Giá điện tăng - những suy luận ngô nghê và ác ý!

15:20 | 02/08/2013

559 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đang có rất nhiều ý kiến phản ứng về việc điều chỉnh giá điện 5% theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT. Phản ứng này có hợp lý và quan điểm cho rằng ngành điện đã “úp sọt” xã hội có đúng hay không? Điều đáng nói hơn là việc một vài phương tiện truyền thông không hiểu bản chất vấn đề, nhân chuyện này đã có những lời "móc máy", suy diễn một cách vô lối về mối quan hệ giữa 3 tập đoàn kinh tế nhà nước. Có trang web còn suy luận hết sức ác ý và ngô nghê rằng: "Với việc hợp tác của ba “ông lớn”, khi EVN muốn tăng giá điện chỉ cần “nháy mắt” cho PVN tăng giá dầu, khí, Vinacomin tăng giá than bán cho điện".

>>> Giá điện phải được điều chỉnh nhưng cần theo lộ trình

Giá điện thấp khiến áp lực vốn tái đầu tư phát triển hệ thống điện là rất lớn.

Phải thắng thắn thừa nhận rằng, việc điều chỉnh giá điện theo tinh thần Thông tư 19/2013/TT-BCT sẽ gây lên những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Thậm chí trước đó, Hiệp hội thép, xi măng… đã không ít lần lên tiếng trên các phương tiện thông tin truyền thông là tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho hai lĩnh vực sản xuất này.

Khó khăn này cũng được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013 bởi điện chính là “thức ăn” cho các ngành sản xuất. Nhưng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì việc điều chỉnh giá điện sẽ gây lên những hệ lụy nhưng là cần thiết, là hợp lý và cũng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước đã đề ra để hướng tới nền kinh tế thị trường.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngoại trừ thủy điện thì các nguyên liệu đầu vào của điện là than, khí… đang được tính theo cơ chế giá thị trường, giá quốc tế nhưng giá điện lại quá thấp. Chính vì vậy, nếu giá điện không được điều chỉnh, ngành điện sẽ không đủ sức hấp dẫn đầu tư và nếu doanh nghiệp tham gia đầu vào ngành điện thì cũng sẽ không chú trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ. Hệ quả là công nghệ sản xuất điện, phát triển hệ thống điện… sẽ mãi lạc hậu.

Còn trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6/2013 của Bộ Công thương, thông tin về việc điều chỉnh giá điện đã được đề ra. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, theo đại diện lãnh đạo của Bộ Công thương thì việc điều chỉnh giá điện tăng là bắt buộc nhưng xét trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên giá điện vẫn không được điều chỉnh. Và trong những cuộc trả lời báo chí sau đó, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không ít lần lên tiếng đề cập tới khó khăn, thách thức mà EVN đang phải đối diện. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung của nền kinh tế, EVN đã không quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 1/7/2013 như dự tính.

Ông Đinh Quang Trí – Phó Tổng giám đốc EVN sau đó cũng lên tiếng khẳng định, mục tiêu trước mắt của EVN không phải là lợi nhuận kinh doanh mà là để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Đây là câu chuyện rất thực tế mà ngành điện đã phải đối diện từ nhiều năm nay và điều này, chắc hẳn không phải xã hội không biết, nền kinh tế không biết, doanh nghiệp không biết bởi hầu như năm nào, chuyện lỗ - lãi của EVN cũng được mang ra “mổ xẻ” rất kỹ. Họ biết nhưng vì điện nhạy cảm đến mức dù tăng ít hay nhiều đều gây lên những tác động nhất định đến bản thân họ. Nhưng đó là sự ích kỷ, tham lam và vì lợi ích bản thân, họ đã không hiểu cho quyết định điều chỉnh giá điện một cách đúng mực.

Tệ hại hơn, ngay sau khi quyết định điều chỉnh giá điện được công bố, đã có luồng ý kiến cho rằng đây là kết quả của sự hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhận định mang nặng tính phiến diện, thiếu khách quan này đã làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, phủ nhận vai trò dẫn dắt nền kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước nói chung và 3 tập đoàn này nói riêng.

Trong những năm qua, nhằm giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư phát triển hệ thống điện, Đảng, Chính phủ và ngành điện đã chủ trương đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư vào các dự án nguồn điện. Thực tế triển khai Quy hoạch điện VI đã chứng minh đây là một chủ trương rất đúng đắn và sự góp mặt của dòng vốn đầu tư này đã góp phần không nhỏ giúp ngành điện giải bài toán gia tăng sản lượng điện hàng năm theo nhu cầu của nền kinh tế.

Đáng chú ý, một điều đáng chú ý trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI là sự góp mặt của PVN và Vinacomin trong quá trình triển khai các dự án điện, đặc biệt đây lại là những dự án điện đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại hoặc nằm ở những địa điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, cũng giống như EVN, cả PVN và Vinacomin tham gia đầu tư các dự án điện này đều không đặt nặng yếu tố kinh doanh lên hàng đầu. Cả PVN, Vinacomin và EVN làm điện là vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Điều này càng được khẳng định trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VII khi thời gian gần đây, một loạt nhà đầu tư tư nhân đã công khai ý định rút khỏi các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Và theo tìm hiểu của PetroTimes thì lý do mà những chủ đầu tư này đưa ra là hiện vốn đầu tư vào các dự án điện là rất lớn (tính toán của giới chuyên gia, để làm ra 1 MW điện từ thủy điện nhỏ và vừa, nhà đầu tư phải bỏ ra vài chục tỉ đồng), trong khi giá điện hiện nay quá thấp, có khi không đủ bù đắp chi phí.

Ngoài ra, đa số chủ đầu tư tư nhân khi quyết định đầu tư vào các dự án thủy điện nhỏ và vừa đều phải dùng vốn vay với lãi suất không hề thấp. Và đây chính là lý do vì sao một loạt doanh nghiệp đã xin rút đầu tư vào các dự án nhỏ và vừa.

Câu chuyện này đã khẳng định một điều: Làm điện không hề dễ và nếu tham gia đầu tư vào dự án điện vì mục đích lợi nhuận thì khó có thể làm được. Đây chính là vấn đề mà ngành điện đã phải đối diện từ nhiều năm nay, chi phí lớn, thu nhập thấp, trong khi nhu cầu đầu tư, gia tăng sản lượng lại không hề giảm. Và cũng có một điều chắc chắn rằng, trong suốt những năm qua, nếu không có sự góp mặt của PVN, Vinacomin đầu tư vào các dự án điện (chủ yếu là các dự án nhiệt điện – hình thức sản xuất điện hiện đại, đòi hỏi công nghệ cao) thì EVN khó lòng về đích, ngành điện cũng khó lòng thực hiện chủ trương hiện đại hóa hệ thống điện với công nghệ hiện đại đã đề ra.

Một góc nhà máy nhiệt điện Vũng Áng - Dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư.

Trở lại câu chuyện của ngành điện, kể từ khi được thành lập theo Quyết định số 562/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 10/10/1994 đến nay, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể, cán bộ công nhân viên toàn ngành điện, EVN luôn xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đảng, Chính phủ giao phó. Bản thân Đảng ủy, Ban lãnh đạo EVN cũng luôn xác định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn thách thức lớn đến đâu thì ngành điện vẫn phải “đi trước một bước” để tạo nền tảng năng lượng, giữ “máu” cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển.

Trách nhiệm cũng có thể nói là sứ mệnh của ngành điện như vậy là rất nặng nề và thực tế để hoàn thành sứ mệnh đó, trong suốt những năm qua, ngành điện đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, đặc biệt trong bài toán về vốn đầu tư phát triển hệ thống điện sao cho đảm bảo mục tiêu “điện đi trước một bước”. Tuy nhiên, sau một thời gian dài một mình “gồng gánh”, áp lực phát triển đặt lên vai ngành điện giờ là vô cùng lớn.

Một tính toán của ngành điện cho thấy, để đáp ứng 1% tăng trưởng GDP thì tốc độ gia tăng sản lượng điện của ngành điện phải là 2%. Và như vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ nay đến 2020 vào khoảng 7 – 8%, sản lượng điện tăng bình quân phải tăng bình quân trên dưới 16% với tổng vốn đầu tư hàng năm vào khoảng 5 – 7 tỉ USD.

Đây là một con số quá lớn đối với EVN khi mà từ nhiều năm nay, giá điện đang được bán thấp hơn giá thành sản xuất và dù điện có nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách thì cũng không đủ. Và con số 3.000 hay 4.000 tỉ đồng mà EVN có thể thu về sau quyết định tăng giá điện mà một số tờ báo đưa ra cũng trở lên quá ít ỏi, nhỏ bé so với nhu cầu đầu tư, phát triển hệ thống điện của ngành điện.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khi đưa quan điểm về quyết định điều chỉnh giá điện của Bộ Công thương đã thẳng thắn chi ra rằng: Ngành điện đã trải qua một thời gian dài không có tích lũy vì giá điện quá thấp. Thực tế này cũng dẫn tới tình trạng ngành điện đã không thu hút được các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào. Và hệ quả tất yếu là bao năm nay, ngành điện phải một mình “chạy ngược, chạy xuôi” để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện. Với những gì biết về ngành điện, ông Ngãi cũng không ngần ngại chỉ ra rằng, nếu tăng đủ thì giá điện phải tăng tới 15% mới đủ bù đắp chi phí.

Nói như vậy để thấy rằng, không phải vấn đề tăng giá điện chưa bao giờ được nhắc tới mà đã được đề cập trong một thời gian dài trước đó, từ cuối năm 2012 nhưng như ông Nguyễn Quang Trí đã nói ở trên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành điện đã chấp nhận hy sinh bài toán lợi ích doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu chung của nền kinh tế. Nhưng câu chuyện này của ngành điện đã bị làm méo mó bởi những quan điểm thiếu khách quanh như trên và nhìn nhận quyết định tăng giá điện chẳng khác nào hành động “úp sọt” dư luận.

Xung quanh phản ứng của ngành thép, xi măng, ông Bùi Quan Chuyện – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) đã chỉ ra rằng: Ngành thép hiện này còn bộc lộ một số tồn tại, có thể kể đến là chưa cân đối nhu cầu sản phẩm (có một số sản phẩm cung vượt xa so với cầu, nhưng có nhiều sản phẩm phải nhập khẩu). Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu và chưa thân thiện với môi trường, đặc biệt các chỉ số tiêu hao như tiêu hao than cốc (đối với Lò cao), điện năng và điện cực (đối với Lò điện hồ quang). Còn đối với sản xuất xi măng, nhiều dự án chưa có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, nhà máy xi măng sẽ tự sản xuất khoảng 15% lượng điện tiêu thụ cũng như chưa thực sự tiết kiệm tối đa năng lượng.

Như vậy để thấy rằng, khó khăn mà xi măng, sắt thép đang gặp phải có một phần lỗi không nhỏ từ chính bản thân những doanh nghiệp này. Và với cách phản ứng như hiện nay, họ đang có đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho ngành điện để giải thích, để biện hộ cho những khó khăn mà mình đang phải đối diện. Nhưng công bằng mà nói, khó khăn mà ngành điện đang phải đối diện có lẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần những gì mà các doanh nghiệp xi măng, sắt thép… gặp phải. Điều này cũng được ông Ngãi đề cập tới khi nói về khoản nợ 10.000 tỉ đồng mà EVN đang nợ PVN và nguyên nhân sâu xa của nó là giá bán điện thấp không đủ chi phí đầu vào sản xuất điện của EVN.

Qua đó để thấy rằng, quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 1/8/2013 theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT là hoàn toàn hợp lý, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước là hướng nền kinh tế tiến lên kinh tế thị trường. Và một điểm quan trọng, quyết định này sẽ góp phần giúp ngành điện giải quyết một phần khó khăn, bù đắp chi phí sản xuất, tăng khả năng tích tụ vốn để tái đầu tư phát triển nguồn điện, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Việc một số cơ quan báo chí nói PVN, Vinacomin và EVN “bắt tay” nhau tăng giá điện là không đúng bởi giá điện tăng là hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Nói như Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì chúng ta không thể mãi bao cấp cho điện được và điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng sẽ được thực hiện theo lộ trình. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ cho người dân, người thu nhập thấp và đặc biệt là hộ nghèo cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cả về mặt tài chính khi tham gia đầu tư dự án điện.

Giá điện được điều chỉnh như vậy là đúng và xã hội, nền kinh tế, đặc biệt là cộng động doanh nghiệp vì vậy cần phải có cái nhìn đúng đắn và chia sẻ với ngành điện về quyết định điều chỉnh giá lần này!

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế nói chung, cần những quyết sách, hành động mạnh mẽ, mang lại lợi ich cho đất nước nhiều hơn là cần những ngôn từ "thọc gậy bánh xe" "ngồi máy lạnh viết báo" kiểu như: "Khi EVN muốn tăng giá điện chỉ cần “nháy mắt” cho PVN tăng giá dầu, khí, Vinacomin tăng giá than bán cho điện"...

Thanh Ngọc