Xe biển xanh gây tai nạn, sẽ xử lý như thế nào?

17:45 | 04/03/2016

1,002 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quá trình giải quyết tai nạn giao thông, xe của quan chức cấp cao sẽ được ưu tiên cho đi nhanh. Đó là nội dung nổi bật trong Dự thảo Thông tư của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đang lấy ý kiến góp ý.
xe bien xanh gay tai nan se xu ly nhu the nao'Phạt nguội' xe công vụ và xe buýt
xe bien xanh gay tai nan se xu ly nhu the naoCông an điều tra vụ gia đình nạn nhân "xe biển xanh gây tai nạn" bị lừa tiền
xe bien xanh gay tai nan se xu ly nhu the naoThông tin thêm vụ xe biển xanh tông 5 học sinh thương vong

Điều 22 của dự thảo quy định một số tình huống cụ thể trong điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường bộ. Trong đó nêu rõ, nếu tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thì hướng giải quyết được quy định theo 2 phương án.

Một: Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi.

Đồng thời định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

xe bien xanh gay tai nan se xu ly nhu the nao
Hình ảnh một vụ xe biển xanh gây tai nạn.

Hai: Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông, thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó.

Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản.

Đồng thời định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Sau khi thực hiện xong các quy định trên thì tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định trong Chương II Thông tư, gồm những công việc: Tổ chức cấp cứu người bị nạn; kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; kiểm tra nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác của người điều khiển phương tiện gây tai nạn; khoanh vùng bảo vệ hiện trường; thu thập thông tin; tổ chức giao thông; huy động, trưng dụng phương tiện và ứng phó với tình huống phát sinh.

Đối với trường hợp vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp xảy ra mà cán bộ cao cấp bị thương hoặc chết, cũng giải quyết theo quy định tại Chương II Thông tư. Ngoài ra, cơ quan thụ lý điều tra, giải quyết phải báo cáo Công an cấp tỉnh và Bộ Công an theo quy định các vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến các phương tiện giao thông được quyền ưu tiên.

Cụ thể: Phương tiện giao thông được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, nếu xảy ra tai nạn mà người điều khiển phương tiện không bị thương, phương tiện vẫn tiếp tục hoạt động được, thì lập biên bản tạm giữ các giấy tờ có liên quan, ghi lại biển số phương tiện, họ, tên, đơn vị công tác của người điều khiển phương tiện.

Đánh dấu vị trí của phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận và chụp ảnh các dấu vết trên phương tiện rồi cho họ tiếp tục sử dụng phương tiện đi làm nhiệm vụ. Định thời gian sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì người điều khiển đưa phương tiện liên quan đến vụ tai nạn về cơ quan công an để phục vụ điều tra, giải quyết theo quy định

Dự thảo cũng đề cập đến việc huy động, trưng dụng phương tiện trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ trốn, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.

Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.

Quy định nghiêm cấm lợi dụng việc huy động, trưng dụng phương tiện để nhằm mục đích vụ lợi, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Dự thảo thông tư sau khi lấy ý kiến đóng góp sẽ được Cục Cảnh sát giao thông tập hợp, chỉnh sửa trình Bộ Công an ban hành trong năm 2016.

Q.Dương