Xử lý sinh viên bán dâm 4 lần: Năng lực cán bộ kém hay tư duy quản lý có vấn đề?

13:40 | 31/10/2018

907 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hành vi bán dâm chỉ xảy ra ở số nhỏ vài sinh viên và cũng đã được điều chỉnh trong Luật Hình sự. Vậy nên, việc Bộ GD&ĐT công bố, lấy ý kiến một Thông tư, trong đó có quy định "xử lý sinh viên bán dâm 4 lần" xem ra đúng là... thừa. Thậm chí nặng nề hơn, đó chẳng khác nào một sự khẳng định hiện tượng "sinh viên bán dâm" hiện rất phổ biến, cần cảnh báo. Mà như vậy thì nguy hiểm quá!

Đầu tiên phải thừa nhận rằng, phần lớn sinh viên của ta vẫn hàng tháng vẫn đang nhận "trợ cấp" của gia đình, và không phải gia đình sinh viên nào cũng có điều kiện khấm khá để chu cấp đầy đủ cho con cái học hành. Nhiều bạn sinh viên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì thương bố mẹ, khi đi học đã phải tranh thủ từng giờ, từng phút để làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí ăn học.

Cũng bởi thực tế đó, chắc hẳn sẽ có nhiều bậc cha mẹ, nhiều bạn sinh viên sẽ thấy chạnh lòng khi Bộ GD&ĐT công bố, lấy ý về một Thông tư mà trong đó có đặt vấn đề "xử lý sinh viên bán dâm". Thử hỏi chuyện "sinh viên bán dâm" đã là hiện tượng đến mức phải báo động, phải răn đe, cảnh báo chưa mà phải đặt ra vấn đề như vậy.

Đúng là nhiều bạn sinh viên gia đình không có điều kiện, phải tự bươn trải kiếm sống và lấy tiền ăn học nhưng mà họ làm những việc chân chính, bằng mồ hôi, nước mắt của bản thân mình. Nhưng đồng tiền họ kiếm được để nuôi dưỡng ước mơ, nuôi dưỡng tương lai của không chỉ của bản thân mà có khi là của cả gia đình, dòng họ là đồng tiền sạch.

Có rất nhiều gia đình phải thắt lưng buột bụng, thậm chí hy sinh bán hết tài sản để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Tôi từng biết một gia đình nông dân ở quê (Cái Bè - Tiền Giang) nuôi 5 đứa con học đại học. Mỗi đứa con vào đại học, mảnh vườn của ông teo tóp thêm một khoảnh.

Một hoàn cảnh khác, đó là mẹ của người bạn thân của tôi, hiện đang là Trưởng phòng của Sở Kế hoạch - Đầu tư Tiền Giang. Bà bị mắc bệnh ung thư khi con trai đang học đại học năm 3. Không muốn cả nhà dồn tiền chữa bệnh cho mình, thiếu hụt tiền học của con, bà đã âm thầm giấu bệnh. Đến lúc đứa con trai ra trường cũng là lúc bà không qua khỏi.

xu ly sinh vien ban dam 4 lan nang luc can bo kem hay tu duy quan ly co van de
Quy định trong dự thảo đếm đủ 4 lần...bán dâm thì đuổi học sinh viên gây bức xúc dư luận

Bản thân các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngoài giờ lên giảng đường, còn phải bươn chải bằng đủ công việc lương thiện, vất vả. Một số em đi làm phục vụ ở các nhà hàng, quán cà phê.. làm công việc bưng bê, hầu hạ khách để có ít tiền còm mua quyển sách, cuốn tập, đỡ đần cha mẹ.

Một số em học khối tự nhiên, đi dạy kèm các môn toán, lý, hóa. Tôi từng gặp một sinh viên, ban ngày đến giảng đường, đêm đến đạp xe nhặt ve chai đắp đỗi qua ngày, vẫn không nhục chí.

Bữa cơm đạm bạc vài cọng rau luộc, con cá nục rẻ tiền, “nồi canh đại dương”… nhưng các em vẫn chăm chỉ đèn sách, nuôi dưỡng tương lai. Câu: “Ăn để sống, không phải sống để ăn” là câu trên cửa miệng của nhiều sinh viên, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

Cái Dự thảo thông tư có quy định “xử lý sinh viên bán dâm 4 lần” vì thế rất đắng, rất chát đối với nhiều bạn sinh viên!

Cũng phải thừa nhận là hiện nay đúng là có hiện tượng "sinh viên bán dâm" nhưng đó chỉ là thiểu số, chỉ là ở một số rất ít.

Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, Cổng thông tin Bộ GD& ĐT đã gỡ Dự thảo Thông tư quy định “buộc thôi học đối với sinh viên bán dâm 4 lần” xuống. Người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã lên tiếng.

Theo Bộ trưởng Nhạ thì câu chuyện ở đây là “do cán bộ yếu kém đưa dự thảo lên mạng” và khẳng định “Xử lý nghiêm. Sai đến đâu sửa đến đó”.

Và cũng thật lạ, đáng lý ra, với vai trò là Tư lệnh ngành Giáo dục, được Đảng, Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Nhạ phải thấy được trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người đứng đầu nhưng ở đây, Bộ trưởng đã không thấy điều đó.

Câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng năng lực cán bộ hay tư duy quản lý của ngành Giáo dục có vấn đề. Bởi thực tế ai cũng thấy, ngành Giáo dục đang tồn tại rất nhiều vấn đề nhức nhối mà bao năm nay chưa thể xử lý. Đó là một loạt các hiện tượng đáng báo động như trò đánh thầy, thầy đánh trò, phụ huynh bắt cô giáo quỳ, nâng điểm tốt nghiệp...

Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của ngành Giáo dục đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, chúng ta không quên hình ảnh những người thầy, người cô lặn lội cả chục cây số băng rừng, vượt suối để mang con chữ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém của ngành Giáo dục để mà khắc phục, sửa chữa, để giáo dục thực sự là nền tảng, là giá trị phát triển bền vững của quốc gia.

Thiết nghĩ trước khi nghĩ đến chuyện cải cách, đến chuyện đổi mới công tác giáo dục, những người đứng đầu ngành Giáo dục, làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục hãy tự đổi mới, tự cải cách tư duy của mình đã. Và trước tiên hết, là trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu.

Nhân dân không cần một lời xin lỗi mà cần thấy ngành Giáo dục sẽ rút ra được bài học gì, sẽ tự đổi mới ra sao trong công tác quản lý giáo dục để có những bước chuyển biến căn bản trong nâng cao chất lượng giáo dục!

Lê Ngọc Dương Cầm

xu ly sinh vien ban dam 4 lan nang luc can bo kem hay tu duy quan ly co van de Chủ tịch Quốc hội nhắc Bộ trưởng Nhạ không đổ lỗi vụ “sinh viên hoạt động mại dâm”
xu ly sinh vien ban dam 4 lan nang luc can bo kem hay tu duy quan ly co van de Bộ GD&ĐT lên tiếng về dự thảo có nội dung sinh viên bán dâm lần thứ 4 bị đuổi học