Vì sao 'trùm' MB24 bị phạt tù vẫn làm 'sếp' đa cấp?

11:06 | 20/04/2016

1,670 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Luật Thi hành án hình sự, Vũ Ngọc Thuyển phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Nhưng đối tượng vẫn vô tư rời khỏi nơi cư trú để làm lãnh đạo trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp, đó là lỗ hổng pháp luật.
vi sao trum mb24 bi phat tu van lam sep da capHành trình từ bị cáo vụ lừa đảo chấn động thành 'sếp' đa cấp
vi sao trum mb24 bi phat tu van lam sep da cap'Ông trùm' MB24 bị phạt tù nhưng vẫn ở ngoài làm 'sếp' đa cấp?

Liên quan đến việc “trùm sò” trong đường dây lừa đảo Muaban24 Vũ Ngọc Thuyển (40 tuổi, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) bị Tòa án Nhân dân Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, nhưng chẳng hiểu vì sao mà sau khi nhận bản án "siêu lừa" này vẫn đang tại ngoại và trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Báo điện tử PetroTimes đã có buổi làm việc với Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Đề cập đến loại hình kinh doanh đa cấp đang trở nên nhức nhối trong xã hội, Luật sư Vi Văn Diện cho hay, hiện tượng kinh doanh đa cấp “ma” hay còn gọi là kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Nhiều doanh nghiệp mặc dù được cấp phép để hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng lợi dụng việc được cấp phép này để làm bình phong cho những trò ma quái lừa đảo, kinh doanh trái phép, trốn thuế...

vi sao trum mb24 bi phat tu van lam sep da cap
Luật sư Vi Văn Diện.

Nhắc đến Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Luật sư Vi Văn Diện nhận định, có thể nhận thấy đơn vị này đã vi phạm pháp luật ngay trong hoạt động thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định, điển hình là nhân sự Vũ Ngọc Thuyển. Bị cáo Vũ Ngọc Thuyển đã bị tuyên phạt 4 năm tù, nhưng bất ngờ xuất hiện với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam là điều quá bất hợp lý. Thuyển không được quyền tham gia quản lý doanh nghiệp trong thời gian thi hành án, chờ phiên tòa phúc thẩm…

Tại điểm e, khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp quy định về tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của tòa án. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Đối chiếu quy định trên cho thấy, Vũ Ngọc Thuyển giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam là vi phạm pháp luật.

“Vũ Ngọc Thuyển đang là đối tượng bị truy tố về tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành để đối tượng chuyển sang hình phạt tù theo luật thi hành án hình sự lẽ ra đối tượng phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Nhưng trong trường hợp này đối tượng vẫn vô tư rời khỏi nơi cư trú để trở thành lãnh đạo trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp là lỗ hổng của pháp luật, thể hiện sự bất thường trong quá trình xét xử, quản lý đối tượng phạm tội của của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang” - Luật sư Vi Văn Diện nhận định.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Luật sư Vi Văn Diện cho rằng, vấn đề ở đây là việc quản lý bị can, bị cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng Bắc Giang, cũng như chính quyền nơi Vũ Ngọc Thuyển cư trú. Nếu cơ quan tố tụng quản lý tốt bị can, bị cáo, cấm đi khỏi nơi cư trú, thì Vũ Ngọc Thuyển khó có cơ hội ra Hà Nội quản lý, điều hành công ty đa cấp.

vi sao trum mb24 bi phat tu van lam sep da cap
Vũ Ngọc Thuyển tại một hội nghị của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam với chức danh Phó Chủ tịch HĐQT.

Xuất hiện và làm lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội của Vũ Ngọc Thuyển, Luật sư Vi Văn Diện đặt ra hàng loạt câu hỏi cần phải làm rõ đối với các cơ quan chức năng Bắc Giang. Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất rõ về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Đối chiếu các quy phạm pháp luật thì để có mặt tại Hà Nội, Vũ Ngọc Thuyển có được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú không? Và có giấy thông hành, giấy phép của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang hay không?

Nếu có, thì điều kiện áp dụng đối với Vũ Ngọc Thuyển ra sao, nếu bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú tại Bắc Giang thì liệu rằng việc rời khỏi nơi cư trú ra Hà Nội để tham gia kinh doanh đa cấp liệu có phải là lý do chính đáng không? Trường hợp đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nêu trên mà Vũ Ngọc Thuyển bất chấp lệnh để rời khỏi nơi cư trú vượt qua tầm kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan tiến hành tố tụng thì cần phải xem xét xử lý trách nhiệm đối với chính quyền nơi Vũ Ngọc Thuyển cư trú được giao quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan tố tụng đã ra quyết định này?

Trước những vấn đề mang tính “lỗ hổng” của pháp luật, Luật sư Vi Văn Diện nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay để làm rõ các vấn đề liên quan đến Vũ Ngọc Thuyển cũng như hoạt động của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc cấm đi khỏi nơi cư trú

1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm đảm bảo sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường thị trấn để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó.

3. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.

Thiên Minh