Xu hướng phát triển của tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc

06:30 | 05/02/2024

904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc có tầm ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ nhất đến cục diện và sự phát triển của thế giới. Thời gian qua, bộ ba Mỹ - Nga - Trung Quốc tạo thành “thế chân vạc”, mô hình tam giác không đều, trong đó quan hệ Mỹ - Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo, chi phối bao trùm; Nga ngày càng gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc để đối phó với Mỹ và phương Tây, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraina xảy ra vào đầu năm 2022. Trong năm 2024, quan hệ giữa bộ ba chủ thể này được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp
Xu hướng phát triển của tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc
Quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc có tầm ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ nhất đến cục diện và sự phát triển của thế giới_Ảnh minh họa

Thay đổi trong so sánh lực lượng Mỹ - Nga - Trung Quốc thời gian qua

Mỹ, Trung Quốc, Nga là 3 chủ thể lớn và quan trọng, có khả năng chi phối mạnh mẽ nhất đời sống quốc tế ở phạm vi toàn cầu. Nhiều chủ thể khác, dù là quốc gia hay tổ chức quốc tế, khu vực cũng đang dừng ở mức phải điều chỉnh chính sách theo 3 chủ thể trên để theo đuổi lợi ích quốc gia, khu vực phù hợp.

Nga có mục tiêu chiến lược trở thành một trung tâm quyền lực quan trọng, xây dựng một trật tự thế giới đa cực mới, từng bước khôi phục địa vị siêu cường của Liên Xô trước đây, trước hết tại châu Âu. Trong vài thập niên sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát huy cao độ 3 trụ cột sức mạnh của Nga, bao gồm: dầu mỏ, vũ khí và tinh thần Đại Nga. Tổng thống V. Putin đã gây dựng, đưa nước Nga từ suy tàn trở lại vị trí siêu cường ở châu Âu và là thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ, phương Tây. Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraina nổ ra vào ngày 24-2-2022, sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế quốc tế của Nga phần nào bị suy giảm do lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, nhất là từ Mỹ, phương Tây. Đã gần 2 năm kể từ khi xảy ra cuộc xung đột, Tổng thống V. Putin duy trì sự đối đầu với Mỹ và phương Tây có “nguyên tắc”, đưa nước Nga từng bước “lách” các đòn trừng phạt kinh tế; do đó, Nga không những không sụp đổ mà còn tự giải phóng mình khỏi các quy tắc thương mại quốc tế, những định chế tài chính do phương Tây thiết lập trước đó. Nga cùng với Trung Quốc dần thiết lập những cơ chế, tổ chức mới hoặc củng cố những định chế cũ đủ sức đối trọng với Mỹ và phương Tây, như Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các tuyến thương mại mới...

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là khôi phục địa vị “trung tâm thế giới” từng có trong lịch sử. Trung Quốc có được sức mạnh tổng hợp quốc gia chưa từng có nhờ hơn 40 năm cải cách mở cửa với tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2022 đạt xấp xỉ 18 nghìn tỷ USD, chiếm 19% GDP toàn cầu và đóng góp 30% tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Tiến bộ về khoa học - công nghệ cơ bản nhiều mặt tương đương, thậm chí vượt Mỹ trên một số lĩnh vực tiên tiến, như siêu máy tính lượng tử, vũ khí siêu thanh và một số lĩnh vực nhạy cảm khác. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục duy trì, bứt phá như thời gian qua, Trung Quốc sẽ tiệm cận hội tụ đủ ba yếu tố để trở thành siêu cường trong tương lai: sức mạnh tổng hợp quốc gia, ý chí và tinh thần Đại Hán. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều hoài nghi: chính trị nội bộ mặc dù ổn định nhưng tiềm ẩn phức tạp do mặt trái của cơ chế tập quyền, chống tham nhũng; trong xã hội còn tồn tại nhiều vấn đề có thể bùng phát thành điểm nóng, nhất là ở các khu vực Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông...; sự nghi kỵ của cộng đồng quốc tế gia tăng trước việc Trung Quốc chuyển sang “hành động thể hiện”...

Mỹ tiếp tục là siêu cường với sức mạnh tổng hợp quốc gia đứng vị trí số 1 toàn cầu và mục tiêu chiến lược tổng quát là duy trì địa vị này trước mọi biến động của tình hình thế giới. Địa vị đó nhìn chung còn giữ được nếu tiếp tục duy trì được xét trên các phương diện sau:

1- Trên các chỉ số sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị, tiềm lực quốc phòng và ưu thế khoa học - công nghệ. Năm 2022, GDP của Mỹ đạt 23 nghìn tỷ USD, chiếm 23% GDP thế giới. Trên lĩnh vực khoa học, số giải thưởng Nobel cao gấp hơn 2 lần nước đứng thứ hai là Anh. Về chính trị, Mỹ có mạng lưới liên minh, đồng minh đông đảo nhất cả về chính trị lẫn quân sự trên phạm vi toàn cầu; những tập hợp này đang được củng cố, mở rộng; đáng chú ý là sự ra đời và phát triển của Nhóm “Bộ Tứ”, Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Australia và Anh (AUKUS)... Tuy nhiên, sức hút của “giá trị Mỹ” đang ngày càng giảm dần và sức mạnh tổng hợp quốc gia đã bị suy giảm tương đối trong tương quan so sánh với các cường quốc khác, nhất là Trung Quốc.

Thực trạng tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc thời gian qua

Trong diễn biến tiến trình quan hệ Mỹ - Nga, thế cạnh tranh chiến lược luôn bao trùm trạng thái quan hệ thăng trầm, đan xen giữa đối đầu và hợp tác. Mỹ - Nga luôn tồn tại mâu thuẫn mang tính kết cấu về lợi ích chiến lược cốt lõi, thiếu lòng tin, nội bộ Mỹ có xu hướng chống Nga quyết liệt; các mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu đời, xuất phát từ đối đầu chiến lược và các định kiến chính sách thay vì xung đột đơn thuần tại các vấn đề cụ thể. Qua khảo sát cho thấy, giai đoạn đầu mỗi nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ đều có những dấu hiệu nhằm cải thiện quan hệ với Nga vào thế ổn định, dễ đoán định hơn. Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraina nổ ra, Mỹ đã cho thấy có những chỉ dấu phần nào cải thiện quan hệ với Nga, như thúc đẩy gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” và đối thoại song phương cấp cao về ổn định chiến lược. Tuy nhiên, ngay cả khi mối quan hệ hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo có phát triển, cấu trúc và cơ chế chính sách đối ngoại mới là trụ cột quyết định đến diễn tiến quan hệ song phương. Bên cạnh đó, yếu tố Trung Quốc giữ vai trò đặc biệt trong tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc; tam giác xoay quanh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, với “hằng số” Trung Quốc và Mỹ, cùng “biến số” Nga được cho là một mô hình lâu dài. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraina bùng phát tác động đáng kể tới mô hình này khi đẩy quan hệ Nga - phương Tây xuống mức thấp chưa từng có.

Kể từ tháng 2-2022, khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina, nguy cơ xuất hiện một cuộc “Chiến tranh lạnh kiểu mới” ngày càng hiện hữu. Điều này được phản ánh sâu sắc qua bức tranh “đa cực, song tuyến” được đại diện giữa một bên là Mỹ/phương Tây/đồng minh, đối tác liên kết mạnh mẽ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Liên minh châu Âu, phần nào đó là Ấn Độ) với một bên là Trung Quốc, Nga cùng đối tác thân thiện và nhiều trung tâm quyền lực nổi lên, trong đó chưa có cực quyền lực nào có ưu thế áp đảo các cực còn lại. Đáng kể là, quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc có tầm ảnh hưởng, chi phối đến sự phát triển của toàn cầu. Cục diện thế giới bị chi phối và nằm trong vòng trật tự của tam giác quan hệ: hợp tác và cạnh tranh chiến lược giữa 3 đại cường: Mỹ - Trung Quốc - Nga với các tính toán chiến lược nhằm bảo đảm lợi ích của mình và kiềm chế ảnh hưởng của đối phương. Trong đó, Mỹ nhất quán duy trì mục tiêu vị trí lãnh đạo thế giới; Trung Quốc và Nga hợp lực để xây dựng một trật tự thế giới mới với việc Trung Quốc thúc đẩy nhanh triển khai hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” và Nga thể hiện rõ mọi quyết tâm, tinh thần, khát vọng để bảo vệ đến cùng các lợi ích cốt lõi trong bối cảnh lịch sử mới. Quan hệ đan xen giữa 3 cường quốc này thời gian qua theo hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, ngăn chặn, kiềm chế lẫn nhau, nhưng mặt cạnh tranh ngày càng nổi trội làm cho các mối quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp hơn.

Xu hướng tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc trong thời gian tới

Tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc tiếp tục là nhân tố chính chi phối đời sống quốc tế trong năm 2024. Chính sách của Nga có xu hướng lệch dần về phía Trung Quốc và liên kết Trung Quốc - Nga trong thời gian tới chưa thể bị phá vỡ, chừng nào Mỹ còn chưa thành công với ý đồ “hòa hoãn” với một bên để tập trung vào đối tượng còn lại. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc xung đột Nga - Ukraina được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2024 và cạnh tranh với Trung Quốc chỉ có thể ở mức ổn định, chứ chưa thể hòa dịu ngay, Mỹ không có nhiều lựa chọn trong tam giác chiến lược. Hành xử ra sao để vừa bảo đảm hệ giá trị và mạng lưới đồng minh, vừa duy trì vị thế cường quốc đứng đầu sẽ là bài toán khó của Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong năm 2024, với những diễn biến thời gian qua, cạnh tranh giữa 2 tuyến trong tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ở mọi khu vực, song “trận địa” chính nằm ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương, với trọng điểm là các khu vực cận biên của Nga và Trung Quốc. Đối với Nga, kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraina có lẽ là nhân tố quyết định đến chiến lược của Nga. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, kết quả của tiến trình giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và vấn đề Biển Đông là những nhân tố chính yếu góp phần quyết định triển khai sức mạnh của Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga cũng thúc đẩy hình thành những xu hướng tập hợp lực lượng mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang được mở rộng, một số nước châu Âu từ bỏ đường lối trung lập truyền thống để gia nhập NATO nhằm đối phó với “mối đe dọa từ Nga”; xu hướng tập hợp lực lượng mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng dần rõ hơn với sự củng cố, mở rộng và nâng cấp cấu trúc “trục và nan hoa” của Mỹ cùng sự hình thành của Nhóm “Bộ tứ”, nâng cấp các “nan hoa” Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc,... và sự liên kết các “nan hoa” với nhau trong những vòng cung kiềm chế Trung Quốc. Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong trong các tập hợp lực lượng mang tính quốc phòng - an ninh, còn Trung Quốc có thế mạnh trong các tập hợp lực lượng về kinh tế - xã hội, trong khi Nga chưa thực sự có được thế mạnh nổi trội đáng kể nào trong ngắn hạn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một liên minh thực sự sẽ được hình thành giữa Nga và Trung Quốc nếu Mỹ tiếp tục duy trì cùng lúc 2 mặt trận đối đầu như hiện nay. Tiến trình này nếu tiếp tục được gia tăng cũng sẽ không loại trừ khả năng sự củng cố vững chắc một liên minh do Mỹ dẫn đầu, hạt nhân là Nhóm “Bộ Tứ” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tùy thuộc vào kịch bản nào sẽ kết thúc đối với cuộc xung đột Nga - Ukraina trong năm 2024 và tiền lệ nào đặt ra đối với Trung Quốc tại khu vực châu Á mà thế tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc có thể được định hình rõ ràng hơn và có những chỉ dấu mới trong năm 2024. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề Ukraina đang đi đến chặng cuối và cục diện thế giới về lâu dài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa 2 chủ thể Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo giới chuyên gia, kết quả của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ là nhân tố quyết định trật tự quan hệ quốc tế mới hơn là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga.

Nga cảnh báo Mỹ gánh hậu quả nếu tịch thu tài sảnNga cảnh báo Mỹ gánh hậu quả nếu tịch thu tài sản
6 tháng xung đột Ukraine: Hàng hóa Nga vẫn ồ ạt vào Mỹ6 tháng xung đột Ukraine: Hàng hóa Nga vẫn ồ ạt vào Mỹ
Ông Biden sẵn sàng trao đổi với ông Putin nhằm chấm dứt xung đột UkraineÔng Biden sẵn sàng trao đổi với ông Putin nhằm chấm dứt xung đột Ukraine

Theo Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản