Ngành điện bám sát lộ trình tái cơ cấu

08:00 | 18/10/2014

566 lượt xem
|
Tính đến tháng 9-2014, EVN đã thực hiện thoái vốn thành công lần 1 tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho Công ty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% vốn điều lệ xuống còn 20%, thu về 26 tỉ đồng; hoàn thành thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng TMCP An Bình, chuyển nhượng cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) 25,2 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24,3% xuống còn 16,02%, thu về 252 tỉ đồng; hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam thu về 5 tỉ đồng…

Năng lượng Mới số 366

Thoái vốn ngoài ngành: Kết quả khả quan

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Cao Đạt Khoa - Trưởng ban Quản lý vốn đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho hay: Thoái vốn đầu tư ngoài ngành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn đề ra và quyết liệt thực hiện nhằm tập trung vốn cũng như các nguồn lực vào phát triển hệ thống điện. Trên tinh thần đó, trong năm 2013 và 9 tháng năm 2014, EVN đã tiến hành thoái vốn, giảm vốn thành công tại một loạt các lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bất động sản…

Được biết, theo báo cáo mới nhất về tình hình đầu tư, sản xuất - kinh doanh của EVN, 9 tháng năm 2014, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tiến hành thoái, giảm vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 373 tỉ đồng. Đặc biệt, trong năm 2013, giữa lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của EVN vẫn đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Tổng số vốn mà EVN và các đơn vị thành viên thu về từ lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đã lên tới hơn 900 tỉ đồng, bổ sung cho xây dựng các công trình điện. Điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của ngành điện khi lần đầu tiên, tổng giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản của EVN năm 2013 đạt 104.791 tỉ đồng (tăng 46,68% so với năm 2012, chiếm 9,6% tổng mức đầu tư xây dựng toàn xã hội năm 2013), góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Và tính riêng 9 tháng năm 2014, tổng giá trị đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 80.722 tỉ đồng, giá trị giải ngân là 71.362 tỉ đồng…

Ngành điện bám sát lộ trình tái cơ cấu

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành là một chủ trương lớn được Đảng, Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là trên các thị trường như chứng khoán, tài chính, bất động sản… khiến kết quả thoái vốn ngoài ngành khá hạn chế. Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong 3 năm (2011-2013), các doanh nghiệp Nhà nước đã thoái được 4.164 tỉ đồng trên tổng số 21.797 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành. Nói như vậy để thấy rằng, những kết quả mà EVN đã thực hiện được là rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn. Đặc biệt, theo ông Khoa thì hầu hết các danh mục thoái vốn ở doanh nghiệp bất động sản, hay tổ chức tài chính đều được thực hiện đúng theo phê duyệt của Bộ Công Thương bằng hình thức đấu giá công khai, giá trị cổ phiếu đều bằng hoặc cao hơn mệnh giá.

“Tập đoàn sẽ nỗ lực duy trì tiến độ trên và coi đây là mục tiêu trọng tâm trong các tháng cuối năm để có thể thực hiện được mục tiêu hoàn thành toàn bộ việc thoái vốn ngoài ngành trong năm 2015” - ông Khoa nói.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tái cơ cấu với 2 nhiệm vụ trọng tâm là thoái vốn ngoài ngành và cổ phần hóa. Và như đã đề cập ở trên, việc thoái vốn, giảm vốn đầu tư ngoài ngành của EVN đang được thực hiện đúng lộ trình và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để EVN phát triển bền vững, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn ngày càng hiệu quả thì bên cạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa cũng là yêu cầu cấp bách phải thực hiện. Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN khẳng định: Bên cạnh việc thoái vốn ngoài ngành, Tập đoàn cũng đang từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó đã thành lập 3 tổng công ty phát điện và đang chuẩn bị tiến hành cổ phần hóa.

Nói như vậy để thấy rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVN để hướng tới thị trường phát điện cạnh là cổ phần hóa. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, EVN sẽ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có đủ điều kiện (trong đó tập trung vào 3 tổng công ty phát điện (Genco). Trong 3 tổng công ty phát điện, công ty phát điện nào có đủ những điều kiện cổ phần hóa thì sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cổ phần hóa công ty đó, trừ các công ty thủy điện đa mục tiêu.

Quyết tâm cổ phần hóa của EVN là vậy nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, chủ trương này chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các công ty phát điện bởi hầu hết các công ty đều được phân bổ khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó các công ty thủy điện đều ở vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc quản lý điều hành của Tập đoàn. Ngoài ra, việc đánh giá chính xác tài sản doanh nghiệp là vấn đề khó khăn, phức tạp. Hầu hết các nhà máy đều có số vốn đầu tư rất lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trừ một số nhà máy đã vận hành nhiều năm trước đây, đã được khấu hao hằng năm, nay cần được xác định giá trị còn lại một cách sát thực. Đặc biệt, việc cổ phần hóa phải xác định được mệnh giá của cổ phần và tìm được các nhà đầu tư chiến lược có đủ điều kiện để mua số lượng cổ phần lớn cũng là việc không hề dễ dàng.

Thách thức đặt ra cho EVN là vậy và theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phân tích: Ngành điện là ngành đầu tư rất lớn và dài hạn nhưng EVN chủ yếu tự huy động vốn vay trong nước và nước ngoài, rủi ro rất lớn… Vì vậy, nếu không có cơ chế đặc biệt thì sau khi tái cơ cấu, việc huy động vốn cho các dự án điện vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế, khả năng duy trì tính ổn định rất khó. Ngoài ra, ngành điện còn là ngành sản xuất mà sản phẩm không dự trữ được, vẫn phải phụ thuộc vào thiên nhiên (thủy điện chiếm khoảng 40% cơ cấu nguồn điện).

“Đây là những vấn đề vẫn tồn tại, mà nếu không tuyên truyền, không giải thích thì mỗi lần tăng giá điện hoặc báo lỗ, lãi sẽ tạo ra phản ứng gay gắt trong xã hội, làm cho quá trình tái cơ cấu EVN thêm khó khăn” - ông Kiêm nhấn mạnh.

Nhiệm vụ tái cơ cấu của EVN như vậy sẽ gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với những kết quả khả quan trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn sẽ đạt được mục tiêu đề ra theo đề án tái cơ EVN. Ngành điện sẽ tái cơ cấu thành công để nâng cao năng lực quản lý điều hành, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh đầu tư phát triển, làm tốt dịch vụ khách hàng, chiếm được niềm tin của nhân dân.

Tính đến tháng 9-2014, EVN đã thực hiện thoái vốn thành công lần 1 tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho Công ty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% vốn điều lệ xuống còn 20%, thu về 26 tỉ đồng; hoàn thành thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng TMCP An Bình, chuyển nhượng cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) 25,2 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24,3% xuống còn 16,02%, thu về 252 tỉ đồng; hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam thu về 5 tỉ đồng…

Thanh Ngọc

 

  • el-2024