Lãng phí từ bộ máy công quyền

07:00 | 05/08/2013

1,210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lãng phí bắt nguồn từ các cơ quan công quyền. Nếu quan chức không gương mẫu và luật pháp không nghiêm thì lãng phí vẫn còn tiếp diễn!

Minh Long (NLM số 244)

Hằng năm, lãng phí đã ngốn đi số tiền và tài sản rất lớn của Nhà nước và xã hội. Đụng đến ngành nào cũng thấy lãng phí, thất thoát hàng trăm đến hàng nghìn tỉ. Khoản lãng phí ấy mà đưa vào các lĩnh vực an sinh xã hội thì chắc chắn đời sống của dân ta đã được cải thiện hơn nhiều so với hiện nay. Vậy mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cứ hô hào tiết kiệm, chống lãng phí mãi nhưng thực tế thì chưa chuyển biến được bao nhiêu.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu ý kiến: “Việt Nam vốn là dân tộc từng có tập tính hết sức tiết kiệm. Đương nhiên có thể đó là thời kỳ chúng ta chưa giàu có nhưng những tập tính đó đã ăn sâu trong đời sống con người rồi. Bây giờ cần nghiên cứu kỹ cái gì làm con người Việt Nam mất dần tính tiết kiệm. Nhưng dùng luật chưa đủ, quan trọng phải tạo thành tập tính xã hội”. Quả thật, vốn là đất nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu bao đời nên dân ta rất cần kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Ăn hôm nay nhưng vẫn nghĩ đến ngày mai, lo cho cả đời con cháu về sau. Vì thế, chẳng cần Nhà nước hô hào thì dân vẫn có ý thức tiết kiệm, bởi đồng tiền, của cải là do mồ hôi, công sức họ bỏ ra. Lãng phí chủ yếu là ở bộ máy công quyền, sử dụng “tiền chùa”, lúc nào quan chức cũng tìm cách bòn rút nguồn tiền từ ngân sách. Còn người dân, không chức, không quyền, làm sao mà tham ô, tham nhũng được để lãng phí! Và chính từ lẽ đó mà đại biểu Dương Trung Quốc cũng khẳng định: “Luật thực hành, tiết kiệm lãng phí vẫn chỉ giải quyết cái ngọn, chưa xử lý được cái gốc. Chế tài đề ra chỉ với dân chứ chưa có chế tài với bộ máy công quyền gây lãng phí nhiều nhất”.

Một bằng chứng gần đây nhất: Ngành giao thông chỉ cần kiểm tra lại những dự án, lập tức dôi ra hàng nghìn tỉ đồng! Khi Chính phủ có chủ trương tiết kiệm ngân sách, lập tức các ngành báo cáo lên, có thể rút được ngay vài ba nghìn tỉ!

Như vậy, tiết kiệm phải hướng vào bộ máy công quyền sử dụng ngân sách. Phần liên quan đến đời sống, tiết kiệm xã hội thì đẩy mạnh tuyên truyền. Nhưng lâu nay, các quan chức trong bộ máy công quyền lại thông đồng, móc ngoặc với nhau để mỗi khi lập dự án là tìm mọi cách bòn rút ngân sách. Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh chỉ ra rằng: “Không loại bỏ khả năng có lợi ích nhóm trong ban hành chính sách. Bất lợi ở ta là trách nhiệm tập thể, việc cá thể hóa vai trò cá nhân để xử lý rất khó khăn. Do đó, phải đề cao trách nhiệm cơ quan tham mưu và có thẩm quyền trong ban hành chính sách và phê duyệt đầu tư, đó chính là các bộ, ngành, địa phương”.

Nguyện vọng của dân - đối tượng giám sát, kiểm tra muốn có sự công khai trong chi phí công. Chẳng hạn, Quỹ BHXH, BHYT do dân đóng góp, Nhà nước quản lý thì phải công khai để dân biết. Mới đây, Nhà nước cho công khai Quỹ Xăng dầu, được người dân rất ủng hộ. Theo đó, Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc và nhiều loại quỹ, phí khác cũng nên công khai. Như vậy, người quản lý các loại quỹ và phí đó phải thận trọng hơn trong chi tiêu, không thể “vung tay quá trán” theo sở thích được. Tình trạng kéo dài nhiều năm nay để xảy ra lãng phí, thất thoát ngân sách là việc đấu thầu. Vừa qua, diễn đàn Quốc hội và dư luận dân chúng cũng bày tỏ nỗi bức xúc về vấn đề gây nhiều tiêu cực này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Bất cập lớn nhất của Luật Đấu thầu hiện tại là để xảy ra tiêu cực “thông thầu, đút lót, chạy chọt”, biết mà không bắt được. Trúng thầu xong thì dây dưa, kéo dài tiến độ để điều chỉnh, đội giá vùn vụt. Có công trình xây dựng và giao thông nào không đội giá, hàng nghìn tỉ đồng, thành ra đắt nhất khu vực và thế giới, rồi vẫn đâu vào đấy. Thế thì luật đúng hay dở? Cái ruột của đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là ở đây”.

Hiện nay 70% dân số có bảo hiểm. Mỗi năm Quỹ BHYT chi trả 25.000 tỉ đồng tiền thuốc cho các bệnh viện. Nhưng các bệnh viện đã đấu thầu thuốc tùy theo ý của mình. 63 tỉnh có khoảng gần 1.000 hội đồng đấu thầu thuốc, có tỉnh đấu thầu tập trung nhưng có những tỉnh giao cho mỗi bệnh viện đấu thầu một kiểu. Nếu đấu thầu theo một cơ chế pháp lý chặt chẽ thì sẽ giảm khoảng 20%, có nghĩa là một năm chi 25.000 tỉ thì có thể tiết kiệm được 5.000 tỉ! Một con số đáng phải suy nghĩ và từ đó, ý tưởng soạn thảo riêng một dự án luật cho đấu thầu thuốc cũng đã nảy sinh. Còn việc đấu thấu trong các dự án xây dựng, Chủ tịch Quốc hội cũng đã chỉ thẳng ra rằng, kinh phí dự án do thứ trưởng các bộ phê duyệt; mà các thứ trưởng đều từ các tập đoàn kinh tế lên nên đã hiểu rõ mánh lới làm ăn của các nhà thầu. Vậy tại sao đấu thầu rồi lại dây dưa xin thêm kinh phí và đội giá lên. Vì thế, việc sửa đổi Luật Đấu thầu là rất cần thiết, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, dù chậm cũng phải làm. “Chấp nhận cho luật “thua” về thời gian nhưng không được thua về chất lượng”.

Nói tóm lại, lãng phí bắt nguồn từ các cơ quan công quyền. Nếu quan chức không gương mẫu và luật pháp không nghiêm thì lãng phí vẫn còn tiếp diễn!

M.L