Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Người Việt ở Ukraina sẽ có một cuộc đào thải lớn

16:40 | 25/04/2014

7,358 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ukraina ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng chính trị. Các tỉnh miền đông Ukraina, nơi có đông người Việt sinh sống, đang trở thành những điểm nóng nhất. Mọi hoạt động của người Việt bị đông cứng nhưng đây cũng là cơ hội để chứng tỏ khả năng bám trụ của họ.

Người Việt ở Ukraina sẽ có một cuộc đào thải lớn

Cảnh thường thấy ở Kharkov

Với những người đã sống lâu ở Ukraina và đã trải qua nhiều thời khắc lịch sử của đất nước Ukraina thì cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị diễn ra lần này là nghiêm trọng nhất. Những hậu quả mà ai cũng thấy được, đó là kinh tế bên bờ vực thẳm của sự sụp đổ, chính phủ bất lực và một đất nước chia rẽ, đời sống người dân hết sức khó khăn…

Điều đáng lo ngại hơn cả là không biết những điều tồi tệ này bao giờ sẽ chấm dứt và chấm dứt như thế nào? Câu hỏi đầu tiên của bà con ta khi gặp nhau là: tình hình thế nào rồi? Chưa bao giờ mà cộng đồng người Việt tại Kharkov nói riêng và tại Ukraina nói chung lại hoang mang và lo lắng như hiện nay. Chưa bao giờ người Việt lại quan tâm đến tình hình chính trị tại Ukraina đến như vậy. Cũng đúng thôi, cuộc “cách mạng” này đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống và công việc kinh doanh của bà con ta. Là những người kinh doanh nên cộng đồng người Việt chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng này. Giá đôla từ 8,2 grivna/đôla thì nay đã là 12 grivna/đôla và chưa biết sẽ còn tăng đến đâu. Công việc kinh doanh của người Việt ở Ukraina gần như tê liệt hoàn toàn. Hàng nhập bằng đôla, nếu nhân với giá đôla hiện tại thì không thể nào bán được hàng, mà bán theo giá thấp thì lỗ. Đường nào cũng “chết”. Dù vậy chuyện “không mở hàng” đã trở thành quen thuộc với những người kinh doanh.

Tình hình chính trị của Ukraina vẫn bất ổn, nhất là tại các tỉnh miền Đông, nguy cơ chiến tranh vẫn lơ lửng. Không những người Việt mà người Tây cũng hoang mang lo lắng, vì vậy tất cả đều cố thu nhỏ việc kinh doanh của mình lại. Cộng đồng người Việt tại Ukraina đã hội nhập sâu vào đời sống Ukraina. Con cái, nhà cửa, xe cộ, tài sản, công việc… tất cả đều nằm ở đây. Vì thế các phương án “di tản” hay “hồi hương” đều bất tiện. Nhiều người cho rằng, muốn hay không thì họ cũng vẫn ở đây, dù chiến tranh có xảy ra đi chăng nữa. Phương án về nước chỉ đặt ra với những người “không có gì” và thường là những người đã thất bại trên thương trường.

Theo một số người Việt ở Ukraina, điều gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi, có muốn khác đi cũng không được, nhất là đối với cộng đồng người nước ngoài như chúng ta. Thay vì than thân trách phận, có lẽ họ nên bình tĩnh chấp nhận những gì đã xảy ra và chuẩn bị cho mình những kế hoạch mới để đối phó với tình hình mới. Phải thẳng thắn để nói với nhau rằng tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, ít nhất là cho đến ngày bầu cử tổng thống 25-5 tới đây. Nga có tấn công Ukraina không? Đây cũng là câu hỏi không có câu trả lời. Hy vọng là không. Một cuộc chiến tranh là rất tốn kém và không ai muốn nó xảy ra.

Người Việt ở Ukraina sẽ có một cuộc đào thải lớn

Một khu chợ ở tỉnh Kharkov, Ukraina, nơi có đông người Việt buôn bán

Nhiều người Ukraina cho rằng dù muốn hay không thì chính quyền Kiev cũng phải nhân nhượng Nga, chấp nhận ít nhiều các yêu sách của Nga. Ukraina đang bị mắc kẹt giữa hai “người khổng lồ” là Nga và EU. Ukraina đã lựa chọn con đường mới là ngả theo EU nhưng đã không lường hết sự phản ứng gay gắt của Nga nên đang phải trả giá cho sự lựa chọn này. Con đường theo EU của Ukraina là khó có thể đảo ngược, hai ứng cử viên Tổng thống hàng đầu là bà Yulia Timoshenko và tỉ phú sôcôla Petr Poroshenko đều là những người thân phương Tây. Việc hòa giải với Nga cũng là công việc quan trọng với chính quyền mới. Ít nhất là do Nga đủ sức mạnh và công cụ để làm cho Ukraina “sống dở chết dở” bằng việc cắt khí đốt hay cấm vận kinh tế…

Đối với bà con trong cộng đồng chúng ta thì thời gian tới sẽ rất khó khăn. Có thể đây sẽ là cuộc đào thải lớn nhất từ trước đến nay. Một bộ phận người kinh doanh đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi thương trường. Con số là bao nhiêu, không ai biết rõ, nhưng chắc là không ít. Những người muốn trụ lại sẽ phải thay đổi cung cách làm ăn, hướng tới chiều sâu và tính bền vững. Kinh doanh phải có uy tín, tiềm lực và sự đầu tư nhất định. Chuyện “tay không bắt giặc” đã đi vào quá khứ. Nếu không còn vốn thì không nên tiếp tục “làm chủ” nữa, hãy vui vẻ chấp nhận chuyển sang làm thuê hoặc một công việc gì đó phù hợp, miễn đảm bảo cuộc sống. Không nên “cố đấm ăn xôi” vì sẽ vô ích. Tình hình khó khăn chung, vì vậy giữa người bán hàng và chủ hàng cần ngồi lại và thương lượng với nhau trên tinh thần tích cực và có trách nhiệm. Nên tránh những hành động tiêu cực như xù nợ, trốn tránh hay chây ì. Chủ hàng thường là những người chịu nhiều mất mát hơn tất cả, nhưng họ cũng là những người đủ khôn ngoan và tỉnh táo để giúp đỡ bạn hàng trong những lúc khó khăn như thế này, với điều kiện là bạn phải có thiện chí và quyết tâm.

Theo phản ánh chung, cộng đồng người Việt ở Đông Âu nói chung là hiền lành, chịu khó, cởi mở và thân thiện. Ông Hoàng Bửu Lộc, Hội Doanh Nhân Việt Nam tỉnh Kharkov, Ukraina, chia sẻ: “Tôi quý mến tất cả mọi người và thật lòng rất mong không một ai trong chúng ta phải đầu hàng hay thất bại. Tôi cũng hy vọng cộng đồng ta sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này, như chúng ta đã từng vượt qua hai cuộc khủng hoảng trước đây vào năm 1998 và 2008. Tôi cũng hy vọng rằng chính khủng hoảng sẽ làm xuất hiện nhiều cơ hội làm ăn mới cho cộng đồng chúng ta”.

Ông cũng cho rằng tình hình khó khăn sẽ khiến nhiều người nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực khác, ví dụ mở quán ăn, nhà hàng, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng, sản xuất… chứ không bó hẹp phạm vi công việc trong khu vực chợ nữa. Có thể những công việc mới sẽ không giúp kiếm được nhiều tiền nhanh như trước đây, nhưng nó sẽ ổn định hơn và bền vững hơn. Việc đa dạng hóa các ngành nghề sẽ khiến cộng đồng tránh được rủi ro, vì người Việt thường có thói quen kinh doanh theo phong trào. Mỗi người nên tìm cho mình một con đường riêng, một phong cách riêng trong kinh doanh.

Những người Việt thành đạt trong cộng đồng nên chia sẻ hơn nữa những kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh của mình cho bà con. Các hội đoàn của người Việt tại Ukraina như Hội người Việt Nam, Hội doanh nhân Việt Nam tại các tỉnh lớn như Kiev, Kharkov, Odessa, Kherson… nên chủ động và tiên phong trong việc đưa ra nhận định trung thực và khác quan về tình hình Ukraina, cập nhật cho bà con được biết để mọi người bớt hoang mang và lo lắng. Vì ai cũng hiểu rằng phải khó khăn lắm mới có được một cộng người Việt tại Ukraina như hiện nay.

Bình tĩnh, đoàn kết, chia sẻ và hy vọng là thái độ tích cực và thích hợp nhất đối với mỗi người trong cộng đồng ta trong lúc khó khăn này.

 

Hiện có trên dưới 10 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, công tác, học tập và làm việc tại Ukraina, tập trung ở một số thành phố lớn như Kiev, Kharkov, Odessa. Người Việt tập trung đông nhất ở Kharkov (khoảng 5.000 người), phần lớn tham gia vào các hoạt động thương mại.

 

Th.Long

lược ghi từ các trang web của cộng đồng người Việt ở Đông Âu