Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” cô dâu vì làn sóng... lấy chồng Tây

06:00 | 08/11/2012

1,251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã diễn ra khá lâu tại Việt Nam nhưng hiện chưa có biện pháp nào có thể chấn chỉnh một cách triệt để. Trong tương lai, với tình trạng “thừa” đàn ông, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ phải “nhập khẩu” cô dâu ồ ạt.

Hậu quả của “làn sóng” lấy chồng Tây

Trong Hội thảo Quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã khẳng định, trong khoảng 20 năm tới, Việt Nam sẽ “thừa” từ 2,3 – 4,3 triệu đàn ông, điều này kéo theo việc chúng ta cần thêm hơn 4 triệu phụ nữ để cân bằng trong hôn nhân và gia đình. Thế nhưng với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” như hiện nay, chúng ta rất có thể phải “nhập khẩu” các cô dâu, thay vì “xuất khẩu” ồ ạt như thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 1998 - 31/12/2010 đã có  294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có quốc tịch trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Canada, Pháp, Hoa Kỳ…

Trên nhiều địa phương, đã xuất hiện các “làng”, các “phường” lấy chồng Tây trên khắp Việt Nam. Lý do của hiện tượng “xuất khẩu cô dâu” rầm rộ tại Việt Nam là bởi thứ nhất, nước ta thuộc quốc gia đang phát triển nên đại bộ phận dân chúng còn đang sống trong cảnh khó khăn. Trong khi đó một số nước trong khu vực kinh tế phát triển hơn nên thu hút công dân các nước kinh tế kém hơn đến định cư, trong đó có con đường hôn nhân.

Hai là nguyên nhân mất cân bằng giới tính ở một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc dẫn đến tình trạng thiếu phụ nữ trong tuổi trưởng thành, nhiều đàn ông không tìm được đối tượng kết hôn trong nước nên phải ra nước ngoài tìm vợ trong đó có Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa tương đồng.

"Xuất khẩu cô dâu" vì lý do kinh tê

Việc phụ nữ Việt Nam – đặc biệt tại các vùng nông thôn – đua nhau lấy chồng ngoại khiến một lượng lớn đàn ông bị “thừa” ra, khó có thể lấy vợ hoặc thậm chí không thể lấy vợ.

Thêm vào đó, việc mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một nguyên nhân khiến Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu phụ nữ trong tương lai. Năm 2012, mức sinh có xu hướng tăng đột biến. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, số trẻ sinh ra trong 8 tháng đầu năm 2012 tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, tỷ suất giới tính khi sinh (số trẻ trai/trẻ gái) năm 2012 tính đến nay đã tăng đột biến. Mức tăng này cũng nằm trong quỹ đạo gia tăng những năm gần đây.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn, nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Theo kết quả tổng điều tra dân số, từ năm 2006, với mức tỷ suất giới tính khi sinh là 109,8, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên “nóng”. Trong những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng cao (năm 2009 tỷ số này là 110,5; năm 2010 là 111,2; năm 2011 là 111,9 và năm 2012 là 112,3).

Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm trầm trọng thêm vấn nạn bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn sẽ tăng cao. Người ta quan ngại về sự bạo hành giới, tình trạng buôn bán phụ nữ và các cơ sở mại dâm có thể sẽ gia tăng.

Hệ lụy khó lường

Tình trạng gia tăng tỷ suất giới tính khi sinh sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, thậm chí cả an ninh chính trị khi các thế hệ trẻ em sinh ra hôm nay bước vào độ tuổi kết hôn, khoảng năm 2025 - 2030.

Khi đó, Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu cô dâu” như Hàn Quốc, Trung Quốc. Việc kết hôn ồ ạt với người nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều bất cập như: gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, đám cưới giả, xung đột quốc tế giữa các quốc gia “nhập khẩu cô dâu” và “xuất khẩu cô dâu”.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng Cục dân số - kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế khẳng định, tình trạng dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn dẫn đến một bộ phận nam giới có thể sẽ phải kết hôn muộn, nhiều người không có khả năng kết hôn.

20 năm tới, Việt Nam sẽ dư thừa đàn ông

Từ đó, có thể dẫn đến hiện tượng “nhập khẩu cô dâu” với nhiều bất cập  như tạo luồng di cư quốc tế mới, biến thái mới của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái dưới hình thức hôn nhân giả, xung đột quốc tế giữa các quốc gia “xuất khẩu cô dâu” và “nhập khẩu cô dâu”, bạo hành gia tăng khi xã hội có nhiều nam giới độc thân…

Cùng châu Á với Việt Nam, có một trường hợp hy hữu có thể làm kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là Hàn Quốc cách đây 30 năm cũng có sự chênh lệch lớn ở tỷ số giới tính khi sinh. Tuy nhiên khi Pháp luật Hàn Quốc quy định rõ, con trai và con gái đều phải được hưởng thừa kế, các cơ sở hành nghề y cam kết tuyệt đối không tiết lộ giới tính thai nhi, nếu vi phạm sẽ bị dừng hành nghề, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ thì tỷ số giới tính khi sinh dần trở về mức cân bằng.

Thực tế, hiện nay, tỷ số giới tính ở Hàn Quốc đã cân bằng trở lại, việc siêu âm giới tính dù lại được cho phép, nhưng không bị lợi dụng bởi nhu cầu sinh con trai đã giảm hẳn trong xã hội. 

Với trường hợp Việt Nam, để tránh tình trạng “nhập khẩu” cô dâu một cách ồ ạt, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay với việc tiết lộ giới tính thai nhi, đồng thời tăng cường các chương trình, hình thức tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo.

Vương Tâm