Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết

13:06 | 24/10/2019

321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã nêu lên những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng (giữa) và đoàn Việt Nam tại hội nghị (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23/10 cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không Liên kết đã khai mạc hôm qua tại thủ đô Baku, Azerbaijan, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elmar Mammadyarov.

Hội nghị tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 18. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan đề cao vai trò quan trọng của Phong trào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Phong trào cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu của các nước thành viên. Bộ trưởng Mammadyarov nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc Băng-đung là điều kiện tiên quyết để Không liên kết tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình.

Là một tập hợp của các nước đang phát triển, Phong trào cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, môi trường, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác theo các trục Đông-Tây và Bắc-Nam, và dành ưu tiên cho thế hệ trẻ.

Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết tại thủ đô Baku, Azerbaijan (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Phong trào Không liên kết, với 120 quốc gia thành viên, là một lực lượng chính trị quan trọng và tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Để ứng phó với những thách thức đặt ra và phát huy vai trò to lớn của mình, Thứ trưởng nhấn mạnh Phong trào cần tăng cường đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc Băng-đung, những nền tảng quan trọng giúp Phong trào tiếp tục khẳng định là ngọn cờ đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao luật pháp quốc tế; đồng thời các nước cần cùng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải tổ về thể chế và phương pháp làm việc nhằm tang cường hiệu quả hợp tác của Không liên kết.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên Không liên kết ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 sẽ diễn ra trong các ngày 25-26/10 tại Trung tâm Quốc hội Baku, Thủ đô Baku, Azerbaijan.

Phong trào Không liên kết được thành lập vào năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc. Phong trào Không liên kết là tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi dân tộc. Việt Nam chính thức gia nhập Phong trào Không liên kết năm 1976.

Theo Dân trí

Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc kiềm chế hành vi ở Biển Đông
Thủ tướng: Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền chúng ta không bao giờ nhân nhượng!
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi pháp và phi lý
Ngoại trưởng Malaysia: Cần chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu trên Biển Đông
Tàu dân quân Trung Quốc bị nghi đội lốt tàu cá trong vụ đâm tàu Philippines

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc