Xây dựng nguồn điện: Những người đến sớm

07:00 | 08/10/2013

802 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi dòng điện bật sáng từ các nhà máy thủy điện, ít ai biết rằng, để xây dựng được một dự án nguồn điện cho đất nước luôn cần những người tiên phong, đó chính là những cán bộ thực hiện công tác đền bù, tái định cư cho những người dân, đồng bào vùng dự án. Các anh là những người đến đầu tiên và cũng là những người ra đi cuối cùng hoặc gắn bó mãi mãi với mảnh đất xây dựng nhà máy thủy điện. Chúng tôi xin điểm lại hai gương mặt nổi bật gần đây tại Thủy điện Hủa Na và Thủy điện NK3 để bạn đọc thêm hiểu về những người xây dựng nguồn năng lượng phát triển đất nước.

Cuối tháng 9 vừa qua, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã chính thức khánh thành phát đủ công suất điện lên lưới sau hơn 4 năm tích cực san bằng nhiều khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua. Trong không khí phấn khởi tưng bừng của những người làm thủy điện dầu khí. Chúng tôi đã dành ra những phút tâm sự rất riêng với một người tiên phong khá đặc biệt của dự án - anh Cao Xuân Quỳnh, người đầu tiên phụ trách toàn bộ công tác đền bù của Thủy điện Hủa Na.

Lần đầu tiên tiếp xúc với anh Quỳnh, rất khó để đoán được tuổi của anh bởi dáng người thấp đậm, nước da ngăm đen khỏe mạnh và một đôi mắt lúc nào cũng như đang cười với người đối diện. Là một người đi nhiều, làm nhiều nghề, đi đến đâu cũng dễ dàng hòa nhập với địa phương nên anh Quỳnh nhận mình là người có nhiều “quê hương”. Anh nói được nhiều giọng địa phương từ giọng Bắc Ninh, Nam Định đến giọng Nghệ An và cả tiếng dân tộc Thái. Chẳng biết duyên trời thế nào mà ở cái tuổi ngũ tuần anh Quỳnh lại trở thành “con rể Nghệ An” - “quê hương” cuối cùng khi đang triển khai dự án xây dựng Thủy điện Hủa Na. 

Ông Trần Văn Biên, Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Hủa Na thăm hỏi bà con trong khu tái định cư của dự án

Ở Hủa Na, mọi người đặt cho anh một biệt danh rất dễ thương là “nhà thơ của thủy điện”. Mặc dù xuất thân từ người lính, có chuyên môn cao về xây dựng nhưng anh Quỳnh lại có tâm hồn nghệ sĩ với những bài thơ rất cảm động và trữ tình về thủy điện Hủa Na. Anh tâm sự: “Với đặc thù của thủy điện là triển khai xây dựng trên các thượng nguồn con nước như sông, suối lớn ở những vùng “khỉ ho, cò gáy” nên người làm đền bù phải cắm bản, sống và sẻ  chia cùng đồng bào dân tộc miền núi, dùng cái tâm của mình để đồng cảm với người dân những nơi triển khai dự án thủy điện”.

Hủa Na đã từng có hàng ngàn lượt cán bộ, công nhân viên đến xây dựng và vận hành, rất nhiều người thuộc nằm lòng bài thơ “Lời tỏ tình vào đất” với xuất phát điểm từ câu chuyện cảm động của anh Quỳnh: “Tôi một mình đi bộ vào Khủn Na, bản xa nhất của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đường vào Khủn Na phải trèo đèo, lội suối theo dòng Nậm Hinh uốn lượn. Cứ mỗi lần lên đến đỉnh đèo, tôi lại bắt gặp một dòng phấn trắng viết trên nền đất tươi thắm sau cơn mưa: “Hậu ơi, vào nhanh nhé”; “Hậu ơi, anh yêu em” v.v... Bất chợt, tôi nghĩ rằng, lại thêm một cách tỏ tình độc đáo; nó chân thật và rõ ràng như bản tính của người Thái và cho dù mai đây lời tỏ tình ấy có ngập vào lòng hồ Thủy điện Hủa Na thì nó cũng đã tạc vào lòng người Khủn Na rồi…”. Chính vì cái tình của người làm công tác đền bù sâu đậm với bà con địa phương như vậy mà khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư của Hủa Na đã trở thành điển hình của các dự án thủy điện trên cả nước, được lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh các công trình thủy điện vốn Nhà nước, tại các tỉnh miền núi phía bắc hiện nay còn có rất nhiều nhà máy thủy điện do tư nhân đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh. Chúng tôi gặp chị Lương Thị Lợi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng điện Linh Linh, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng quyết đoán đã trực tiếp thực hiện công tác đền bù cho Thủy điện NK3 tại tỉnh Lào Cai. Chị Lợi chia sẻ rằng, lần đầu tiên vào vùng dự án chị không khỏi “bàng hoàng” vì những tập tục cực kỳ lạc hậu của người Mông Xanh trong dự án của mình. Khi đó người trong vùng dự án TK3 sống rất lạc hậu, không hề có điện, nước, hoàn toàn dựa vào tài nguyên rừng theo kiểu tự cấp tự túc. Người Mông xanh vẫn tồn tại tục cướp vợ đem về nhà nhốt lại. Người đàn ông có ba ngày để “thuần phục” người con gái mà mình cướp được, mỗi ngày để ba bát cơm trắng nếu người con gái đó chịu ăn cơm thì tức là đã thuận lòng thành vợ. Nếu không thì người đàn ông phải chấp nhận phạt vạ lợn, bò tương đương khoảng 4 triệu đồng.

Nói về công tác đền bù, chị Lợi cho biết, mặc dù làm đúng quy định của Nhà nước khi đền bù cho những người dân trong khu vực dự án nhưng chị vẫn tặng thêm nhiều quà, gạo, muối cho các hộ dân bởi sự xót xa trước cái nghèo và nỗi khổ của họ. Từ khi khởi công dự án đến nay, Thủy điện TK3 đã liên tục phát ổn định hàng triệu kWh lên điện lưới quốc gia. Thôn bản quanh nhà máy lần đầu tiên có điện lưới, cuộc sống của bà con dân tộc Mông Xanh đã trở nên văn minh hơn, rất nhiều hủ tục được loại bỏ. Chúng tôi được biết, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy hằng năm vẫn âm thầm thực hiện những chuyến từ thiện, tặng hàng trăm phần quà tết cho các hộ nghèo, hàng chục suất học bổng cho trẻ em vùng dự án và các làng bản lân cận.

Cuộc sống chỉ ra rằng, để có nhà máy điện thì dù là các dự án của Nhà nước hay tư nhân, dù các nhà máy có công suất lớn hay nhỏ thì những cán bộ thực hiện công tác đền bù vẫn là người tiên phong của các dự án thủy điện. Thực hiện công tác này, điều cốt lõi của thành công là phải “có tâm” với đồng bào. Nghĩa là các cán bộ phải thấu hiểu những hy sinh của bà con khi rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn, những giá trị mà không thể dùng tiền bù đắp được, từ đó mới có thể đạt được sự đồng thuận làm tiền đề cho thành công của các dự án thủy điện.

Thành Công