Từ vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981: “Cơ” gì cho Việt Nam?

07:00 | 15/06/2014

10,057 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn một tháng qua, dư luận trong nước và thế giới sục sôi lên án Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Việc làm của Trung Quốc đã thể hiện mưu đồ không thay đổi từ bao lâu nay là độc chiếm Biển Đông.

Ngoài việc hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc còn sử dụng một lượng lớn tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải tuần, máy bay và đặc biệt là đã sử dụng đội quân ngư dân - thực chất là các đơn vị hải quân núp dưới danh nghĩa ngư dân đánh cá để gây chiến, tấn công tàu đánh cá Việt Nam.

Việc làm của Trung Quốc rõ ràng không những bất chấp luật pháp quốc tế, ném vào sọt rác Công ước về Luật Biển 1982 và Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã ký mà còn bất chấp đạo lý, lớn tiếng vu cáo cho Việt Nam một cách điêu toa không thể tưởng tượng được.

Tôi và một số phóng viên quốc tế đã có mặt trên vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, được chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc vây ép, dùng vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư Việt Nam, hung hăng lao vào, va, ủi, đâm và gây hư hỏng 24 tàu của lực lượng bảo vệ pháp luật Việt Nam, làm 12 cán bộ kiểm ngư bị thương.

Chưa biết rồi sự việc này sẽ dẫn tới đâu. Rất nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh trên biển hay không và nếu xảy ra thì hậu quả sẽ như thế nào đối với hai quốc gia.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lại thì có lẽ chúng ta cũng nên “cảm ơn” Trung Quốc một chút. Bởi lẽ chính từ sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép này mà chúng ta đã bừng tỉnh, thấy rõ được nhiều vấn đề mà bấy lâu nay chúng ta lờ mờ cảm nhận chưa rõ ràng hoặc chưa nhìn thấy nguy cơ nhỡn tiền.

Tàu Trung Quốc vây ép tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Trước hết, chính Trung Quốc đã tự lột mặt nạ giả nhân giả nghĩa của họ.

Mấy chục năm nay, chúng ta vẫn luôn tin vào những phương châm hành xử mà lãnh đạo hai nước trước đây đã ký là xây dựng mối quan hệ “Bốn tốt” và “Mười sáu chữ”. 

Vì tin vào điều này, tin vào những người lãnh đạo của một cường quốc phải biết giữ chữ “tín” với thiên hạ nên chúng ta không nghĩ rằng, họ lại trở mặt nhanh như thế. Chính vì vậy mà sự chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trên Biển Đông với nhiều hình thức không giống bất cứ một cuộc chiến tranh, giải quyết tranh chấp nào trong tiền lệ… Hậu quả là tàu đánh cá của chúng ta kém, chủ yếu là vỏ gỗ, tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của chúng ta quá nhỏ bé, trang bị kém, khả năng xoay trở chậm, tốc độ yếu. Những điều đó chỉ vài tháng trước chưa phải là vấn đề quan trọng với chúng ta, nhưng đến nay thì mới thấy rằng lực lượng tàu bè của Trung Quốc áp đảo cả về số lượng và sức máy. Thế mới nhận ra rằng, họ đã chuẩn bị cho âm mưu này từ lâu lắm rồi.

Rồi nữa, việc một số phần tử “oi khói” điều khiển được cả những cuộc tuần hành, biểu tình lớn, rồi lợi dụng để xông vào cướp, phá, hủy hoại tài sản của các doanh nghiệp, gây tổn thất không những về tiền bạc, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của dân tộc Việt Nam cũng đã làm cho chúng ta thấy thêm một điều là hiệu lực quản lý xã hội của một số chính quyền, các cơ quan quản lý rất kém. Không những không phát hiện được âm mưu của một số tổ chức lợi dụng việc này để gây rối, mà khi sự việc đã xảy ra cũng đối phó lúng túng, chậm chạp, thiếu kiên quyết, dù đây mới là sự việc nhỏ. Thử hỏi, nếu sự việc phát triển theo chiều hướng mạnh hơn, những kẻ cầm đầu gây rối, gây sự, va chạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với người tuần hành, biểu tình (mà trong đó có rất nhiều kẻ lưu manh, đối tượng nghiện hút, vào tù ra tội) lợi dụng cái gọi là “biểu thị lòng yêu nước” rồi biến sự đụng độ giữa lực lượng bảo vệ với chúng thành “chính quyền” đàn áp dân thì sự thể sẽ ra sao. Những bài học từ Ukraine, Ai Cập và một số quốc gia khác vẫn còn nóng hổi. Rõ ràng, qua vụ việc này, nếu chúng ta không nâng cao cảnh giác, có những biện pháp mạnh mẽ trấn áp ngay từ đầu và đặc biệt là không chủ động phát hiện được các âm mưu gây bạo loạn từ các tổ chức tình báo nước ngoài, các nhóm phản động lưu vong thì sẽ có ngày trở tay không kịp.

Một vấn đề cũng khiến dư luận cũng hết sức lo lắng là nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào Trung Quốc hơi nhiều. Hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều đáng lo ngại là trong số này có rất nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc đã được đưa về Việt Nam bằng rất nhiều cách thức, phương tiện mà các cơ quan chức năng hầu như không thể ngăn chặn được… Còn người dân, vì chút lợi ích trước mắt đã nhắm mắt làm bừa. Đó là chưa kể chúng ta còn phải nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu của Trung Quốc để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Phương châm phát huy nội lực trong việc xây dựng và phát triển kinh tế nước ta xem ra vẫn chỉ là khẩu hiệu, là nói suông. Tâm lý sính hàng ngoại, tâm lý thích nhập khẩu để được ăn tiền hoa hồng, ngại lao động gian khổ đang là một cản trở lớn cho nền kinh tế.

Hình như các nhà quản lý không bao giờ vắt tay lên trán mà tự hỏi rằng, tại sao một đất nước như Việt Nam mà đến cái tăm, đôi đũa cũng phải nhập khẩu. Thậm chí một nền công nghiệp không tự sản xuất được cái kim, rồi cái cúc áo, sợi chỉ cũng phải đi nhập thì nội lực của chúng ta ở đâu?

Gần đây chúng ta nói nhiều về lòng yêu nước và tổ chức rất nhiều hoạt động biểu thị lòng yêu nước. Nhưng những cuộc mít tinh, biểu tình ấy có làm cho Trung Quốc thay đổi thái độ hay không?

Tại sao lúc này không thể hiện lòng yêu nước bằng cách mỗi con dân nước Việt phải tự nhận thấy rằng, những cái tăm, đôi đũa, sợi chỉ không tự làm ra được, mà phải đi nhập khẩu thì thật đáng xấu hổ; phải sử dụng hàng kém chất lượng, hàng độc hại của Trung Quốc là điều nhục nhã. Lòng yêu nước lúc này chính là phải sử dụng hàng do người Việt Nam làm ra. Đó là cách tăng cường nội lực tốt nhất.

Có lẽ chúng ta nên bỏ khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà phải thay đổi là “Dùng hàng Việt là yêu nước”.

Người Hàn Quốc đã vươn lên là một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới, mà khởi sự là  họ thấy nhục nhã khi hàng hóa trong nước thua kém nước Nhật.

Vậy tại sao chúng ta không nghĩ tới việc phải làm thế nào để thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước nhà?

Nên coi việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là “nguy cơ” và phải tách bạch xem “nguy” ở đâu, “cơ” ở đâu.

“Nguy” là nếu xảy ra tình huống xấu hơn nữa, sẽ gây thiệt hại, khổ đau cho cả hai dân tộc Việt Nam - Trung Hoa.

Nhưng “cơ” ở đây chính là cơ hội để chúng ta nhìn rõ lại mình, xem chúng ta mạnh, yếu tới đâu và quan trọng nhất là làm thế nào để chúng ta thực sự độc lập, tự chủ trong mọi mặt, đặc biệt là trong việc xây dựng và phát triển kinh tế.

N.T

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc