Điện khí hoá nông thôn giúp xoá đói giảm nghèo

16:26 | 27/04/2014

748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTImes) - Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm điện khí hoá nông thôn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc, đặc biệt trong 15 năm gần đây. Tính đến năm 2013, nông thôn có điện hơn 97%, đây là thành tựu to lớn được quốc tế và nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo. Tổng số vốn cả nước đầu tư cho lưới điện nông thôn là hơn 48 ngàn tỉ đồng. Kết quả có được là do nhiều yếu tố: Nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong thời gian tới, việc cung cấp điện cho số hộ còn lại ở nông thôn còn nhiều thách thức. Số vốn đầu tư để đạt được 99% số hộ có điện là khoảng 30 ngàn tỉ đồng. Do đó, Việt Nam rất cần sự “chung tay” để đưa điện đến vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN khẳng định: Trong những năm qua, bằng các giải pháp phù hợp theo từng thời kỳ, giai đoạn, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, cùng các tỉnh, thành trong cả nước hoàn thành và vượt các mục tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; thực hiện đúng cam kết của nước ta với các quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.

Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa của nước ta đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là thành tích nổi bật của của Việt Nam trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nông thôn. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 đến 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần…

Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những kết quả mà EVN và các công ty điện lực ở nhiều vùng miền đã thực hiện được và khẳng định, với việc nâng tỉ lệ hộ dân có điện từ 2,5% lên 97,5% trong giai đoạn 1998 – 2013, ngành điện đã góp phần tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống người dân, đóng góp tới 30 – 40% vào phát triển kinh tế -  xã hội khu vực nông thôn...

Mặc dù đánh giá cao những thành tích mà ngành điện đã thực hiện được nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thách thức với ngành điện khi thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn trước mắt còn rất lớn. Hiện cả nước còn 91 xã chưa được nối điện quốc gia, trong đó có 57 xã trắng về điện, có khoảng 550.000 hộ gia đình chưa được tiếp cận với điện. Mục tiêu chính phủ đề ra là đến năm 2015, 98% hộ gia đình nông thôn có điện, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản 100% hộ dân nông thôn có điện. Tổng mức đầu tư lên tới gần 30.000 tỉ đồng. Bên cạnh việc đầu tư cấp điện mới cho các vùng chưa có điện, từ nay đến năm 2020, ngành điện còn cần khoảng 2,5-3 tỷ USD để cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Bởi hệ thống mạng lưới này được đầu tư từ những năm 1990 hiện nay đã cũ nát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Trước những khó khăn này, Phó Thủ tướng cảnh báo: "Việt Nam vẫn là nước thiếu năng lượng, khẩu hiệu “điện đi trước một bước” không bao giờ cũ. Ngày nào còn để thiếu điện cho nền kinh tế là còn có lỗi".

Đánh giá những kết quả mà Chương trình điện khí hoá nông thôn đạt được, bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam đã thành công rất ấn tượng trong điện khí hóa nông thôn, trở thành mô hình mà thế giới muốn nhân rộng. Chương trình điện khí hóa nông thôn là một trong những dự án thành công nhất mà WB hỗ trợ Việt Nam.

Bà cho rằng, hai bài học lớn cho sự thành công của Chương trình điện khí hoá nông thôn là: Thứ nhất, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của người dân và hành động thực tế, đưa ra chính sách đúng đắn là ưu tiên Chương trình điện khí hóa nông thôn, thực hiện theo từng giai đoạn khác nhau với quyết tâm chính trị lớn. Và bài học thành công thứ hai ở Việt Nam là có sự chia sẻ về kinh phí và trách nhiệm giữa các bên tham gia. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách linh hoạt về xây dựng, quản lý mạng lưới điện trong nhiều năm.

Báo cáo tổng kết đánh giá 15 năm thực hiện Chương trình điện khí hoá nông thôn của EVN cho thấy, các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân nông thôn, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, tăng vụ, tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế các địa phương và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn. Điện về nông thôn là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu được trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn nước ta và đã được EVN thực hiện theo từng bước phù hợp với mục tiêu và Chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ví như trong giai đoạn 2005 – 2013, mục tiêu về cấp điện nông thôn theo Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX với mục tiêu khái quát của cả Chương trình điện nông thôn từ năm 2005- 2015 là: “Phát triển hệ thống điện quốc gia cung cấp có hiệu quả, chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn. Đối với các vùng không có điều kiện cấp điện lưới quốc gia, Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển các nguồn điện tại chỗ, bảo đảm đến năm 2010 tất cả trung tâm các xã đều có điện sử dụng và đến cuối năm 2020 số hộ dân có điện đạt tỷ lệ 100%”; và Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc cũng đặt rõ mục tiêu “tới năm 2010, các vùng dân tộc và miền núi có trên 90% hộ dân có đủ điện, nước sinh hoạt”....

Để thực hiện được các mục tiêu trên, EVN đã làm việc với các Nhà tài trợ WB, ADB tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn. Thông qua thực tế tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn vốn vay do EVN thực hiện đầu tư cho lưới điện nông thôn đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đều vượt mục tiêu ban đầu đề ra, các nhà tài trợ tin tưởng việc sử dụng nguồn vốn vay của EVN nên cùng với EVN tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thực hiện các dự án như Dự án “Năng lượng tái tạo và cải tạo, mở rộng cung cấp điện cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa”; Dự án “Năng lượng nông thôn II”; Dự án” Lưới điện phân phối nông thôn- RD”; Dự án “Nâng cao Hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn”; Dự án “Phân phối hiệu quả”.

Trong thời gian 15 năm qua từ 1998 - 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển lưới điện nông thôn từ các nguồn vốn KHCB của EVN, vốn vay thương mại, vốn vay ODA, vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỉ trên địa bàn 62 tỉnh/thành phố (trừ Tp Hồ Chí Minh).

Trong đó riêng vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế là hơn 2.500 triệu USD. Là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, EVN đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong việc đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn nâng tỷ lệ số xã, hộ dân có điện lưới từ năm 1998 là 6.673/8.885 xã đạt tỷ lệ 75,1% và 7,111/ 11,384 triệu hộ dân nông thôn đạt tỷ lệ 62,5% lên cuối năm 2013 có 9.002/9.086 xã có điện lưới đạt tỷ lệ 99,08% và có 16,225/16,620 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới đạt tỷ lệ 97,62%. Tăng thêm 2.329 xã có điện tương đương tăng thêm 24% và tăng thêm hơn 9 triệu hộ dân có điện tương đương tăng thêm 35,12% số hộ dân nông thôn.

Thanh Ngọc

  • el-2024