Việt Nam đang trong vòng “luẩn quẩn” giữa lạm phát và tăng trưởng

11:00 | 23/05/2013

1,998 lượt xem
|
Thực trạng kinh tế Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. Và “cái giá phải trả” cho việc ưu tiên kiềm chế lạm phát trong vài năm gần đây không hề nhỏ. Làm sao để giải quyết hài hòa mối quan hệ này vẫn là một bài toán đau đầu với các nhà chính sách.

Lạm phát: coi chừng kiềm chế “quá tay”

Thực trạng kinh tế Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. Ngưỡng lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong ngưỡng của các nước đang phát triển, tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trong thời gian dài đã gây nên lạm phát, từ đó lạm phát tác động trở lại làm giảm tăng trưởng.

Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế và Đầu tư, kinh tế Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có những giai đoạn lạm phát cao, tăng trưởng thấp và có cả giai đoạn lạm phát vừa phải song vẫn thúc đẩy được tăng trưởng.

Cụ thể, theo thống kê về diễn biến lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% từ năm 2000-2003 thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát xấp xỉ hoặc ở mức hai con số, từ năm 2007-2011, tăng trưởng lại có xu hướng chững lại và giảm xuống.

“Hiện nay, nền kinh tế đang đứng trước áp lực tăng trưởng việc làm trong bối cảnh kinh tế đi xuống, lạm phát không tăng lên được (theo chỉ số giá)”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình.

Và để ngăn chặn lạm phát, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như: giảm cung tiền, tái cơ cấu đầu tư, giảm tín dụng... song các biện pháp này đều mang tính chất tình thế với khả năng gây ra bất ổn của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kiểm soát lạm phát của Việt Nam những năm 90 khá tốt, nhưng các năm gần đây lạm phát chưa ổn định.

Bởi vậy, vị chuyên gia này cho rằng: "Trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, chúng ta cũng không nên kì vọng mức lạm phát quá thấp với nền kinh tế đang phát triển. Chúng tôi cho rằng, xác định lạm phát của Việt Nam thời gian tới cần tính đến các yếu tố về tăng trưởng làm sao cho hài hòa, cũng không nên để lạm phát quá thấp để giá phải trả là tỷ lệ tăng trưởng thấp”.

Thực tế, trước khi thành công trong kiềm chế lạm phát, nền kinh tế đã rơi vào suy kiệt kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy mà nền kinh tế đang chứng kiến. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát còn không đáng sợ bằng doanh nghiệp “chết”, kinh tế suy kiệt.

Thậm chí, trong bối cảnh hiện tại, từ nay đến cuối năm, nếu không linh hoạt hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,5%. nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng đã cảnh báo, coi chừng “quá tay” trong kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những yếu tố tiền tệ được cho là nguồn gốc gây lạm phát cao trong thời gian qua của Việt Nam. Đó là sự thâm hụt ngân sách kéo dài mà nguyên nhân chính không phải do chi tiêu thường xuyên mà do đầu tư không hiệu quả; tiếp đó, góp phần vào lạm phát là tăng trưởng tín dụng quá mức kéo theo sự tăng cao của tổng phương tiện thanh toán, từ đó, tạo ra áp lực tăng giá và thổi bùng lạm phát lên cao.

Thêm vào đó, thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh chóng nhưng chưa thực hiện tốt chức năng phân bổ, sàng lọc và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng được phân bổ vào khu vực hiệu quả thấp, rủi ro cao, hoặc đầu cơ vào chứng khoán và bất động sản. Đây là một trong những nhân tố quan trọng gây ra lạm phát cơ cấu, lạm phát tiền tệ ở nước ta trong thời gian qua.

Ngưỡng lạm phát cho tăng trưởng

Kết quả thực nghiệm bằng các mô hình kinh tế lượng về mối quan hệ lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam cho thấy, lạm phát tác động tới tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Khi lạm phát quá cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Ngược lại, những cú sốc về tăng trưởng có thể làm tăng lạm phát nhưng xu hướng trong dài hạn ít hơn trong ngắn hạn. Nghĩa là muốn tăng trưởng cao tất yếu phải chấp nhận lạm phát ở mức độ nhất định nào đó.

Bởi vậy, “để tạo sinh khí mới cho nền kinh tế, nên xem xét kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8% trong năm nay, thay vì 6 - 6,5% như kế hoạch”, ông Trương Đình Tuyển khuyến nghị.

Theo TS, Đào Văn Hùng, quan điểm chính sách tăng trưởng và lạm phát hiện nay của Việt Nam theo định hướng “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” là đúng đắn nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, rất khó có thể điều hành để đạt được cả hai mục tiêu trên. Nếu bằng mọi giá phải đạt được đồng thời cả hai mục tiêu bằng quyết tâm chính trị thì Việt Nam sẽ lại rơi vào vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng thấp. Trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn như hiện nay thì nên ưu tiên tăng trưởng để đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm do Đảng và Quốc hội đề ra và phải chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu trong giai đoạn 2013 – 2015 là 7 – 7,5%.

Bên cạnh các giải pháp chính sách tiền tệ, tài khóa, các diễn giả cũng nhấn mạnh hơn vào các giải pháp phi tiền tệ. Theo trường phái trọng cung, Việt Nam cần tìm nguồn lực tái cơ cấu đồng thời hướng ưu tiên vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh.

Chính phủ cần phải chọn khâu ưu tiên đột phá và lộ trình tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện nguồn lực tài chính quốc gia hạn hẹp. Thêm vào đó, cần phải có một cơ quan thực hiện chức năng phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ độc lập với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

“Để kiểm soát lạm phát cơ cấu và tăng trưởng bền vững thì đầu tiên phải tái cơ cấu chức năng phân bổ vốn, chức năng sàng lọc và giám sát bằng đồng tiền của hệ thống tài chính hiện hành. Đổi mới chính sách tài chính để đảo ngược dòng vốn của xã hội từ chính sách kích cầu tài chính sang chính sách kích thích vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh,” ông Hùng phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, TS. Lưu Bích Hồ dự báo, tình hình khó khăn có thể kéo dài sang năm 2015, hiện tại lạm phát vẫn chưa được kiểm soát vững chắc vì để tạo cả cầu và cung cho tăng trưởng, sẽ phải tăng mạnh đầu tư mà chưa đạt hiệu quả cần thiết.

Do đó ông Lưu Bích Hồ nhận định, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 5-6%, nhưng lạm phát phải kiên quyết giữ ở mức dưới 2 con số, tốt nhất khoảng 7-8%/năm rồi kéo xuống 5-6% khi đã đẩy được tăng trưởng lên cao hơn. Hoạt động tái cơ cấu kinh tế còn chậm vì có quá nhiều cản trở, mà càng chậm thì ổn định và tăng trưởng càng khó thoát ra khỏi vùng trũng.

Tuấn Dũng