Dệt may Việt Nam:

Vẫn lấy công làm lãi?

07:00 | 24/04/2013

2,904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tổ chức Xúc tiến xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang EU (CBI) đưa ra số liệu về tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2011 đạt mức cao nhất thế giới với 32%. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của một ngành sản xuất làm thuê, lấy công làm lãi.

Xây nhà không móng

Với việc nước ta gia nhập WTO năm 2007, ngành dệt may Việt Nam đã được dỡ bỏ hạn ngạch và hưởng thuế MFN vĩnh viễn vào thị trường Mỹ, bước vào giai đoạn phát triển mới với khả năng tiếp cận thị trường dệt may thế giới bình đẳng với các quốc gia xuất khẩu khác. Mặt khác, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành dệt may Việt Nam từ năm 2007 đến 2012 đạt 485 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỉ USD.

Tận dụng cơ hội, sau khi nước ta gia nhập WTO, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu dệt may hằng năm liên tục tăng cao, từ mức 5,9 tỉ USD của năm 2006 lên mức 15,8 tỉ USD trong năm 2011 và 17,5 tỉ USD vào năm 2012, tăng trung bình 32%/năm. Hiện nay Việt Nam là nhà cung cấp hàng dệt may thứ 2 vào Hoa Kỳ, thứ 3 vào Nhật Bản và thứ 5 vào EU. Bên cạnh vị trí ngành công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm 15-16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ngành dệt may cũng thu dụng trên 2,5 triệu lao động, đóng góp rất lớn vào việc giải quyết công ăn việc làm.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng dệt may cao nhất thế giới (ảnh: Mạnh Thắng)

Tuy nhiên, ngay trong khi phát triển nóng đã bộc lộ nhưng bất cập mà cho đến nay vẫn vô kế khả thi khắc phục. Có chuyên gia nhận xét, ngôi nhà dệt may xây cao chót vót mà không có nền móng vững chắc có thể đổ ụp bất cứ lúc nào. Ngay cả khi ngành dệt may đã thực hiện xuất khẩu theo phương thức mua nguyên liệu bán sản phẩm (FOB) nhưng do có nhiều rào cản trong chính sách thuế, kế hoạch sản xuất nguồn nguyên phụ liệu (NPL) nội địa bị “bể”, không những không tăng lên mà nhiều doanh nghiệp (DN) còn phải chuyển từ sản xuất FOB trở lại gia công.

Hàng dệt may luôn nằm trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng giá trị mang lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 30% so với kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu, hàng FOB xuất khẩu chỉ chiếm không quá 30%, còn lại là gia công. Hiện ngành dệt may đang phấn đấu để nâng tỷ lệ xuất khẩu hàng FOB lên khoảng 50% trong tương lai gần. Sử dụng nguồn NPL trong nước là cơ sở vững chắc để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các dự án, chương trình thúc đẩy phát triển nguồn NPL trong nước đều bị vỡ kế hoạch. Và mục tiêu đề ra vẫn còn… rất xa vời!

Các chuyên gia cho rằng, nếu hiểu đúng nghĩa sản xuất FOB thì ngành dệt may Việt Nam chỉ mới dừng lại ở sản xuất FOB “sơ khai” - gia công với giá cao hơn! Vì thực tế, DN của ta bị nhà nhập khẩu chỉ định mua NPL, may theo mẫu họ đưa ra và  chỉ được hưởng 5-10% trên giá trị của sản phẩm. Ví dụ, công may áo sơmi giá 2USD/áo, DN sẽ có thêm 20 cent (hưởng 10%) của hàng FOB). Để có FOB thật sự, DN phải tự thiết kế mẫu mã, chọn NPL, chào hàng (mua đứt, bán đoạn). Thế nhưng sản xuất FOB thật sự trong ngành DM mới chỉ thực hiện được vài DN lớn, tỷ lệ áp đảo lại rơi vào DN sản xuất tiêu thụ ở thị trường nội địa. Và đại bộ phận sản xuất FOB tại Việt Nam hiện nay vẫn là FOB “sơ khai”.

Phú quý thụt lùi

Các DN dệt may cho biết, con số 5-10% có được trên giá trị của hàng FOB đối với DN Việt Nam là khá cao. Nhưng xét trên thực tế, nhà nhập khẩu nước ngoài có quá nhiều cái lợi. Để có được 5-10%, DN Việt Nam phải vay tiền để sản xuất, gánh những rủi ro vì thiếu NPL đủ chất lượng… Đối với những đơn hàng gia công, nhiều khi nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm chính về việc này. 

Trong suốt quá trình phát triển nóng, ngành dệt may không có quy hoạch đầu tư phát triển nguồn NPL trong nước để phục vụ cho xuất khẩu dệt may. Bộ Công Thương đã có chương trình sản xuất 1 tỉ mét vải, phát triển cây bông có nước tưới, đào tạo nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, nhưng tốc độ đầu tư và kết quả đạt được còn chậm. Nhiều dự án đầu tư rơi vào im lặng, dường như các nhà đầu tư đã đuối sức ngay từ những bước chạy đầu tiên!

  Các chuyên gia e ngại, với cung cách này,  ngành công nghiệp sản xuất NPL của Việt Nam sẽ mãi mãi đi sau các nước. Các DN sản xuất NPL trong nước không thể cạnh tranh với NPL từ Trung Quốc và các nước trong khu vực. Vải là nguyên liệu chính thì các DN chỉ sản xuất rất hạn chế, chủ yếu sản xuất theo đơn hàng và thương trễ hẹn.

Sản xuất FOB là mục tiêu các DN hướng đến, tuy nhiên, với nhiều khó khăn trong chính sách thuế hiện nay, nhiều DN dệt may chỉ muốn nhận đơn hàng gia công. Theo các DN, sản xuất hàng gia công sẽ không chiếm dụng vốn như sản xuất FOB và thuận lợi hơn vì không bị áp thuế.

Trong định hướng cho các DN dệt may đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư, dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Các DN dệt may đã hướng tới FOB2 là hình thức mà DN toàn quyền quyết định về nguồn nguyên liệu (5-8%) và ODM - bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế (2-5%). Có lẽ thành công lớn nhất của DM Việt Nam chỉ là duy trì được công việc và thu nhập cho gần 2 triệu lao động trong cả nước với mức thu nhập gần 5 triệu đồng một người, cải thiện 14% mức lương..

Dệt may Việt Nam đã vượt mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỉ USD nhưng không bền vững. Năm 2012, nhập khẩu bông và vải vẫn chiếm tỷ trọng cao, tới 70% kim ngạch phục vụ sản xuất xuất khẩu và nội địa của toàn ngành. Đầu tư sản xuất vải thay thế nhập khẩu yêu cầu vốn lớn, nếu chỉ để thay thế 50% vải nhập hiện nay đã cần số vốn tới 3 tỉ USD. Nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu phát triển, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển ngành giai đoạn 2011-2015. Đó là những thách thức mà toàn ngành phải từng bước vượt qua để nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu.

Giờ thì xuất không xong mà đem bán hàng trong nước cũng không có thị trường. Vậy là mắc kẹt giữa sự sụt giảm về số lượng hàng, hàng mới không dám tung ra, hàng tồn giảm giá hết mức cũng không còn lối thoát. Thực trạng trên ít được các vị lãnh đạo ngành này quan tâm điều chỉnh suốt 10 năm qua. Hầu như chỉ có một tông giọng “phát triển”, “nỗ lực”, “tăng cường nội địa hóa” nặng về khẩu hiệu bên cạnh việc kêu khó khăn về… vốn, nhất là vốn cho sản xuất vải đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu.

Các chuyên gia cảnh báo sau 10 năm nữa, ngành dệt may Việt Nam cũng vẫn chỉ là một lãnh địa của hàng gia công, vẫn lấy công làm lãi.                                     

Minh Nghĩa