Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Thông tin tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến 13h chiều 18/9, cơn áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 530km về phía Đông, tốc độ di chuyển chậm khoảng 15km/h. Các mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều nhận định áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, với gió mạnh cấp 8, gây mưa lớn trên diện rộng cho các tỉnh miền Trung.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão thực hiện nghiêm Công điện số 97/CĐ- TTg ngày 17/9 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ của Bộ NN&PTNT. Đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải, đặc biệt là tàu vận tải nhỏ) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: TTXVN) |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong trường hợp áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 thì đây không phải là cơn bão quá lớn nhưng lại gây mưa to tại khu vực Trung Bộ, trọng tâm là các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... và rất có thể kịch bản lặp lại như đợt mưa tại miền Trung năm 2000. Do vậy, các địa phương cần làm tốt công tác rà soát lại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, thực hiện việc di dời người dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, các địa phương hết sức chú ý đến hoàn lưu sau bão thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản; cần tập trung xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, không chủ quan trong ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác chỉ đạo ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai căn cứ vào tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ thành lập các đoàn đến địa phương để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão.
T.T
-
Bộ NN&PTNT đề xuất lập bản đồ chi tiết cảnh báo thiên tai
-
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa bão, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất
-
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, đổ bộ ngay chiều nay
-
Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 5 tỉnh miền Trung
-
Quảng Nam: Đảm bảo an toàn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển trước áp thấp nhiệt đới
-
Quảng Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét
-
[Infographic] Lũ ống, lũ quét và những điều cần lưu ý
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát động chiến dịch "Bay nhẹ tới Côn Đảo"
-
Bài cuối: Hướng tới một Hà Nội "thích ứng" với biến đổi khí hậu