Làm sao để không còn biểu tình và đảo chính ở Thái Lan?

07:00 | 18/12/2013

2,648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước đến nay, Thái Lan đã có 17 cuộc đảo chính, còn những cuộc biểu tình chính trị thì vô kể. Đây là một con số quá cao so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới và thậm chí giới phân tích thời sự quốc tế cũng thấy ngán ngẩm trước tình trạng biểu tình dẫn đến đảo chính triền miên ở Thái Lan. Nhiều người tự hỏi, làm thế nào để không còn đảo chính và biểu tình ở Thái Lan?

Năng lượng Mới số 283

Làn sóng biểu tình mới ở Thái Lan bắt đầu từ ngày 24/11, khi trên 100.000 người xuống đường tại Bangkok, đòi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải lập tức từ chức. Thủ Tướng Yingluck khá bất ngờ trước biến cố này. Vài năm đầu trong nhiệm kỳ của bà Yingluck, người đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 2011, có vẻ an bình. Dưới quyền lãnh đạo của bà, Thái Lan hồi phục từ cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,5% trong năm 2012. Nhưng không phải người dân nào cũng hài lòng với chế độ của nữ thủ tướng đầu tiên của đất Thái. Tuy bà Yingluck Shinawatra chính thức cầm quyền, nhưng không ai nghĩ rằng vị nữ thủ tướng này cai trị đất nước Thái Lan mà không có bàn tay xen vào, thậm chí điều khiển của ông anh ruột tỉ phú.

Thủ tướng Yingluck, qua vài năm trị vì yên ổn, có thể đã đánh giá sai tình hình, châm ngòi cho cuộc biểu tình mới nhất này, bằng cách ủng hộ một dự luật ân xá, mà nếu được thông qua sẽ xóa tan tội tham nhũng của Thaksin, mở đường cho ông anh tỉ phú đầy quyền lực này trở về nước. Phe đối lập gọi dự luật này là một “động thái trắng trợn” nhằm “xóa hết tội lỗi” của Thaksin để đưa ông về nước tìm cách lấy lại quyền lực. Dự luật cuối cùng bị thất bại ở Thượng Viện, bà thủ tướng xếp xó nó, nhưng đã quá muộn. Hàng trăm ngàn người Thái vẫn tràn ra biểu tình ở các đường phố Bangkok, đòi hỏi bà Yingluck, mà họ gọi là “phe nhóm của Thaksin” từ chức.

Biểu tình dẫn đến đảo chính đã trở thành một "loại văn hóa" trong đời sống chính trị tại Thái Lan

Giáo sư Nicholas Farrelly, thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, người dân Thái có vẻ nghiện đảo chính và có thói quen sử dụng những sự can thiệp bên ngoài hiến pháp để giải quyết xung đột chính trị. Theo Farrelly, qua nhiều thập niên dựa vào đảo chính “như một biện pháp mặc định” để khôi phục sự ổn định, Thái Lan đã tạo ra một loại “văn hóa đảo chính”, trong đó việc lặp đi lặp lại các cuộc đảo chính khiến giới trí thức nước này nghĩ rằng đó là lối thoát duy nhất khi có bế tắc chính trị. Nói một cách khác, càng đảo chính nhiều thì càng mê đảo chính, Farrelly kết luận.

Joshua Kurlantzick, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Council on Foreign Relations, đồng ý với Giáo sư Nicholas Farrelly và đưa ra một số giải thích, chẳng hạn, sở dĩ Thái Lan hay có những cuộc đảo chính, một phần là vì thặng dư tướng lĩnh. Theo Kurlantzick, so với gần như tất cả quân đội trên thế giới, quân đội Thái Lan có quá nhiều sĩ quan cao cấp không cần thiết cho Bộ Quốc phòng và cho việc chiến đấu. Mặc dù không có kẻ thù nào, Thái Lan có hơn 1.700 tướng lĩnh và đô đốc, một tỷ lệ quá cao so với quân đội Mỹ. Theo Kurlantzick, hầu hết các sĩ quan cao cấp của Thái Lan “không có việc làm thực sự”. Sự rảnh rỗi khiến họ nghĩ rằng để có thể đạt được uy tín, tiền bạc, thậm chí cảm thấy mình cần thiết, họ chỉ còn cách can thiệp vào chính trị.

Ngoài việc thặng dư tướng lĩnh, vẫn theo phân tích của ông Kurlantzick, Thái Lan có một thể chế phức tạp, không là một chế độ quân chủ tuyệt đối, mà cũng không phải là một chế độ quân chủ lập hiến thực sự. Sự can thiệp vào đời sống chính trị của hoàng gia vô hình trung củng cố quan điểm rằng, chia rẽ chính trị của Thái Lan chỉ có thể được giải quyết một cách không chính thức, bởi một vị minh quân hoặc một tướng lĩnh từ quân đội.

Muốn bỏ được thói quen dựa vào những biện pháp nằm bên ngoài hiến pháp, Joshua Kurlantzick cho rằng, mọi phía liên quan phải có những thay đổi. Trước hết, theo Kurlantzick, ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo của Đảng Dân chủ, người đã nhiều lần bác bỏ kết quả bầu cử và điều động các cuộc biểu tình đầy bạo lực để châm ngòi cho các cuộc đảo chính, sẽ phải chấp nhận tranh cử, và cố gắng để được đắc cử.

Kurlantzick giải thích: “Dù các cuộc biểu tình có thể giúp cho phe đối nghịch đạt mục đích trong thời gian ngắn hạn, liên tục dùng biện pháp này để loại bỏ phe ủng hộ Shinawatra sẽ làm cho Thái Lan suy yếu, mà cũng không giúp cho đảng Dân chủ ở một vị trí cạnh tranh tốt hơn trong những cuộc bầu cử tới. Đảng Dân chủ đã không giành được một cuộc bầu cử quốc gia kể từ đầu những năm 90 và vì thế cần phải hiểu nhu cầu của giới nghèo, trở nên hấp dẫn hơn với người dân Thái ở nông thôn, nếu muốn giành chiến thắng”.

Hoàng gia cũng phải thay đổi để tiếp tay trong việc phá vỡ văn hóa đảo chính của Thái Lan. Thay đổi trong hoàng gia của Thái Lan có thể đang diễn tiến. Vị vua tôn kính vừa ăn mừng sinh nhật thứ 86 trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Sau khi nhà vua qua đời, người kế nhiệm ông sẽ không có lợi thế của một quyền lực được tích tụ qua nhiều thập niên vận động chính trị, Thái Lan nhờ đó có thể sẽ phát triển thành một chế độ quân chủ lập hiến thực sự và phải củng cố vai trò của các cơ quan được chính thức được thiết lập để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như tòa án.

Thay đổi quân đội có lẽ sẽ mất nhiều thời gian nhất. Nhưng, Kurlantzick lập luận, nếu ở các nước khác trong khu vực, như  Myanmar và Indonesia, nơi quân đội tham gia nhiều hơn vào chính trị còn thay đổi được thì Thái Lan cũng làm được. Giống như Indonesia, Chính phủ Thái Lan có thể giảm bớt quân số, nhất là các cấp lãnh đạo, một mặt dùng tiền này đảm bảo lương hưu cho binh sĩ và bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao của quân đội vào các cơ quan chính phủ khác, để họ khỏi quá rảnh tay, mà trở thành thực sự hữu dụng cho đất nước.

Liên quan tới làn sóng biểu tình hiện nay, giới tướng lĩnh Thái Lan cho biết, họ không ủng hộ chính phủ nhưng cũng không muốn đảo chính. Hôm 14/12, quân đội Thái Lan đã bác bỏ lời kêu gọi đòi lật đổ Thủ tướng Yingluck, sau cuộc gặp công khai giữa các lãnh đạo quân đội và phe đối lập. Trong cuộc gặp với lãnh đạo quân đội - được truyền hình trực tiếp, lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban kêu gọi quân đội ủng hộ phong trào biểu tình, gây áp lực buộc chính phủ từ chức “để chấm dứt” khủng hoảng. Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội Thái Lan, tướng Thanasak Patimaprakon, kêu gọi phe biểu tình tiếp tục đàm phán với chính phủ nhằm đạt được “một đồng thuận”, đồng thời và ủng hộ bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn như dự kiến. Tham gia vào cuộc hội kiến kể trên còn có tư lệnh các binh chủng lục quân, không quân và hải quân.

Quan điểm thận trọng của quân đội Thái Lan là có lý do. Giới quan sát cho rằng quân đội Thái biết rõ là một cuộc đảo chính khác có nguy cơ làm tình hình căng thẳng thêm. Kinh nghiệm cần được rút tỉa chính là cuộc đảo chính năm 2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin, một nhà tỉ phú bị cho là tham nhũng và là một mối đe dọa cho chế độ quân chủ. Từ đó đến nay, tình hình chính trị Thái Lan vẫn liên tục bị bất ổn định, trong lúc những người thân cận với Thủ tướng bị lật đổ luôn luôn giành thắng lợi trong các bầu cử, với kết quả rõ nhất là chính phủ Yingluck Shinawatra hiện thời.

Với lực lượng thân Thaksin được cho là còn rất mạnh tại Thái Lan, một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Yingluck có nguy cơ gây nên một tình thế bất ổn dữ dội hơn. Đây là điều có thể giải thích vì sao quân đội Thái Lan lần này thận trọng hơn.

Để xoa dịu tình hình, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang cố sức để chấm dứt các cuộc biểu tình bạo động trong nước, đã làm ít nhất 5 người chết và gần 300 người bị thương. Bà tuyên bố giải tán Quốc hội hôm 9/12 và kêu gọi có cuộc bầu cử mới vào tháng 2/2014. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe biểu tình Thái Lan cho hay sẽ thành lập một chính quyền hoạt động song song, gồm cả “lực lượng tình nguyện bảo vệ hòa bình” để thay thế cảnh sát, một “hội đồng nhân dân” để điều hành quốc gia và có cả chính sách ngoại giao riêng. Một số giới chức học giả và chính trị gia đã lên tiếng đả kích cho rằng điều này không dân chủ và vi hiến. Tuy nhiên, nỗ lực chiếm quyền của cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban có thể thành sự thật nếu quân đội hay các thẩm phán tòa tối cao can thiệp, như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Các nhà phân tích nhận định rằng quốc gia Ðông Nam Á này đang đứng trước một ngã rẽ nguy hiểm, có thể đưa đến tình trạng đổ máu ghê gớm.

H.Phan