Doanh nghiệp không “đói” thông tin hội nhập

07:00 | 27/09/2015

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều tới vấn đề doanh nghiệp “đói” thông tin hội nhập, dẫn đến việc thiếu chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong.
doanh nghiep khong doi thong tin hoi nhap Doanh nghiệp “đói” thông tin hội nhập

PV: Trước tiên, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề hội nhập của doanh nghiệp hiện nay?

TS Nguyễn Minh Phong: Trong bối cảnh hiện nay, trào lưu hội nhập nó không phải là hội nhập kinh tế quốc tế nữa mà chuyển sang hội nhập quốc tế toàn diện, tham gia cùng lúc nhiều hiệp định thương mại (FTA) và các khuôn khổ khác. Trào lưu này đã tạo ra một làn sóng thông tin dồn dập. Cùng với đó là những áp lực, sức ép song hành bên cạnh những cơ hội, lợi thế. Tất cả đều có hai mặt của nó.

doanh nghiep khong doi thong tin hoi nhap
TS Nguyễn Minh Phong

PV: Ông nghĩ sao về ý kiến và các khảo sát đã chỉ ra rằng doanh nghiệp hiện đang thiếu chủ động trong tiếp cận thông tin hội nhập?

TS Nguyễn Minh Phong: Nói như vậy cũng chưa hẳn đúng. Nếu hỏi doanh nghiệp có biết gì về hội nhập không rất khó trả lời vì họ làm sao nắm được những thông tin cụ thể, những nội dung đang đàm phán; nhưng nếu hỏi hội nhập là phải hạ thuế, phải cạnh tranh thì chắc chắn là ai cũng biết. Cho nên vấn đề khảo sát, đánh giá cũng phải được tiến hành khoa học. Doanh nghiệp chỉ cần biết những gì thiết thực, sát sườn, còn những cái gì chung chung thì họ không quan tâm.

PV: Vậy doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động với hội nhập như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Doanh nghiệp có chủ động và chủ động trong khả năng của mình, tức là họ cảm thấy mình không ra biển lớn được, chỉ loanh quanh trong một thị trường thì họ chỉ cần nắm bắt thông tin ở thị trường đó và làm một sản phẩm thôi. Ở đây, lợi ích trước mắt và năng lực cụ thể đã chi phối cái tầm nhìn của doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng phải thấy rằng, các doanh nghiệp vẫn luôn phải đối diện với thị trường, với cạnh tranh, tiếp cận những yêu cầu mới, thậm chí họ ngừng sản xuất để lắng nghe thị trường, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài... Đồng thời, họ cũng chú ý cả đến vấn đề chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã. Đó chính là biểu hiện nắm bắt hội nhập, là sự chủ động trong hội nhập.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì phải thấy rằng, sự chủ động của doanh nghiệp là chưa tới hoặc chưa được thống nhất, định hướng dài hạn hơn. Điều này thể hiện trước nhất là cái lộ trình các khuôn khổ hội nhập họ chưa nắm được hết. Những thông tin như giảm thuế bao giờ, khi nào giảm, mặt hàng nào giảm, giảm bao nhiêu... thì ít người biết. Chỉ khi xuất khẩu thì những thông tin này họ mới biết. Và thị trường nào là thị trường tiềm năng trên thế giới thì cũng ít doanh nghiệp nắm được nếu như không phải người làm ăn lớn và chỉ loanh quanh trong một khu vực, địa phương. Tức là công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường của một số doanh nghiệp rất là yếu. Thứ nữa, thông tin về những hàng rào kỹ thuật thì thiếu trầm trọng. Đây là vấn đề mọi doanh nghiệp đều phải đối diện nhưng có điều, nó lại không được đối tác thông báo mà chính bản thân doanh nghiệp phải tự biết, trừ khi đã có hợp đồng.

PV: Phải chăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam quá nhiều, họ chỉ quen làm ăn tại một địa phương, một khu vực nên khi nhìn tổng quan về vấn đề hội nhập thì không rõ nét?

TS Nguyễn Minh Phong: Đây đúng là lý do quan trọng. Như tôi đã nói ở trên, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những gì thiết thân chứ không có thời gian đi đọc để nhớ những cái gì quá xa, không liên quan trực tiếp. Ví như họ sản xuất gạo thì nếu có xuất khẩu, họ sẽ chỉ quan tâm đến thị trường mà họ xuất khẩu, còn thị trường tiềm năng thì không quan tâm. Thậm chí, doanh nghiệp cũng không biết làm thế nào để quan tâm. Rõ ràng cái quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ cộng với đối tượng kinh doanh đã chi phối tâm lý đó. Họ chỉ phản ứng với cái lợi ích trước mắt, đặt vấn đề làm sao bán được lô hàng này, bán ở thị trường quen biết, đối tác quen thuộc. Còn một kế hoạch mở rộng, phát triển thị trường thì có lẽ phải 99% doanh nghiệp không thực hiện.

Nói vậy không có nghĩa là doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng phát triển nắm bắt cơ hội. Chắc chắn nhu cầu là có nhưng không hiện thực hóa được vì quy mô, năng lực... vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nào cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ thông tin, được mua thông tin với giá rẻ nhưng lại không có.

PV: Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu vừa được tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng thông tin hội nhập được các cơ quan nhà nước phát đi rất hạn chế, hàn lâm và khó hiểu với doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Nguyễn Minh Phong: Tôi hoàn toàn chia sẻ điều này. Hiện nay, các bộ, ngành đang nắm nội dung thông tin hội nhập theo lĩnh vực của mình, công bố ra ngoài thì cùng lắm là đưa ra cái bản gốc chứ thiếu đi sự phân tích, đánh giá, phân chia, thiết kế lại theo lĩnh vực... để doanh nghiệp dễ tiếp cận.

PV: Theo ông, cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

TS Nguyễn Minh Phong: Ở đây phải chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là đang đàm phán bí mật thì không nói được, là cam kết giữa các bên với nhau. Còn với những gì đã ký, đã công bố thì chúng ta cần phải có chiến lược mới để làm tăng nhận thức lên. Trước tiên nên quy định một hiệp định sau thời gian bao lâu sau khi ký kết phải công bố trên một ấn phẩm, với một dung lượng cụ thể, thậm chí, Chính phủ cần phải có một nghị quyết, hướng dẫn buộc các bộ, ngành trên các báo, các trang của mình đăng tải các thông tin về hội nhập. Tiếp đó là phải lập các đường dây nóng qua Cổng thông tin, kết nối với Sở, với Bộ để doanh nghiệp hỏi về hội nhập.

doanh nghiep khong doi thong tin hoi nhap
Hàng hóa bốc xếp qua cảng Hải Phòng

Và thứ nữa là phải làm các bộ phim chuyên đề để giới thiệu về các loại hình tổ chức, các khuôn khổ, các cam kết... rồi rút ra những lời khuyên cụ thể. Phim này được phải được phát trên các kênh quan trọng, lưu trữ trên mạng để doanh nghiệp tiếp cận. Ví dụ, doanh nghiệp làm máy tính thì phải giới thiệu tiêu chuẩn kỹ thuật của nước này thế này, nước kia thế kia, đến năm này thì thuế giảm còn bao nhiêu. Nhà nước cũng cần phải tăng cường các cuộc hội thảo, hội nghị để giới thiệu về các hiệp định thương mại, mở các lớp đào tạo cho doanh nhân, doanh nghiệp bằng tiền nhà nước, tiền của Hội, của doanh nhân hoặc miễn phí trên truyền hình.

PV: Còn với doanh nghiệp thì sao?

TS Nguyễn Minh Phong: Với tư cách người trong cuộc, gắn chặt với lợi ích thiết thân và trong bối cảnh kinh tế tri thức, thông tin là vàng, là cơ hội, thậm chí là mất mát, đổ vỡ thì doanh nghiệp càng phải quán triệt hội nhập. Đó là thông tin về khuân khổ hội nhập, cam kết hội nhập và những tiêu chuẩn kỹ thuật của nước có đối tác, tức là khảo sát thị trường để có nhận thức tham gia vào hội nhập mà không bị lỗi bởi chính mình.

Bản thân mỗi doanh nghiệp phải tạo dựng bộ máy quản trị tập trung vào 2 nhóm là công nghệ đổi mới và nghiên cứu thị trường, xúc tiến thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật... Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ tư vấn, phản biện mạnh để phát hiện, bổ khuyết yếu điểm của doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phải thực sự là cầu nối, là kênh thông tin, dẫn dắt hoạt động cho doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 460