Buồn thay phận khách thương hồ

19:00 | 20/12/2014

7,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khởi đầu là những người chở thuê, chở mướn, buôn bán khắp các miệt sông, khách thương hồ từng là tầng lớp người quan trọng hình thành rồi tạo nên sự sầm uất, thịnh vượng cho Sài Gòn. Xưa khách thương hồ từng sống trong nhung lụa, giàu sang. Bây giờ chỉ còn lại 1 nhúm người neo trên dòng kênh Tẻ, sống trong nghèo khổ bậc nhất, không nhà cửa, không đất đai, không giấy tờ, họ cắm sào trên đó và chờ ngày giải tỏa.

Năng lượng Mới số 384

Ghe là nhà

Người ta thường hay nói “nhất cận thị, nhị cận giang” để chỉ sự thuận lợi trong công cuộc làm ăn mau giàu có, phát đạt. Vậy mà bao nhiêu đời nay, những thương hồ sống trên ghe ở kênh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM) vẫn truyền đời nghèo khó.

Dọc theo chiều dài kênh Tẻ, chỉ chừng 200m nhưng có đến vài trăm chiếc ghe tồi tàn rách nát. Chúng tôi ghé thăm ghe anh Nguyễn Văn Hải (SN 1976, quê ở An Giang). Chiếc ghe làm nhà ở của 7 con người rộng chừng 10m2, gồm một trệt, một gác lửng. Muốn vào trong ghe, người lớn hay trẻ con đều phải cúi đầu. Anh Hải kể: Quê ở An Giang nhưng giờ tôi không biết nó nằm ở đâu cả. Từ thuở lọt lòng đến giờ 3 anh em tôi cùng bố mẹ sống ở đây đã mấy chục năm rồi.

Chị Hồng cùng với chiếc ghe của gia đình dùng để bán dừa

Ba anh em, đứa em trai út lấy vợ lên bờ thuê nhà. Còn anh Hải và đứa em thứ hai chia nhau chiếc ghe. Hai anh em đều lấy gái thương hồ, rồi sinh con đẻ cái. Mỗi người một tầng trên chiếc ghe duy nhất bố mẹ để lại. Anh Hải có ba đứa con, một trai, hai gái. Cả ba đứa đều được sinh ra trên con thuyền này, không bác sĩ, không thuốc men. Bà mụ đỡ đẻ múc một ít nước dưới sông lên tắm cho ba đứa rồi giao lại cho vợ anh. Và bây giờ, đứa 11 tuổi, đứa 10 tuổi và đứa út mới 6 tháng, cả ba đều không có giấy khai sinh, không được đến trường.

Tận tường khung cảnh chiếc ghe, tôi không nghĩ ở Sài Gòn hoa lệ lại còn những mảnh đời như thế. Mọi sinh hoạt, ngay cả nhà vệ sinh cũng được đóng trên thuyền. Nhiều gia đình buôn bán được, họ mua nước máy của nhà dân trên bờ là 30 lít/1.000 đồng. Còn nhà nào đông, khó khăn thì họ dùng nước ngay dưới kênh lên để dùng. Anh Hải cười: “Dưới kênh thấy nước đen vậy thôi chứ múc lên trong veo à. Sống đâu quen đó, tiền ăn còn không có hơi sức đâu đi mua nước máy. Thôi thì tắm giặt, nấu nướng dùng nước kênh, uống thì dùng nước bình vậy”. Một điều đáng buồn hơn, nhà vệ sinh đóng trên thuyền lại xả ngay xuống lòng kênh và ngay đó họ sắm một cái gàu nhỏ múc nước rửa chén, nấu ăn. Bao nhiêu vi khuẩn, bao nhiêu bệnh tật nó nằm ngay trong đó. Nhưng họ không còn cách nào khác. “Những người như chúng tôi làm sao dám mơ tới cuộc sống giàu sang” ông Lê Văn Được 70 tuổi, sống trên chiếc ghe kề sát ghe anh Hải xen vào câu chuyện.

Tuy khá hơn những gia đình khác, lại sở hữu tới 2 chiếc thuyền, chị Phan Thị Hồng (quê Bến Tre) cho biết: “Cha mẹ tôi là người buôn dừa. Ngày trước cứ đi theo chuyến hàng chứ không neo đậu lại như vợ chồng tôi. Ở quê không có đất để làm ăn nên hai vợ chồng hơn 5 năm nay cắm sào ở đây buôn bán kiếm sống”.

Không nước sạch và không có điện. Tất cả những chiếc ghe ở đây đều dùng điện ắc-quy. Ban ngày mang lên bờ sạc nhờ, ban đêm họ chỉ dám thắp một bóng đèn để vợ chồng, con cái ngồi quây quần ngồi ăn cơm cho có tí ánh sáng. Không có quạt máy, tivi hay bất cứ thứ công nghệ nào.

Và rồi những chiếc ghe theo năm tháng rách nát dần đi. Cứ một chiếc ghe chìm xuống nước là một gia đình phải ngủ vỉa hè, gầm cầu.

Phiêu bạt từ ấu thơ

Công việc thường ngày của những thương hồ nơi đây là bán trái cây trên các vỉa hè dọc theo bờ kênh. Mỗi ngày kiếm được vài ba chục ngàn đồng nuôi sống cả gia đình. Còn thức ăn, họ đặt mấy cái nơm dưới thuyền hoặc cắm một vài cây cần câu. Con sông tuy ô nhiễm nhưng vẫn còn tôm cá. Vợ anh Hải tay bế đứa con mới sinh được 6 tháng kể: “Em không có nhà, cha mẹ sống trên ghe, giờ ghe anh trai ở rồi. Có chồng thì theo chồng. Không biết làm gì nên buôn bán kiếm cơm qua ngày”.

Sinh ra và lớn lên trên sông, không hộ khẩu, không nơi nào chịu làm giấy chứng minh nhân dân, không học hành nên không thể xin việc được ở đâu, kể cả những quán nhậu, quán cà phê họ cũng không dám nhận vì họ là dân ghe “phiêu bạt giang hồ”.

Hai đứa con lớn của anh Hải đang phụ bán trái cây trên đường Trần Xuân Soạn và chiếc ghe nơi gia đình hai anh em sinh sống

Những đứa trẻ, có đứa được sinh ra có cha, có mẹ, có đứa không biết cha là ai. Đứa nào cũng đen nhẻm, dơ bẩn và suy dinh dưỡng nặng. Chúng không được đến trường hoặc một vài đứa được nhận vào lớp học tình thương buổi tối. Nhưng đa số, cha mẹ lam lũ chẳng quan tâm con cái được học hay không.

Anh Hải cười: “Học làm gì. Chúng nó đâu có giấy tờ mà được đến trường, có chăng là đến lớp tình thương buổi tối. Học cho biết đọc, biết viết, biết cộng, trừ, nhân, chia, thế là đủ rồi. Chúng tôi không có tiền nên chẳng dám mơ chúng nó lên đại học rồi làm ông nọ bà kia. Thôi thì ở nhà phụ cha mẹ được việc gì hay cái nấy”. Không chỉ riêng anh Hải, đa số các bậc làm cha, làm mẹ ở trên những chiếc ghe đều không cần biết con cái có được học hay không. Họ chỉ quan tâm hôm nay có kiếm đủ cái ăn cho gia đình.

Hai đứa con anh, đứa lớn tên là Nguyễn Hải Hoàng (11 tuổi), đứa nhỏ là Nguyễn Thanh Tuyền (10 tuổi). Mỗi ngày cả hai thức giấc, vục mặt vào chậu nước sông ô nhiễm cho tỉnh táo rồi lao lên bờ. Đứa bế em, đứa bán trái cây. Chiều đến, Tuyền vào bếp nấu bữa cơm tối, Hoàng vén những tấm bạt che mưa cho thuyền có chút ánh sáng.

Gần đó cháu Nguyễn Xuân Thành (10 tuổi) sinh ra đã không biết cha là ai, mẹ đi tù phải sống với bà ngoại. Một cậu bé với mái tóc vàng hoe rám nắng, mặc chiếc áo trắng vá lỗ chỗ và chiếc quần cụt đã sờn. Em kể: “Ngày em đi nhặt ve chai hoặc đi xin tiền ở các ngã tư. Tối đến phụ ngoại bán đồ nhậu vỉa hè”. Thành chỉ có 3 bộ áo quần nhưng toàn là đi xin. Nó không vừa với em, cái thì nhỏ quá mặc vào trơ xương, cái thì rộng thùng thình.

Kết thúc một ngày của Hoàng, Tuyền, Thành và những đứa trẻ sống trên ghe là nhảy “tõm” xuống dòng kênh bơi lội, kì cọ một vài cái lấy lệ. Chiều đến mỗi đứa một bát cơm nguội với cá sông kho hoặc mắm cá, ngồi ăn ngon lành. Ăn xong, chúng tiếp tục lên vỉa hè, lang thang khắp các quán nhậu xin tiền. Mỗi đêm được đôi ba chục ngàn đưa cho bố mẹ.

Và rồi biết bao nhiêu đứa trẻ sống trên ghe nhỏ không đi học, lớn lên trở thành những kẻ trộm, kẻ cướp hoặc lại bám lấy ghe và nghèo như cha mẹ chúng. Đó là câu chuyện buồn của hai đứa con bà Đoàn Kim Xuân (SN 1950, quê An Giang). Cả hai đã lớn nhưng không giấy tờ, không chữ nghĩa. Cách đây 2 năm vì nghèo quá, cả hai vác dao lên bờ đi trộm tiền. Công an bắt được tuyên án 7 năm tù. Bà Xuân mỗi tháng lại phải khăn gói lên trại giam thăm nuôi.

Lên bờ khi… đã chết

Nhưng người nghèo như anh Hải, ông Được, chị Hồng chưa phải là khổ tận cùng vì có chiếc ghe làm của riêng. Trên dòng kênh Tẻ còn những hộ dân nghèo đến mức phải đóng bè để ở. Chiếc bè được làm rộng khoảng 6m2, đóng trên những cái thùng phi đựng dầu mà mấy cây xăng hoặc công trình làm đường bán lại với giá 160 nghìn đồng/thùng. Họ sắm vài cây gỗ nhỏ làm khung rồi vắt ngang qua một lớp bạc nhựa thành một cái bè nhỏ.

Bà Xuân và chồng là ông Nguyễn Văn Hên sống ở đây mấy chục năm rồi, từ thời chế độ cũ đến giờ. Ba năm trước, ông Hên chết nhưng không có đất chôn thân. Một mình bà chèo chiếc ghe ọp ẹp về tận An Giang, xin đất một người quen chôn cất ông Hên. Chôn xong, bà lại chèo ghe trở lên. “Chồng chết chưa được bao lâu. Hai đứa con đi tù. Mình tôi chống chọi với con nước lên xuống của dòng kênh. Nhưng mà trời vẫn không tha, lấy mất chiếc ghe duy nhất của tôi” bà Xuân kể.

Bà Xuân với chiếc bè mới còn dang dở của mình được những người hàng xóm đóng giúp

Hôm tôi đến, bà chỉ tay xuống dòng sông: “Chiếc thuyền hai bà cháu tôi ở chìm rồi. Giữa đêm tối, chiếc thuyền qua hai thế hệ mục quá, thủng đáy, nước tràn vào rồi chìm dần. Hai bà cháu chỉ kịp ôm một vài bộ quần áo nhảy lên bờ, che tấm bạt, ngủ ngay trên vỉa hè. Mấy ngày ngủ đường, những người dân khu vực thương tình, vớt từng chiếc ván, từng khúc gỗ và bỏ công đóng cho bà Xuân chiếc bè mới.

Chiếc bè mới tốn gần 5 triệu đồng chứ không ít. 9 cái thùng phi hơn 1 triệu rưỡi. Cộng thêm ván, bạt, đinh, bao nhiêu thứ mà bà thì không có tiền. Mặc cho mấy ông hàng xóm giúp, bà nhờ người chở đi xin tiền. Bà chạy đến nhà người quen, người cháu họ xin đôi ba trăm ngàn về đóng bè, làm vốn kiếm sống. Mãi chiều tối bà mới về tới nhà nhưng không xin được đồng nào vì anh em ai cũng nghèo.

Đến tối, vì không có đủ vật dụng, chiếc bè vẫn còn dang dở. Mới xong phần sàn gỗ và khung nhưng hai bà cháu bà Xuân đã ôm mùng, mền xuống giăng chuẩn bị đi ngủ.

Trời chạng vạng tối, trên những chiếc ghe lắc lư theo con sóng, tối om, tiếng trẻ con khóc, tiếng muỗi vo ve. Trời mưa, không đi ra ngoài được, những đứa trẻ co ro ôm nhau ngủ. Chia tay chúng tôi, anh Hải, ông Được và bà Xuân ứa nước mắt chia sẻ: “Chúng tôi những người tứ khố vô thân. Không giấy tờ, không một mảnh đất cắm dùi, sau này có chết cũng như ông Hên, phải chôn nhờ đất người khác. Có lẽ, đến chết chúng tôi mới được lên bờ”.

Bên kia con đường là ánh đèn, là những ngôi nhà cao tầng ấm cúng, là những đứa trẻ được học hành, được đầy đủ tiện nghi.

TS Trương Hoàng Trương, giảng viên bộ môn Dự án Đô thị, khoa Đô thị học trường ĐH KHXH & NV TP HCM cho rằng sự phát triển và lấy lại mỹ quan đô thị ở TP HCM thì việc giải tỏa và quy hoạch lại bến đậu của những chiếc ghe thương hồ là điều nên làm. “Nhưng thành phố nên có chính sách đưa họ lên bờ phù hợp.


Hoàng Phúc Lộc