Xứ Nghệ trong “cơn hồng thủy”

11:22 | 18/10/2017

4,642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân miền Bắc và miền Trung vừa trải qua một “cơn đại hồng thủy”, hứng chịu không ít những mất mát, tang thương. Đặc biệt, xứ Nghệ đang gồng mình chống chọi với bão lũ trong khi cơn bão khác lại ngấp nghé ngoài khơi, thiên tai đe dọa và thử thách vùng quê nghèo khó nhưng rất đỗi kiên cường này.

Thành Vinh thức trắng đêm

Một trong những điểm nhấn trong “cơn đại hồng thủy” ở miền Trung vừa qua có thể kể đến sự ngập lụt ở thành phố Vinh (Nghệ An) và đê sông Vinh đứng trước nguy cơ bị vỡ.

Chúng tôi có mặt ở Nghệ An - một trong những tâm điểm của cơn đại hồng thủy - vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10-10, thành phố Vinh mưa như trút nước. Đêm ấy, cả thành phố không ngủ, ai nấy đều phấp phỏng lo âu. Tầm 3 giờ, nhiều khu dân cư báo động nguy cơ bị ngập. Một lát sau, không còn là nguy cơ nữa, nước đã ngập trên những tuyến đường, tràn vào từng ngôi nhà, ập vào tầng hầm các khu chung cư, khiến nhiều gia đình không kịp trở tay.

xu nghe trong con hong thuy
Cuộc sống bấp bênh của xóm chài Tam Sơn (Anh Sơn, Nghệ An)

Sáng sớm, mọi hoạt động ở Vinh đều bị ngưng trệ. Đường phố thành sông với vô số những luồng lạch, lúc này thuyền gỗ, thuyền tôn, xuồng cao su cỡ nhỏ được đưa ra để sơ tán người già và chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo. Mạng xã hội Facebook tràn ngập những hình ảnh công trình, nhà cửa ngập sâu trong nước, cư dân mạng thi nhau khẳng định thành Vinh “thất thủ” với những chiếc xe chết máy nằm la liệt trên các tuyến đường ngập nước. Học sinh toàn thành phố phải nghỉ học.

Thật may, khoảng từ 8 giờ, bắt đầu tạnh mưa, dù bầu trời còn rất u ám. Nước bắt đầu rút dần, vài tiếng đồng hồ sau, một số tuyến đường cao đã có thể đi lại được. Lúc này, bà con tiểu thương chợ Vinh hối hả tìm cách chạy đến mở ki-ốt của mình, đau xót nhìn hàng hóa bị nhấn chìm trong nước. Sau một đêm, toàn bộ của cải, nguồn sống của cả gia đình trở thành những thứ bỏ đi, không còn giá trị sử dụng, thiệt hại tiền tỉ. Những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn ngào khi phải chứng kiến những mặt hàng như gạo, cá khô, măng khô, mì tôm, trứng, vàng mã, các loại đồ điện tử được công nhân vệ sinh môi trường chuyển lên xe tập kết về… bãi rác.

Bà con tiểu thương chợ Vinh đau xót nhìn hàng hóa bị nhấn chìm trong nước. Sau một đêm, toàn bộ của cải, nguồn sống của cả gia đình trở thành những thứ bỏ đi, không còn giá trị sử dụng, thiệt hại tiền tỉ.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An ngay lập tức đến thị sát tình hình, chỉ đạo không được để bà con tiểu thương đơn độc trong cơn lũ dữ; đồng thời yêu cầu các ban, ngành liên quan có biện pháp phòng ngừa lâu dài, bởi thời tiết đang diễn biến cực đoan. Quan trọng nhất là sớm nghiên cứu, triển khai dự án nâng cấp chợ Vinh, chủ động phòng tránh những thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.

Ba ngày sau, trời vẫn tối sầm và mưa trút từng cơn, nước từ thượng nguồn đổ về mỗi lúc một lớn, chợ Vinh lại đứng trước nguy cơ ngập sâu. Lãnh đạo thành phố quyết định đặt 3 máy bơm “dã chiến” công suất lớn để bơm nước từ hệ thống mương quanh khu vực chợ ra sông Vinh. Công ty Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên tiến hành đóng bao cát xếp thành bờ để ngăn nước tràn qua; đồng thời hàn cọc cừ rồi ép vào thành barie không cho nước tràn vào bên trong.

xu nghe trong con hong thuy

Đêm ấy, những người chống lũ ở khu vực chợ Vinh không hề ngủ, mắt luôn dõi theo dòng nước, trái tim đập theo sự lên xuống của con nước sông Vinh.

Mưa vẫn dầm dề, lúc to, lúc nhỏ, người dân thành Vinh mong mỏi áp thấp nhiệt đới nhanh đi qua để trời nắng lên. Niềm mong ước chưa thành sự thật thì sáng 13-10, trời lại mưa xối xả hàng giờ không ngớt. Đến trưa, cả thành phố nháo nhác trước thông tin đê sông Vinh sắp vỡ. Đây là con sông chảy trong lòng thành phố với chiều dài chừng 2km và có đê bao. Nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về cộng với nguồn nước lũ từ thành phố thoát ra khiến cho 60m đê xung yếu đứng trước nguy cơ bục vỡ. Đê vỡ sẽ trực tiếp đe dọa hơn 1.000 ngôi nhà với hơn 4.000 nhân khẩu ở khu vực xung quanh. Lập tức người dân khu vực này nhận được lệnh nhanh chóng sơ tán đến nơi cao ráo, tập trung về trung tâm phường Vinh Tân và các tòa nhà chung cư trong vùng.

xu nghe trong con hong thuy

Tiếng loa giục giã, những bước chân gấp gáp và vội vã, những gương mặt đầy vẻ lo âu, từng dòng người tạm rời bỏ nhà cửa để đến nơi sơ tán, người bế trẻ nhỏ, người dắt người già, người gánh gồng, người mang vác, dắt trâu, bò, khiêng gà, lợn…, những cảnh tượng chưa từng xảy ra ở thành phố miền Trung này trong mấy chục năm qua.

Trên triền đê sông Vinh, hơn 500 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ được huy động tham gia hộ đê. Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764 đến ứng cứu và túc trực với quyết tâm không để nước tràn vào thành phố. Người dân thành Vinh lại thêm một đêm thấp thỏm, lo âu, các chiến sĩ hộ đê thức trắng đêm...

Sáng hôm sau, lực lượng hộ đê có mặt từ rất sớm để gia cố chân đê, tập trung khắc phục những điểm xung yếu ngoài mặt đê. Nước vẫn cuồn cuộn đổ về, lại thêm những điểm sạt lở mới, sự lo lắng, hoang mang hiện rõ trên khuôn mặt của tất cả mọi người.

xu nghe trong con hong thuy
Lực lượng hộ đê sông Vinh (Nghệ An)

Lực lượng hộ đê được chỉ đạo đóng cọc kè từ điểm sạt lở ra phía lòng sông chừng 10m rồi lấp đất đá xuống làm hành lang bảo vệ tuyến ngoài. Đây là việc thực sự khó khăn, vì nước đang tiếp tục dâng cao và chảy xiết, vừa khó cho việc vận chuyển đá hộc, vừa khó cho cả việc đóng cọc xuống lòng sông.

Để đóng cọc tre xuống lòng sông, phải bố trí cả một tiểu đội làm nhiệm vụ neo giữ thuyền, cứ hai chiến sĩ xuống sông giữ chặt cọc, thì một chiến sĩ đứng trên thuyền dùng búa tạ tra sức nện lên đầu cọc. Chứng kiến công việc đóng cọc kè mới thấy được sự nguy hiểm cũng như tinh thần gan dạ, dũng cảm của các chiến sĩ. Chưa kể hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ vận chuyển đá, cát để gia cố những đoạn đê xung yếu. Tất cả đều dầm mình giữa dòng nước bạc, giữa những trận mưa trắng trời...

Nhờ đó, đến trưa ngày 14-10, nguy cơ vỡ đê sông Vinh tạm thời được ngăn chặn và công việc hộ đê vẫn được tiếp tục, các lực lượng tham gia vẫn tập trung gia cố chân đê và mặt ngoài đê với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ trước khi cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền.

xu nghe trong con hong thuy

Nỗi niềm người miền Tây xứ Nghệ

Chúng tôi ngược Quốc lộ 7A lên các huyện miền Tây, vô số đoạn đường bị ngập nước, tài xế xe khách phải trổ hết tài năng và kinh nghiệm đường trường mới có thể vượt qua. Trên địa bàn các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn nhiều chỗ bị sạt lở, hàng trăm khối bùn đất nằm chắn ngang đường, các phương tiện máy xúc và máy ủi hoạt động hết công suất để giải tỏa ách tắc. Dòng sông Lam đục ngầu tuôn chảy, các vùng bãi bồi ngày thường biêng biếc ngô khoai nay mênh mông một màu nước bạc. Nhiều xóm làng ngập sâu trong nước, đây đó những con thuyền mong manh mạo hiểm vớt củi giữa dòng lũ dữ, dù đã được các cấp chính quyền khuyến cáo.

Qua xã Yên Khê (huyện Con Cuông) - nơi nổi tiếng bởi giống cam thơm ngon nức tiếng khắp vùng - chúng tôi gặp bà con nông dân xúm quanh những gốc cam, ai nấy mắt đỏ hoe, xót xa nhìn cam rụng lăn lóc trên mặt đất. Lứa cam sắp sửa cho thu hoạch bỗng dưng trời ồ ạt đổ mưa, nước ngập úng gốc quá lâu làm cam rụng hết, công sức chăm bón cả năm trời, niềm hy vọng về nguồn thu nhập thoáng chốc thành mây khói. Dù đang vô cùng đau đớn, bà con vẫn phải gắng gượng cầm cuốc, xẻng đào rãnh thoát nước để cứu những quả cam còn sót lại trên cành, phòng những ngày sắp tới trời lại đổ mưa...

xu nghe trong con hong thuy
Lực lượng hộ đê sông Vinh (Nghệ An)

Xuôi về huyện Anh Sơn, chúng tôi ghé làng chài Tam Sơn, nơi cư trú của 6 hộ dân vạn đò bên tả ngạn Lam giang. Những con đò mỏng manh trên dòng nước lũ, dây neo được buộc vào cội cây ven bờ, đất đang sạt từng ngày, thậm chí từng giờ, cuộc sống bấp bênh… Chiếc lều tạm bợ để trên bờ phòng khi con nước lên cao cũng đã sạt đến chân, sẽ tụt xuống sông và nước cuốn trôi bất cứ lúc nào, sự hiểm nguy đang rình rập từng giờ, từng phút.

Nước sông cuồn cuộn chảy, cư dân xóm chài vẫn chèo thuyền ra giữa dòng chài lưới mưu sinh, đánh cược mạng sống với thủy thần để có cái ăn hằng ngày. Nhưng cá tôm chẳng thấy đâu, chỉ toàn rác bám vào lưới, nét mặt họ đầy buồn bã, lo âu… Suốt gần một ngày ròng rã, vợ chồng ông Lê Văn Nga chỉ đánh được độ hơn chục con cá bằng ngón tay, nằm lèo tèo trong chiếc chậu nhỏ. Bà vợ ông buồn rầu bảo: “Từ đời ông bà, bố mẹ đến đời chúng tôi đều làm nghề chài lưới, quanh năm lênh đênh sông nước, chưa bao giờ có được tấc đất cắm dùi. Ngày xưa cá, tôm tìm dễ, nay suốt một ngày chưa được nửa cân, đời sống càng khốn khó, đã thế lại luôn đối mặt với bất trắc trong mùa mưa lũ...”.

Nước sông cuồn cuộn chảy, cư dân xóm chài vẫn chèo thuyền ra giữa dòng chài lưới mưu sinh, đánh cược mạng sống với thủy thần để có cái ăn hằng ngày. Nhưng cá tôm chẳng thấy đâu, chỉ toàn rác bám vào lưới, nét mặt họ đầy buồn bã, lo âu…

Bà Nguyễn Thị Phương, một cư dân khác của xóm chài Tam Sơn cũng than thở với chúng tôi: “Bà con nơi đây sợ nhất là mùa mưa lũ, có những đêm cả nhà không dám ngủ vì sợ trong lúc ngủ say, nước lũ bất ngờ dâng cao sẽ phải làm “mồi” cho hà bá. Vì thế, dù nghèo đến mấy, có thể hằng ngày không có đủ cái ăn, quần áo cũ rách nhưng phải sắm cho được chiếc tivi để theo dõi tình hình thời tiết. Những hôm bản tin dự báo có mưa lớn, các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, có khả năng xuất hiện lũ trên sông, cả nhà thay nhau “canh” lũ, không ai được ngủ yên”…

Chúng tôi tiếp tục men theo vùng lũ phía tả ngạn sông Lam, bà con nông dân đang tất tả căng lưới quanh ao, sợ khi nước tràn cá sẽ ra ngoài theo dòng nước. Rồi từng đoàn xe bò hối hả chở cỏ sữa và cây ngô non về nhà, đó là nguồn thức ăn cho trâu bò trong những ngày mưa lũ… Bao đời nay, người dân xứ Nghệ vẫn vậy, trước dông bão luôn kiên cường, không khuất phục dù là thiên tai hay địch họa.

Những ngày về với dân, chúng tôi càng thấm thía những câu thơ của trong trường ca “Trầm tích” của nhà thơ Hoàng Trần Cương - một người con của xứ Nghệ: “Gió bão thù chi với mảnh đất này/ Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển/ Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào quả ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt”.

Bùi Khánh Huyền