Vụ chìm tàu và con đường vào Nhà Trắng của John F. Kennedy

08:00 | 06/04/2019

1,237 lượt xem
|
(PetroTimes) -  Vụ việc đã biến Kennedy thành anh hùng thời chiến và dưới bàn tay lão luyện của ông bố Joseph P. Kennedy, vụ chìm tàu đã trở thành bệ phóng giúp đưa con trai ông vào Nhà Trắng.

Tìm đường đưa con vào chính trường

"Không có vụ PT 109, nước Mỹ sẽ không có Tổng thống John F. Kennedy", Dave Power, một phụ tá thâm niên của Tổng thống Kennedy, đã tuyên bố như vậy. PT 109 chính là vụ chìm tàu phóng ngư lôi tuần tra mà Kennedy làm thuyền trưởng năm 1943 trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Chuyện xoay quanh vụ PT109 và gia đình Kennedy đã được tác giả William Doyle kể lại trong cuốn sách mới hấp dẫn PT109: Trang sử thi chiến tranh nước Mỹ: Sống sót và định mệnh của John F. Kennedy".

Một lần John F. Kennedy có cuộc hẹn hò tại câu lạc bộ Stork ở New York tháng 2-1944. Kennedy ăn tối với cô bạn gái là tổng biên tập một tạp chí thời trang - Florence Pritchett và phóng viên tạp chí Life - John Hersey cùng vợ của anh này là Frances Ann Cannon, từng là bạn gái cũ của Kennedy.

vu chim tau con duong vao nha trang cua john f kennedy

Bức ảnh chụp cậu thanh niên John Kennedy tốt nghiệp trung học (trái) và ảnh cậu đứng trên mái nhà của điền trang Kennedy tại bang Florida năm 1935.

Khi nghe Kennedy kể về chuyến phiêu lưu tới quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương, anh phóng viên Hersey đã nghĩ ngay tới việc đưa câu chuyện lên tạp chí. Sau khi hoàn thành tác phẩm mang tên "Sống sót", Hersey rất ngạc nhiên khi tạp chí Life không đăng bài viết.

Bố của Kennedy, ông Joe Kennedy, rõ ràng không hài lòng khi Mỹ có ít ấn phẩm hấp dẫn về giới thượng lưu Mỹ. Ông muốn tìm một tờ báo có thể vươn tới nhiều cử tri Mỹ - những người có thể giúp đưa người nhà Kennedy vào chính trường.

Sau đó, ông đã có một ý tưởng được nhận định là một nước cờ xuất sắc. Ông đã thương thảo với tạp chí Reader's Digest, để đánh bóng tên tuổi con trai ông - John Kennedy - thành một người hùng của nước Mỹ sau những sự kiện xảy ra ở Solomon.

Bài báo của Hersey rất phù hợp với mục đích tự quảng bá của gia đình Kennedy. Sau khi bài báo được đăng trên tờ Reader's Digest, tháng 6-1944, ông Joe đã cho in hàng nghìn bản và phát với số lượng lớn tại các khu vực bầu cử quan trọng.

Ông hy vọng bài báo sẽ khiến cử tri quên rằng con trai ông thực ra thiếu kinh nghiệm chính trị. Đây là bước đầu tiên mà ông Joe thực hiện để theo đuổi giấc mơ 18 năm trời là có một cậu con trai trong Nhà Trắng.

Chuyến phiêu lưu cùng PT 109

Câu chuyện "Sống sót" của Kennedy bắt đầu từ hè năm 1939, khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan, khởi đầu cho Thế chiến II. Năm đó, Kennedy mới hơn 20 tuổi và đang chu du thế giới. Kennedy đã tới vô số quốc gia trong thời gian bố mình làm Đại sứ Mỹ ở Anh.

vu chim tau con duong vao nha trang cua john f kennedy

Bức ảnh chụp đai gia đình nhà Kennedy danh tiếng của nước Mỹ năm 1937, trong đó Tổng thống tương lai của nước Mỹ John Kennedy là người đứng hàng sau

Năm 1939 tại London, John Kennedy đã gặp Vua và Nữ hoàng Anh cùng cô con gái 13 tuổi, Công chúa Elizabeth. Họ hàn huyên quanh tách trà. Kennedy viết thư "khoe" với bạn: "Mình nghĩ là cô gái thích mình và giờ mình sẽ không ngạc nhiên nếu cô gái bị mình hấp dẫn".

Năm 1941, Kennedy quyết định gia nhập quân đội và với uy tín của bố, Kennedy đã được phong hàm thiếu úy hải quân dự bị của Mỹ. Kennedy luôn thích ra khơi và có một thuyền nhỏ để rong ruổi trên biển.

Tổng thống tương lai của Mỹ rất thích chiếc tàu phóng ngư lôi hay còn gọi là tàu tuần tra (PT) mà hải quân trưng bày hè năm 1941 tại cảng Edgartown, Massachusetts. Thần tượng Kennedy chính là Winston Churchill.

Joe Kennedy muốn giúp con trai nên ông đã nhắm tới một người nổi tiếng lúc đó: thiếu tá hải quân John Bulkeley, chỉ huy đội tàu phóng ngư lôi số 3 đang hoạt động ở Philippines. Ông Bulkeley được giao nhiệm vụ tăng cường khai thác đội tàu PT và một hạm đội gồm 200 chiếc sẽ được phái tới Thái Bình Dương.

Sau khi gặp ở khách sạn Plaza trong căn phòng của ông Joe, Bulkeley đã đồng ý với yêu cầu của ông Joe là đưa Kennedy lên tàu phóng ngư lôi để đánh bóng tên tuổi và giúp anh thu hút lá phiếu của cử tri sau chiến tranh.

Tháng 2-1943, John Kennedy được phân về một đội tàu hoạt động ở Nam Thái Bình Dương. Tháng 3-1943, Kennedy tiến tới quần đảo Solomon. Tháng 4 cùng năm, Kennedy được làm chỉ huy chiếc tàu phóng ngư lôi PT 109 nặng 56 tấn, dài 24 mét, có trang bị vũ khí.

Chàng sĩ quan hải quân trẻ tuổi nhanh chóng nhận thấy cuộc sống trong vùng chiến ở Nam Thái Bình Dương dù non nước hữu tình nhưng cũng đầy hiểm nguy, khó khăn và thiếu thốn.

vu chim tau con duong vao nha trang cua john f kennedy
John F. Kennedy và con tàu tuần tra PT109 ông là chỉ huy

Thức ăn đều là đồ đóng hộp: thịt giăm bông, xúc xích Vienna, trứng sấy khô và tương đậu nướng. Cà phê và thuốc lá là những thứ xa xỉ. Họ phải uống thuốc aspirin và vitamin A với liều mạnh để tăng tầm nhìn ban đêm.

Kennedy tìm mọi cách xin xỏ chỉ huy cung cấp cho tàu những kẹo, trứng tươi, kem, bánh mỳ và pho mát. Chỉ huy tàu PT Leonard Nikoloric nói với tác giả William Doyle: "Thứ duy nhất mà tàu PT thực sự làm hiệu quả là tăng chi phí mà chính phủ phải cấp cho tàu".

Sứ mệnh của đội tàu tuần tra ngư lôi là di chuyển sát với một tàu khu trục Nhật Bản ở Solomons trong bóng tối và sau đó tấn công bằng tên lửa. Thủy thủ tàu PT sau đó sẽ nhanh chóng tận dụng làn khói mà một máy phát đằng đuôi tàu tạo ra để trốn thoát trước khi đối phương bắn trả. Nhiệm vụ của họ ở Solomon là đánh đắm tàu chở quân và đồ tiếp tế của Nhật, phá đường băng, tàu và máy bay của kẻ thù.

(Còn tiếp)

Thiên Phú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc