SCIC lại thể hiện sự ích kỷ và yếu kém!

09:04 | 29/04/2013

1,372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (ESOP) là công cụ nhằm giữ chân người tài, phục vụ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp (DN) nhưng đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Vinamilk lại phản đối cách làm này bằng cái lý rất khó hiểu.

>>>  SCIC: Câu chuyện của con số và vấn đề trách nhiệm!

SCIC khôn ngoan hay không vặt?

Những tranh cãi xung quanh bản báo cáo tổng kết năm 2012 với 2/3 lợi nhuận sau thuế của SCIC được tạo lên từ cổ tức ở Vinamilk, từ tiền gửi tiết kiệm và dù đại diện của Bộ Tài chính đã lên tiếng cho rằng đây là cách làm “tỉnh táo” thì dư luận xã hội vẫn đặt câu hỏi: SCIC có đủ năng lực để đóng vai trò là nòng cốt thực hiện sứ mệnh tái cấu trúc nền kinh tế hay không?

Trong những bài viết trước, Petrotimes đã phản ánh, SCIC thành lập theo Quyết định số151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách DN nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại DN. Tuy nhiên, trong năm 2012, SCIC giường như đã “quên” đi sứ mệnh này của mình.

Báo cáo Tổng kết của SCIC cho thấy: Tổng doanh thu năm 2012 của công ty là 3.888 tỉ đồng. Trong đó, cổ tức mà SCIC nhận về từ các DN có vốn Nhà nước do SCIC làm đại diện đạt tới 2.151 tỉ đồng, tương đương 55,32% tổng lợi nhuận của SCIC. (Con số này của năm 2011 là 1.937,83 tỉ đồng). Đáng chú ý, có tới 46,58% tổng doanh thu cổ tức trong năm 2012 được SCIC thu về từ cổ tức của Vinamilk với con số lên tới 1.001,95 tỉ đồng.

Sau khi những côn số trên được công bố, rất nhiều ý kiến bình luận đã được giới chuyên gia đưa ra, đáng chú ý trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng: Cách làm của SCIC thể hiện sự ích kỷ, yếu kém, thiếu trách nhiệm với “sứ mệnh” tái cấu trúc mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra cho DN ngay từ ngày thành lập.

Thậm chí, năng lực quản lý của SCIC đã được đặt dấu hỏi lớn khi đại diện của Vinamilk lên tiếng khẳng định: Đáng ra, với vai trò chiếm tới 45,05% vốn điều lệ, SCIC phải cùng tham gia và ủng hộ các chiến lược để phát triển công ty, theo hướng vì quyền lợi chung của Vinamilk và của các cổ đông, trong đó có quyền lợi của SCIC. Tuy nhiên, đại diện vốn nhà nước SCIC đang hành xử với DN không đúng vai trò của mình mà đang còn có sự nhập nhằng mang tính quản lý Nhà nước, gây lực cản sự phát triển của DN.

Ở đây, sự ích kỷ hay yếu kém của SCIC đã được đặt ra! Và nó một lần nữa thể hiện tại Đại hội cổ đông năm 2013 của Vinamilk khi đại diện của SCIC năm thứ 2 liên tiếp phản đối phương án ESOP.

Được biết, theo phân tích của giới chuyên gia, ESOP được xem là giải pháp kích thích nhân viên làm việc tốt hơn, quan tâm đến lợi nhuận lâu dài của công ty hơn bởi họ cũng là một cổ đông. Ngược lại, không có ESOP, các nhà quản lý sẽ ít quan tâm đến sự tăng giảm giá cổ phiếu của công ty và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh trước mắt chứ không phải là mục tiêu tăng trưởng lâu dài.

Chính vì những yếu tố lợi - hại như trên mà ESOP luôn được xem là công cụ hữu hiệu cải thiện cơ chế quản trị của công ty. Do đó, quan điểm phản đối ESOP của SCIC tại Vinamilk lập tức bị cổ đông công ty phản ứng gay gắt khi đã có cổ đông lên tiếng khẳng định: ESOP là công cụ hiệu quả để giữ chân nhân sự, đảm bảo được tốc độ tăng trưởng và thị phần chi phối của Vinamilk.

Và cái lý được ông Lê Song Lai - đại diện của SCIC tại Vinamilk giải thích cho quyết định phản đối ESOP của SCIC là vì sợ tỷ lệ cổ phần của SCIC bị pha loãng cũng vấp phải phản ứng tương tự.

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk nhấn mạnh: Từ khi cổ phần hoá tới nay Vinamilk đã tăng trưởng tới 60 lần, tương đương 6000% thì tỷ lệ pha loãng 1,2% mà SCIC lo lắng kia là quá nhỏ, liệu có đáng kể so với giá trị mà lực lượng nhân sự của Vinamilk mang lại.

Lý lẽ của SCIC như vậy là quá vô lý và nó đi ngược với chiến lược phát triển của Vinamilk. Cổ phiếu Vinamilk mà SCIC nắm giữ quan trọng như thế nào thì hẳn ai cũng biết vì nếu không có số cổ phiếu này, lợi nhuận của SCIC sẽ giảm tới 25% tổng lợi nhuận, giá trị thị trường danh mục đầu tư của SCIC cũng sẽ mất đi 2/3, chỉ còn 17.000 tỉ đồng thay vì 50.000 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Đúng ra, vì cổ phiếu Vinamilk rất quan trọng với SCIC  nên SCIC phải hết lòng ủng hộ chiến lược phát triển của doanh nghiệp này chứ không thể gây cản trở như vậy được. Nói SCIC sợ pha loãng cổ phiếu, giảm quyền lực tại Vinamilk cũng không đúng vì tỷ lệ pha loãng 1,2%. Còn nếu nói SCIC sợ giảm giá trị cổ phiếu của mình đang nắm giữ thì cũng không hợp lý vì hàng năm, giá trị cổ phiếu của Vinamilk đều tăng cao, khoảng 50%.

Sự vô lý, đi ngược lại chiến lược phát triển của Vinamilk như vậy đang đặt ra nhiều dấu hỏi! Phản ứng của SCIC với chủ trương ESOP là khôn ngoan hay khôn vặt?

Thanh Ngọc