rõ ràng rằng trách nhiệm lớn nhất trong việc này thuộc về cơ quan đầu ngành giáp dục, Bộ GD&ĐT.

Vì thế, rất cần sự lên tiếng kịp thời của Bộ GD&ĐT về thiếu sót này. Và đó chỉ có thể là một lời xin lỗi cùng lời hứa sẽ khắc phục trong lần đổi mới sách giáo khoa phổ thông gần nhất sắp tới. Thiết nghĩ, đó mới là hành động mang tính giáo dục của những người làm giáo dục, những người chịu trách nhiệm lớn trong việc mang kiến thức, hiểu biết và tình yêu lịch sử dân tộc đến các thế hệ trẻ.

Ý kiến độc giả:

Lê Quang Luyện - Quảng Bình

Theo tôi chuyện này nên kiểm điểm và cách chức những người đã làm ra bộ SGK.

Hoàng Yến - Hà Nội

SGK đề cập đến Điện Biên Phủ nhưng không nhắc đến tướng Giáp thì lại thêm một chuyện: chỉ có ở Việt Nam. Những người biên soạn SGK và người chỉ đạo biên soạn có xấu hổ không nhỉ?

Cao Văn Minh Vinh - Nghệ An

Một con người được cả 5 châu bốn bể nhắc tới và vinh danh sao lại không có trong Lịch sử Việt Nam? Ai là chủ biên soạn và ai chịu trách nhiệm khi thế hệ con cháu hư hỏng vì không được học những con người như Tướng Giáp?

Trâm Anh - Trường THCS Nguyễn Du, Đăk Lăk

Kính mong báo có ý kiến thế nào với Bộ Giáo Dục để chúng cháu sớm được học, hiểu về những cống hiến cụ thể cho Tổ quốc, cho đời sống chúng cháu được như bây giờ của vị Đại Tướng huyền thoại này ạ. Cả thế hệ chúng cháu rất mong được học để ghi nhớ công ơn và noi theo tấm gương sáng ngời ngời của Bác Giáp.... Xin cảm ơn!

LeHa – TP.HCM

Tôi ủng hộ việc đưa cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK. Ông xứng đáng là guơng để giáo dục thế hệ trẻ !

Nhóm PV