Hồng nhan đa truân (Kỳ 1)

06:55 | 03/09/2013

5,832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Buổi chiều, tại nhà đạo diễn Huy Cường. Đó là một căn nhà ba tầng nhỏ, nằm ở mặt phố, nhưng rất hẹp. Phía bên ngoài có một khoảng sân rộng chừng khoảng 30m2 và có rất nhiều cây cảnh.

Nguyễn Như Phong

“Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân”

***

Ông Cường ngồi đọc một cuốn sách nói về nghề đạo diễn bằng tiếng Nga thì chợt nghe tiếng nước chảy từ trong phòng tắm.

Ông mỉm cười rồi đi ra phòng tắm, áp tai vào cánh cửa và gọi:

- Thành ơi. Để bố gội đầu cho.

Thành, con trai ông nói vọng ra:

- Vâng, bố gội cho con với.

Ông Cường mở cửa vào, ông cằn nhằn trách yêu:

- Bố đã bảo rồi, mỗi lần tắm để bố gội đầu cho.

Thành cảm động:

- Sao bố cứ thích gội đầu cho con thế? Con thấy bố đang đọc sách nên không muốn gọi.

Ông Cường nhìn người con trai bị liệt nửa người bằng ánh mắt xót xa.

Ông bảo:

- Phải gọi bố chứ. Bố lúc nào mà chả đọc sách.

Rồi ông với tay lấy lọ dầu, bóp một ít ra tay xoa lên đầu và gội cho Thành.

Ông gãi đầu cho Thành nhẹ nhàng và hỏi:

- Gãi thế này được chưa? Ồ, mày có tóc bạc rồi này.

Thành nở nụ cười mãn nguyện:

- Con ba lăm tuổi rồi còn gì. Nghe nói bố bị bạc tóc từ năm ba mươi?

- Ừ. Bố giống ông nội. Tóc bạc sớm.

Bỗng ông Cường ngân nga: “Giơ tay vuốt tóc trên đầu/ Sợi vui thì ít, sợi sầu đầy tay”.

Ông Cường gội đầu cho Thành xong, ông xả nước lên người Thành và tắm cho anh.

Thi thoảng, ông cúi xuống, hít hà người con trai.

Mỗi lần như thế, Thành lại co người lại vì buồn:

- Bố làm con buồn quá. Mà tại sao bố cứ thích hít ngửi con thế nhỉ?

- Bố thấy mùi của mày với mùi thằng cu Tý giống nhau.

Thành bật cười:

- Làm sao mà mùi con giống hơi nó. Nó trẻ con, thơm lắm.

Ông Cường:

- Thế mày tưởng mày lớn lắm à? Với bố mẹ thì bao giờ người con cũng bé nhỏ.

Rồi ông giúp Thành mặc quần áo.

Xong đâu đấy, ông nói:

- Chiều nay con có muốn đi chơi không?

Thành lắc đầu:

- Bố ạ, con đang phải tập trung thiết kế phần mềm cho Tổng Công ty Tài chính. Ba hôm nữa là phải nộp cho họ rồi.

Ngừng một lát, Thành nói tiếp bằng giọng vui vui:

- Con làm xong vụ này cũng kiếm được khối tiền đấy bố ạ.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Thiết kế cái phần mềm ấy thì được bao nhiêu? Mà sao bố không thấy mày nói gì cả?

Thành nói:

- Ôi, việc con làm, con có nói thì bố cũng chẳng hiểu. Sau khi con được giải thưởng Trí tuệ Việt Nam, bên tổng công ty họ đến đặt vấn đề với con thiết kế một phần mềm quản lý tài chính thay cho phần mềm cũ đã lạc hậu. Tổng trị giá hợp đồng khoảng 2 tỉ. Tất nhiên là con phải chia cho các bạn khác. Con chỉ làm một phần nhỏ thôi. Nhưng phần ấy cũng phải đến 400 triệu ấy chứ.

Ông Huy Cường trố mắt nhìn con trai:

- Nhiều thế cơ à?

Thành gật đầu:

- Nhiều lắm chứ bố. Đấy là con tính rẻ đấy. Mà thực ra trong việc này, họ cũng thấy mình vừa được giải thưởng, lại thương kẻ tàn tật nên mới chọn. Chứ có nhiều công ty danh tiếng tham gia đấu thầu lắm.

Ông Cường:

- Điều đó thì bố biết. Thôi, nếu như con không thích đi chơi, muốn ở nhà tập trung làm thì bố đi một mình vậy. Bố đi một tý rồi về nấu cơm.

Thành nhìn bố bằng ánh mắt biết ơn và bảo:

- Bố đi đi ạ. Lát nữa vợ chồng em Bình nó về đấy ạ. Nó vừa gọi cho con. Nó bảo mới đi công tác Hải Phòng về, mua được mấy con cua nên về nhà làm nem cua bể.

Ánh mắt ông Cường sáng lên:

- Thế à? Con gọi cho em, bảo mang cả thằng cu Tý về đây cho bố. Hơn tuần rồi bố không nhìn thấy thằng bé. Không biết dạo này nó béo hay gầy.

Thành nói:

- Bố yên tâm. Nó mà đi thì chắc chắn phải có cả thằng cu Tý rồi. Hay là con bảo nó để thằng cu Tý ngủ ở đây với bố một tối nhé?

Ông Cường lắc đầu:

- Thôi, để nó về với mẹ. Gớm, lần trước nó ở đây, đầu tiên cũng tưởng nó quý mến ông, tối sẽ ngủ với ông. Ai ngờ, được một lúc thì nó nhớ hơi mẹ, khóc loạn cả lên.

***

Ông Cường tập tễnh đi bộ dọc con phố nhỏ. Chân trái ông bị thương ngày ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, do không được chữa trị kịp thời nên thành tật.

Nhìn cảnh người, xe đi lại nườm nượp mà tự nhiên ông thấy trong lòng trống trải quá chừng.

Nhìn cách ông đi thủng thẳng thì rõ chẳng phải đi tập thể dục, cũng chẳng phải là một người đi ngắm cảnh, mà là  đi để giết thời gian.

Đi đến một đoạn phố có hàng cây bằng lăng, ông dừng lại.

Đập vào mặt ông là một tấm biển dựng ở vỉa hè “Sách đại hạ giá” và tấm nilon trải bên vỉa hè với hàng trăm cuốn sách đang bày bán.

Người bán sách là một cô gái khá trẻ, có nét mặt đôn hậu.

Nhìn thấy ông Cường, cô gái nói như reo lên:

- Ôi, cháu chào đạo diễn.

Ông Cường ngạc nhiên hỏi:

- Xin lỗi, sao cháu lại biết chú là đạo diễn?

Cô gái cười và nói:

- Chúng cháu lạ gì chú. Chú là đạo diễn phim nổi tiếng ai chẳng biết.

Ông Cường cười xòa và bảo:

- Chết, chết. Đừng nói thế. Tổn thọ chú, cháu ơi. Cứ nói chú là đạo diễn là được rồi. Còn nổi tiếng hay không thì đấy là chuyện khác.

Cô gái lại nói liến thoắng:

- Chú bảo không nổi tiếng, nhưng mà cháu bảo chú là người nổi tiếng. Những phim do chú đạo diễn cháu xem hết đấy.

Tự dưng thấy trong lòng vui vui, ông Cường bật cười hỏi:

- Thế cháu xem những phim nào của chú rồi?

Cô gái:

- Chú đã đạo diễn 8 phim truyện nhựa, 2 phim truyền hình dài tập. Chú đã 3 lần được giải Cánh diều vàng. Phim của chú còn được mang đi dự Liên hoan Phim quốc tế ở Pháp và chú cũng đã được phần thưởng ở đấy.

Ông Cường hỏi tiếp:

- À, cái này đơn giản. Cháu chỉ cần vào “gu gồ” gõ một cái thì họ thống kê ra những thứ đấy. Nhưng gần đây nhất chú làm phim gì thì cháu có biết không?

Cô gái:

- Dạ, gần đây nhất, cháu nhớ cách đây cũng phải 5-6 năm rồi, chú có một bộ phim truyện nhựa “Hãy tin vào ngày mai”. Cháu nhớ là phim ấy được các nhà phê bình và báo chí đánh giá rất cao, nhưng ở rạp thì lại chẳng có ai xem.

Ông Cường cười như mếu, rồi vỗ tay nhè nhẹ:

- Thế thì giỏi. Giỏi thật.

Rồi ông sà xuống đống sách và hỏi:

- Tất cả sách ở đây đều đại hạ giá à?

- Vâng ạ. Chú xem đi.

Bỗng ánh mắt ông dừng lại ở một bé gái đang ngồi bên cạnh. Ánh mắt nó nhìn ông vừa sợ hãi, vừa lạ lùng.

Nó sợ ông bởi vì khuôn mặt ông gớm giếc quá. Một mảng sẹo bên má, một vết sẹo chạy chéo từ trán xuống ngang chân mày…

Ông Cường đoán ngay ra nó sợ vì cái mặt của ông.

Ông mỉm cười thân thiện:

- Cháu xinh quá. Cháu cũng giúp mẹ bán sách à? Cháu biết đọc chưa?

Cô gái bán sách lắc đầu và nói:

- Không ạ. Đây là con gái một chị bạn cháu. Mẹ nó vừa xuất bản cuốn tự truyện này, còn dư ít quyển thì mang ra đây nhờ cháu bán hộ. Con chị ấy ra đây để xem cháu bán thôi.

Ông Cường gật đầu:

- Cháu bé thế này mà đã biết thương mẹ, ngoan quá. Thế này thì mẹ cháu vui lắm đấy.

Đứa bé rụt rè cầm quyển sách lên, đưa cho ông Cường:

- Ông ơi, ông mua sách cho mẹ cháu đi.

Ông Cường cầm cuốn tự truyện lên. Ngoài bìa vẽ hình một cô gái có ánh mắt u buồn và bìa sau là một bức tranh trìu tượng theo kiểu tranh Picaso với những khuôn mặt dị dạng, gớm ghiếc. Cuốn sách có tên y hệt sách Tàu: “Hồng nhan đa truân”.

Nhìn cuốn sách, ông mỉm cười, rồi bảo:

- Ồ, sao lại đặt cái tên như sách Tàu thế này nhỉ? À, mà cháu tên gì?

Đứa bé mau mắn:

- Cháu là Hương, Diệu Hương ông ạ.

Cô bán sách nói:

-  Cũng là lấy ý từ câu trong Chinh phụ ngâm - “Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân”. Nhưng mà đọc hay lắm chú  ạ.

Ông Cường hờ hững đặt cuốn sách xuống, trong lòng thầm nghĩ: “Nghe tên cuốn sách đã thấy cải lương, sến quá”.

Ông nhìn đống sách một cách hờ hững.

Đã mười năm nay, ông không đọc những tác phẩm văn học đương đại, nhất là tác phẩm của các cây bút trong nước. Ông cũng rất ít mua sách mới. Trừ một số sách nghiên cứu mà ông buộc phải mua, còn sách văn học thì ông không mua. Bởi lẽ ông thấy văn chương bây giờ sao mà nhạt nhẽo, đọc có cảm giác như mình bị lừa. Có những cuốn sách được báo chí tung hô, giới thiệu bằng đủ thứ ngôn từ đẹp đẽ nhưng khi đọc thì chịu không nổi, bởi cách viết cẩu thả, giả dối, cách dịch khô cứng, dung tục. Một số tác phẩm của các tác giả đã thành danh thì lại thường lồng vào văn chương những chuyện cay cú, hậm hực với cuộc đời, với xã hội. Họ mượn sách để chửi bới, chứ không phải dùng văn chương để tải đạo.

Cô gái bán sách lại nài nỉ:

- Chú mua một quyển đi ạ. Quyển này hay lắm. Chú có biết tác giả này  không?

Ông Cường nhìn tên “Vũ Thị Diệu Linh” và lắc đầu:

- Nếu cháu nói diễn viên, đạo diễn hay nhà quay phim thì có thể chú còn nhớ ra được, chứ nói tên tác giả sách này thì… chú chưa biết.

Bé Hương nói xen vào:

- Ông ơi, mẹ cháu mới tập viết đấy.

Ông Cường nhìn con bé ngạc nhiên:

- Sao cháu biết mẹ cháu mới tập viết?

Bé Hương nói luôn:

- Ông ơi, mẹ cháu bảo thế mà. Mẹ cháu bảo vì mới tập viết nên mẹ cháu không dám cho ai cả. Cháu thấy bạn mẹ cháu đến chơi, mẹ cháu cho sách mà còn không dám đề tặng đâu.

Câu nói thật thà của bé Hương làm ông Cường suy nghĩ.

Ông bảo:

- Thế à? Lạ nhỉ? Mẹ cháu tập viết mà viết được dày như thế này thì giỏi đấy.

Cô bán sách nói:

- Có lẽ chú không để ý thôi. Chị ấy là hoa hậu đấy.

Ông Cường nhíu mày ngạc nhiên:

- Hoa hậu? Nhưng mà là hoa hậu gì? Bác thấy bây giờ lắm loại hoa hậu lắm. Tỉnh có hoa hậu của tỉnh, trường đại học có hoa hậu của trường đại học. Ngành nọ, nghề kia cũng đều có hoa hậu.

Cô gái cười khúc khích:

- Không. Chị ấy là hoa hậu cấp Quốc gia từ xưa đấy ạ. Nhưng mà bây giờ chị ấy không sống bằng danh hoa hậu nữa.

Ông Cường nói mỉa mai:

- Ai sống dựa vào danh hoa hậu thì đó là người xoàng. Bây giờ cô hoa hậu này là nhà văn à?

Cô bán sách trả lời:

- Dạ, không ạ. Không phải là nhà văn. Chị ấy làm nghề nuôi dạy trẻ. Chị ấy viết sách về cuộc đời mình. Chú đọc mà xem. Cháu đọc rồi, hay lắm. Buồn đến phát khóc lên được ấy.

Ông Cường vẫn chưa buông tha:

- Ừ. Các cô bây giờ thì nhiều người đa sầu đa cảm. Đọc sách cũng khóc, xem phim cũng khóc, xem ca nhạc cũng khóc, rồi đi đón mấy ngôi sao Hàn Quốc, Đài Loan đến biểu diễn cũng khóc, cũng ngất. Thế rồi thì lăn xả vào hôn tay, hôn chân, thậm chí có người hôn cả ghế. Có lẽ là cuộc sống ngày càng bộn bề, phức tạp thì con người ta càng dễ xúc động và hình như họ xúc động đến phát điên thì phải.

Nghe ông nói như thế, bé Hương buồn hẳn đi, ánh mắt dài dại.

Bé Hương bảo:

- Ông mua cho mẹ cháu một cuốn đi. Bớt cho ông hai mươi phần trăm đấy.

Ông Cường lạnh lùng:

- Sách đại hạ giá mà bớt có hai chục phần trăm à?

Bé Hương nói với giọng đáo để hơn:

- Sách của mẹ cháu không phải là đại hạ giá. Đại hạ giá là những quyển kia cơ. - Bé Hương chỉ sang đống sách bên cạnh - Còn của mẹ cháu là chỉ trừ tiền phát hành phí. Lẽ ra là phải trừ hai mươi lăm phần trăm, nhưng mẹ cháu bảo sách nhà mình thì chỉ trừ hai mươi thôi.

Nó lại nhìn ông bằng ánh mắt nửa van xin, nửa cầu khẩn, tay cầm quyển sách, chìa về phía ông run run.

Thấy bé Hương như thế, ông Cường không nỡ.

Ông cầm quyển sách lên, xem giá rồi nói:

- Hai trăm nghìn cơ à? Thôi, được rồi. Ông trả đủ cả hai trăm nghìn nhé.

Ông lấy tiền đưa cho bé Hương, nhưng nó lại nói:

- Không. Cháu phải trả lại ông tiền phát hành phí. Cô Nhân trả hộ cháu với.

Ông Cường gạt đi:

- Thôi, ông trả tất. Ông sẽ về xem. Nếu mà hay, có khi chiều mai ông lại ra đây để ông cháu mình nói chuyện tiếp.

Bé Hương mỉm cười tinh quái:

- Cháu thay mặt mẹ cháu cảm ơn ông ạ. Cháu chắc chắn là hay và chắc chắn là chiều mai ông sẽ ra đây để nói chuyện với cháu.

Thấy con bé đối đáp hay hay, ông Cường hào hứng:

- Thế cháu nghĩ chiều mai ông sẽ ra đây nói chuyện với cháu về cái gì? Chẳng lẽ nói chuyện với cháu về phim ảnh ư? Hay về cái gì cháu thích?

Bé Hương:

- Chiều mai, cháu nghĩ rằng ông sẽ ra đây tìm cháu chỉ để hỏi về mẹ cháu thôi.

Cô gái bán sách nhìn ông Cường nói:

- Cháu không rành về văn chương, nhưng lâu lắm rồi cháu mới đọc một cuốn mà thấy thích như thê, mà lại là cuốn tự truyện chứ.

Nghe cô gái nói với giọng thật thà và nghiêm túc, ông Cường nói:

- Cháu làm chú tò mò đấy. Thôi được rồi, cứ phải đọc cái đã thì mới biết được. Chào cháu nhé.

- Cháu chào chú ạ.

Ông chìa bàn tay ra cho bé Hương:

- Ông chào cháu.

Hương rụt rè nắm bàn tay ông và ngước cặp mặt lên, nhìn ông sợ sệt:

- Cháu chào ông ạ.

Ông cầm cuốn sách, rồi tiếp tục đi. Đi được một đoạn, ông tò mò mở cuốn sách ra. Ngay ở dưới tựa đề cuốn sách ở trang nhất, dưới tên “Hồng nhan đa truân” là câu “Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân”.

Ông vừa đi vừa đọc:

“Chương I

Tôi sinh ra trong một gia đình tri thức. Về kinh tế, gia đình tôi không giàu, nhưng cũng chẳng nghèo. Về danh vọng, bố tôi cũng là một người có danh, mẹ tôi cũng là người có tiếng. Còn tôi, tôi cũng có cái danh ngay từ khi còn nhỏ…”.

Đọc những câu văn mộc mạc, đầy chất tự truyện, ông Cường thấy là lạ. Ông ra ghế đá, dưới tán một cây ban và giở sách ra đọc. Đọc đến đâu, ông như bị hút vào từng trang giấy và cảm thấy từng câu, từng chữ trong cuốn sách như có ma lực khiến ông không dứt ra được.

Ông Cường có lối đọc sách rất nhanh. Lối đọc này ông học được từ ngày còn đi học đạo diễn ở Liên Xô. Ngày ấy, người ta dạy cho ông cách đọc sách theo kiểu đọc chéo. Tức là không đọc sách từ trái qua phải, từ trên xuống dưới mà đọc chéo từ góc trái phía đầu trang xuống góc phải của cuối trang sách. Đọc lướt như thế, nếu thấy những nội dung gì phù hợp, cần thiết mà mình thích thì sẽ đọc kỹ, còn nếu không thì bỏ qua. Theo như ở nhà trường dạy thì đây là cách đọc của vị lãnh tụ vĩ đại Lê Nin. Những ngày học ở Liên Xô, ông Cường như con mọt sách. Hầu như tất cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, ông chỉ dồn vào một việc là vào thư viện, đọc sách và đọc sách. Ông không còn thú vui gì khác ngoài việc ấy. Trong khi những ngày thứ Bảy, Chủ nhật bạn bè lo đi chơi, đến các cửa hàng mua đồng hồ, mua dây may-so để tích góp mang về Việt Nam bán láy lãi thì ông lại chỉ vùi đầu vào sách. Có đồng rúp nào, ông chỉ mua sách.

Ông đọc lướt khoảng 50 trang, thấy cuốn sách quá được, ông tự nhủ: “Cuốn này không đọc vội được, phải đợi đến tối”.

Ông vừa nghĩ như thế thì có tiếng chuông điện thoại.

Ông mở máy thì thấy số của con gái gọi đến.

Ông nghe máy.

Tiếng của Bình, con gái ông ríu rít:

- Bố ơi, bố về đi. Thằng cu Tý nó đến rồi đây này. Con cũng đã làm cơm gần xong. Bố đang ở đâu thì con bảo nhà con ra đón, bố khỏi phải đi bộ.

Ông Cường vội nói:

- Thôi, thôi. Bố cũng ở gần nhà thôi. Bố về ngay đây.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P