Xuất bản số & văn hóa đọc

07:00 | 01/05/2022

1,978 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản sách, thay đổi nhận thức về văn hóa đọc... là những vấn đề đang được các nhà xuất bản quan tâm. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới ghi lại những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa về vấn đề này.
Xuất bản số & văn hóa đọc

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn: Cần có sự liên kết chặt chẽ

Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa dựa trên công nghệ số. Do đó, các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành xuất bản phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ để đưa ngành xuất bản phát triển toàn diện.

4 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch chuyển đổi số bao gồm: Thống nhất nhận thức; rà soát, sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật; chuyển đổi quy trình quản lý và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển trên đa dạng nền tảng. Những nhiệm vụ này sẽ được tiến hành trong 5 năm, tập trung vào các giải pháp: Sửa đổi Luật Xuất bản; hợp tác với công ty công nghệ đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực, vật lực...

Mỗi đơn vị trong ngành xuất bản cần tìm tòi những phương thức, hình thức xuất bản theo kịp sự phát triển của công nghệ. Điều quan trọng trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.

Chúng ta cần phải có nhiều hơn những phiên bản sách để có thể tiếp cận được mọi đối tượng độc giả, vượt qua những giới hạn về không gian và thời gian. Xuất bản điện tử và sách điện tử chính với những định dạng âm thanh cùng hình ảnh sẽ là phương thức không thể hợp lý hơn để thực hiện mục tiêu đó.

Không gian số đã và đang mở ra không gian hợp tác phát triển mới. Công nghệ giúp đưa tác giả, người làm sách và cả bạn đọc ngồi lại với nhau cùng trong một “căn phòng” để bàn thảo, để hoàn thiện ý tưởng cho từng ấn phẩm...

Xuất bản số & văn hóa đọc
Xuất bản số & văn hóa đọc

Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên: Thay đổi văn hóa đọc

Có 4 giai đoạn chính trong quá trình chuyển đổi số.

Giai đoạn đầu tiên là số hóa các dữ liệu, được thực hiện từ khá sớm trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất bản nói riêng. Ngay từ năm 1995, lĩnh vực xuất bản đã được số hóa và thực hiện đến nay, ngày càng hiện đại, quy mô hơn và số lượng dữ liệu số hóa ngày càng nhiều. Một số đơn vị đã hoàn toàn số hóa được toàn bộ kho sách của mình.

Giai đoạn thứ hai là triển khai các ứng dụng công nghệ vào một số hoạt động đơn giản hoặc hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều, ví dụ như hoạt động hành chính, kế toán.

Xuất bản số & văn hóa đọc
Chuyển đổi số trong ngành xuất bản đang là yêu cầu cấp thiết

Giai đoạn thứ ba là ứng dụng công nghệ vào quy trình xuất bản, từ khâu quản lý, đến khâu biên tập, phát hành, phát triển thị trường, truyền thông... Đó là quá trình ứng dụng hiện nay của các nhà xuất bản. Tuy nhiên, nhìn chung quá trình này diễn ra còn tương đối chậm.

Giai đoạn thứ tư là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của quy trình xuất bản. Việc này còn rất hạn chế, đặc biệt là ứng dụng vào quy trình biên tập. Một số đơn vị đang triển khai những bước ban đầu.

Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản sẽ tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, đa dạng hóa các hình thức xuất bản; tạo sự đa dạng hóa các mô thức của hoạt động xuất bản, từ câu chuyện tự xuất bản, tự phát hành, tương tác người đọc, đến câu chuyện nhà xuất bản số; tạo sự thay đổi về mô thức trong hoạt động xuất bản với những hình thức mới; tạo ra thị trường xuất bản mở, tiến tới xuất bản không biên giới. Quá trình tự xuất bản, quá trình phát hành sách diễn ra trên một nền tảng số, xuyên quốc gia và biên giới địa lý không còn là vấn đề lớn nữa. Vấn đề còn lại chỉ là nhu cầu của người mua.

Về giải pháp phát triển văn hóa đọc hiện nay, câu chuyện quan trọng nhất không phải là việc đặt ra các thiết chế quản lý, mà cần tạo sự thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội về văn hóa đọc. Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy một vấn đề đáng quan ngại, đó là chỉ có 21% người Việt Nam đọc sách trong 1 năm. Số người đọc sách của nước ta khá thấp, chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Trong đó, lực lượng đọc sách nhiều nhất hiện nay chính là học sinh, bởi sách các em đọc nhiều nhất chính là sách giáo khoa và các loại sách thiếu nhi. Nhưng kỳ lạ thay, càng lớn lên, chúng ta càng ít đọc sách hơn và ngày càng có ít quỹ thời gian dành cho việc đọc sách.

Vì thế, để tạo thói quen đọc sách, trước hết và cơ bản là phải tạo khoảng thời gian để tạo lập thói quen đó. Hiện nay, trong nhà trường và các công sở đã có nơi nào suy nghĩ đến việc dành thời gian cho học sinh, cán bộ, nhân viên có quỹ thời gian dành cho việc đọc sách để hoàn thiện mình hơn?

Xuất bản số & văn hóa đọc
Xuất bản số & văn hóa đọc

Giám đốc Nhà xuất bản Công Thương Nguyễn Minh Huệ: Xuất bản số là xu thế tất yếu

Xuất bản số tức là chuyển đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang việc xuất bản sách trên các nền tảng công nghệ số. Trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, chuyển đổi số là một nhu cầu tất yếu và rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Xuất bản số đã trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản.

Đào tạo con người, ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, vận hành các quy trình xuất bản để thực hiện chuyển đổi số trong công tác xuất bản là những vấn đề mà các nhà xuất bản cần phải quan tâm. Do vậy, mỗi nhà xuất bản cần xây dựng định hướng, chiến lược, bước đi phù hợp để vừa có thể bắt nhịp yêu cầu của thị trường, vừa vận dụng các nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất; không ngừng nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm để hướng tới các đối tượng bạn đọc.

Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy một vấn đề đáng quan ngại: Chỉ có 21% người Việt Nam đọc sách trong 1 năm. Số người đọc sách của nước ta chỉ chiếm khoảng 5% dân số.

Hồng Hạnh