Xem con gái Chu Ru "bắt chồng" ở Hà Nội

07:03 | 18/02/2014

5,377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khác với người Kinh, các cô gái dân tộc Chu Ru ưng bụng chàng trai nào sẽ bắt về làm chồng. Đây là một phong tục phổ biến với đồng bào một số dân tộc ở Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, ngày 17/2, tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, các cô gái Chu Ru đã tái hiện phong tục đặc biệt này với khán giả Thủ đô.

Theo tục lệ người Chu Ru ở Tây Nguyên, con gái là người làm chủ gia đình, còn con trai trở thành con rể nhà người ta. Vì vậy, người Chu Ru thường quý trọng con gái hơn con trai. Bước vào tuổi 14 - 15, con gái người Chu Ru chỉ cần ưng chàng trai nào thì sẽ nhờ người đến nhà trai hỏi rồi bắt về làm chồng. 

Lễ bắt chồng thường diễn ra vào buổi đêm, cô gái cùng khoảng 10 người trong thân tộc lặng lẽ mang lễ sang nhà chàng trai và trò chuyện xin phép được cưới chàng trai. Lễ bao gồm 4 phần chính là: đi dạm (Nau Rwang), đi hỏi (Nau Tơnia), đi cưới (Bơngkhiang Gơu) và thăm nhà (Nao Choă). Mùa lễ hội bắt chồng bắt đầu từ ngày mồng 1 Tết đến hết tháng 3 âm lịch.

Nguồn Zing News

Cũng giống như bao cô gái dân tộc khác, các thiếu nữ Chu Ru tìm bạn đời qua những buổi ca hát, hò hẹn. Khi ưng bụng một chàng trai nào đó, người con gái sẽ về thưa với gia đình, chuẩn bị lễ vật sang hỏi cưới. Ngày xưa, người con gái thường tự dệt  3 chiếc khăn thổ cẩm màu trắng, hồng, chàm sẫm, độ rộng 80 cm, dài khoảng 3 mét để mang sang nhà trai dạm hỏi. 

Gia đình nhà gái sang hỏi nhà trai với các lễ vật truyền thống như tiền, vàng, dây cườm, khăn... Cũng giống như người Kinh, trong lễ vật của người Chu Ru cũng có trầu cau.

Sau khi thưa chuyện với nhà trai, bà mối đeo chuỗi cườm và nhẫn đính hôn (gọi là krah) cho chàng trai thay cho lời hỏi cưới. Chàng trai chịu đeo nhẫn vào tay đồng nghĩa với việc chấp thuận cưới cô gái đó về làm vợ.

Khi chàng rể đã chấp nhận, đại diện nhà trai sẽ đeo nhẫn (gọi Srí) cho cô gái và đồng ý cho người con gái làm dâu nhà mình. Họ nhà gái sẽ tặng lễ vật cho họ nhà trai để bày tỏ lòng thành.

Đại diện hai họ quấn một tấm khăn trắng cho cặp vợ chồng trẻ. Tấm khăn trong văn hóa của người Chu Ru mang ý nghĩa rất lớn, tượng trưng cho sự êm ấm của gia đình.

 Cô dâu (sơ đíu) và chú rể (pơ sang) sẽ trùm chung một tấm khăn, ăn trầu, ngậm thuốc trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình.

Lễ cưới diễn ra xong xuôi cũng là lúc hai họ ăn mừng bên hũ rượu cần và mâm lễ.

Màn đấu chiêng cũng là một phần không thể thiếu trong lễ cưới. Qua phần đấu chiêng này, mọi sự mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua, cùng chung vui cho đôi trẻ.

Gia đình hai họ cùng múa hát chúc mừng hạnh phúc của cô dâu chú rể.

Những vị khán giả Thủ đô cùng uống rượu mừng lễ bắt chồng của thiếu nữ Chu Ru

Hiền Anh