Xây dựng biểu giá điện cần tính đến những yếu tố nào?

07:00 | 26/09/2015

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn thành Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá điện. Theo đó, đề án đưa ra 3 phương án điều chỉnh giá điện là giữ nguyên phương án 6 bậc hiện tại, đồng giá và giảm xuống còn 3 hoặc 4 bậc với 5 kịch bản. Để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngày 22/9, EVN đã tổ chức Hội thảo Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”. Phóng viên Báo Năng lượng Mới xin lược trích một số ý kiến được đưa ra tại Hội thảo này.  

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Ưu tiên số đông người nghèo

xay dung bieu gia dien can tinh den nhung yeu to nao

Ở đây, chúng ta phải thấy rằng, EVN là doanh nghiệp chủ lực được giao nhiệm vụ trong cung ứng điện của quốc gia. Và như vậy, chúng ta nhìn thấy trong năm 2015, tỉ lệ mua điện của nước ngoài chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng trước năm 2014, tỉ trọng mua điện của nước ngoài theo giá thị trường phải lên đến hơn 10% tổng sản lượng điện. Ở đây, trừ có than là EVN mua được với giá chỉ đạo, còn lại tất cả kể cả giá khí đều phải mua với giá gần tiệm cận giá thị trường.

Chúng ta cũng phải thống nhất rằng, điện không phải thuần túy là ngành sản xuất hàng hóa. Điện là một ngành sản xuất đặc thù, đặc biệt, không tái tạo. Cho nên, trong điều kiện đất nước hiện nay, chúng ta khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả chứ không khuyến khích sử dụng nhiều điện để trả ít tiền đi. Chúng ta cứ nói Việt Nam rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu nhưng từ năm 2017, chúng ta đã phải nhập than.

Một điểm nữa, sản lượng điện liên quan rất nhiều đến đời sống kinh tế - chính trị của đất nước. Theo số liệu của Đề án Tái cơ cấu giá điện thì những hộ dân dùng điện dưới 50kWh chiếm tới 21,7% trong tổng số 21 triệu hộ dân, sử dụng từ 50-100kWh chiếm tới 25% trong tổng số hộ 21 triệu hộ; 100-150kWh chiếm khoảng gần 20%... Như vậy, sản lượng điện tiêu dùng của những hộ nghèo, cận nghèo và công chức dao động quanh mức 150kWh/tháng, chiếm tới 60% tổng số hộ dân. Còn số hộ dân dùng trên 400kWh chỉ chiếm 4,7%. Vấn đề ở đây, điện vừa là ngành kinh tế nhưng cũng lại là ngành chính trị. Vậy nên, giá điện chia như thế nào thì chia nhưng nó phải đảm bảo quyền lợi cho số đông, tức trên 60% số hộ sử dụng điện.

Ở thành phố, những nhà dùng điện bị tăng bất thường, tới 2 triệu đồng, là bởi nhà có 4 người, 3 điều hòa cho 3 phòng. Trong khi đó, ở nông thôn, cả nhà chỉ có 2 ngọn đèn led, công suất có 24W và chỉ thắp từ 18-22h, chỉ thắp mỗi một chiếc đèn cho con học bài còn lại là đi ngủ và sáng ra thì đi làm cả ngày.

Ngoài ra, vấn đề của người tiêu dùng là đòi hỏi EVN phải cải tiến hơn nữa công tác quản trị của EVN. Tôi xin lấy ví dụ, chúng ta một tháng thì có 2 công nhân đi ghi chỉ số điện ở địa phương, ở từng nhà như thế kỷ XX. Bây giờ, chỉ cần một động tác, chúng ta tính điện bình quân một năm sau đó trả bình quân hàng tháng và cuối năm thống kê đầy đủ như các nước đang làm thì tự nhiên, năng suất lao động của EVN sẽ tăng lên, chi phí lao động trên 1kWh cũng giảm xuống.

TS Trần Đình Thiên -Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Gắn giá điện với  hệ thống lương

xay dung bieu gia dien can tinh den nhung yeu to nao

Giá điện là câu chuyện phức tạp và đặc biệt nó gắn với hệ thống lương tại Việt Nam. Do đó, giá điện phải cân đối về các vấn đề kinh tế khác mới có thể cải tiến một cách hợp lý. Do đó, yếu tố tính giá điện nên bổ sung thêm yếu tố nguồn cung của ngành điện, bảo đảm nguồn cung, mức giá như thế nào, cách tiếp cận về chi phí ra sao... Đây là cơ sở quan trọng để tính giá điện cuối cùng. Từ xưa đến nay, chúng ta cứ mãi nói giá điện thấp và không có ai đầu tư vào điện nên đã chọn phương án hủy hoại môi trường để đầu tư vào điện.

Thứ hai, cần tính đến mối quan hệ giữa hệ thống lương và hệ thống giá điện hiện có bất cập như thế nào. Bởi một bộ phận người mua rất quan trọng, tác động đến chính sách mạnh nhất chính là bộ phận ăn lương. Khi đó, giao thoa giữa mức trả tiền lương đó thì nhà nước cần phải bù như thế nào hay ngành điện phải xử lý ra sao chính là quan hệ này.

Thứ nữa phải khẳng định với nhau rằng, cải tiến cơ cấu giá điện kiểu gì thì cũng không thể vừa lòng tất cả các nhóm đối tượng được. Đợt nắng nóng vừa rồi, nhóm đối tượng dùng nhiều điện, chi phí tăng lên rất cao, họ phản ứng rất mạnh. Còn những đối tượng dùng dưới 100kWh thì chẳng mấy ai phản ứng cả. Việc xây dựng giá điện vì thế không hề đơn giản, được ông này sẽ mất ông kia. Và chúng ta cũng đừng hy vọng việc cải tiến cơ cấu giá điện lần này sẽ giải quyết được tất cả vấn đề. Cái cần ở đây là cân đối giữa sản xuất và người tiêu thu.

Về 3 phương án cơ cấu biểu giá điện, tôi đồng ý với giá điện chia theo bậc thang nhưng nên ít bậc thang hơn. Có thể để số bậc thang từ 3 đến 4 bậc. Nhưng nên nâng kWh tại mỗi bậc và khoảng cách giữa các bậc cũng giãn ra. Đồng thời, chênh lệch giá giữa các bậc cũng thấp hơn. Khi mức sống người dân tăng lên thì số điện dùng tối thiểu cũng sẽ tăng lên. Do đó, cần tính bậc thang giá điện phù hợp với nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá  (Bộ Tài chính): Hài hòa lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng

xay dung bieu gia dien can tinh den nhung yeu to nao

Trước tiên phải khẳng định, việc cải tiến phương án giá điện phải đảm bảo trong nền kinh tế thị trường có sự hài hòa lợi ích của 3 chủ thể. Một là nhà nước, nhà nước thu được gì, lợi gì, thu thuế. Có nghĩa doanh nghiệp mà hoạt động tốt thì có thuế thu nhập doanh nghiệp, người tiêu dùng dùng nhiều điện thì có thuế VAT. Đảm bảo quyền lợi, lợi ích cho doanh nghiệp là doanh nghiệp đủ bù đắp chi phí và phải có lãi. Và Thủ tướng cũng đã nhiều lần nói phải tính đúng, tính đủ và phải có lãi thì mới tồn tại, phát triển được.

Vậy chúng ta sẽ chọn phương án nào? Theo tôi, cần phải căn cứ theo các nguyên tắc: Thứ nhất, điện là loại năng lượng sản xuất ra từ nhiều nguồn nguyên liệu không tái tạo được như than, điện, khí... nên đòi hỏi phải tiết kiệm. Đặc biệt, nó phụ thuộc vào cả yếu tố cung - cầu. Khi cung lớn hơn cầu thì ta dùng phương pháp khác nhưng trong điều kiện hiện nay thì cung lại không đủ cầu cho nên buộc phải làm sao giá điện khuyến khích sử dụng hợp lý. Thứ nữa là thực trạng thị trường điện hiện nay phân khúc vào 3 khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Khâu truyền tải thì luôn luôn độc quyền, còn phát điện, phân phối thì đang tiến tới thị trường điện cạnh tranh bởi thực tế mới có khoảng 50 nhà máy điện tham gia.

Một điểm nữa, nước ta vẫn còn là nước nghèo, sự phân hóa, phân tầng trong xã hội còn rất lớn. Vì vậy, đối với công cụ trong chiến lược giá, chúng ta phải làm sao sử dụng, phải phân khúc làm sao cho phù hợp với các nhóm đối tượng. Đối tượng nghèo, rất nghèo thì dùng nhóm này, khá thì dùng loại này...

Xuất phát từ quan điểm trên, tôi cho rằng, giá điện nên tính theo giá bậc thang luỹ tiến. Vấn đề là phải tìm ra cái bất hợp lý của biểu giá điện 6 bậc hiện nay là gì. Cái bất cập ở đây là hai bậc đầu giá điện có giảm so với bình quân nhưng từ bậc 3-6, giá điện lại tăng gần 50% so với giá bình quân. Nếu áp dụng cơ chế này, tôi chắc chắn, tổng số tiền trên một sản lượng điện sẽ lớn hơn khi áp dụng cơ chế đồng giá. Và nếu đúng như vậy thì vi phạm pháp lệnh, pháp lý. Thủ tướng quy định 1.747 đồng/kWh thì có phân hóa giá thế nào đi chăng nữa, tổng doanh thu vẫn phải bằng doanh thu bán 1 giá.

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 460