Vì sao TP HCM càng chống thì càng ngập?

14:11 | 18/09/2015

2,387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) – Ngoài nguyên nhân hệ thống thoát nước của TPHCM đã lỗi thời thì theo GS-TSKH Lê Huy Bá, chủ trương phát triển TP HCM về phía Đông - Nam (huyện Nhà Bè, Cần Giờ) là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến tình trạng TP HCM càng chống thì càng ngập.

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP thì gần như toàn TP HCM đã bị ngập, có những điểm ngập rất nặng đến 0,5m sau trận mưa lớn kết hợp với triều cường diễn ra vào chiều 15.9 vừa qua.

Báo chí đã đưa tin hàng loạt về cảnh người dân phải vật lộn với nước dâng cao trên những tuyến đường nội thành. Và TP không chỉ ngập trong thời gian ngắn mà còn kéo dài sang ngày hôm sau. Cho đến ngày 16.9, nước ngập ở rất nhiều tuyến đường vẫn chưa rút. Nhiều hộ dân điêu đứng vì tài sản trong nhà có thể bị hư hại.

Đó là một thực tế đáng báo động về tình trạng ngập úng trong TP.

vi sao tphcm cang chong thi cang ngap
Nhiều tuyến đường TPHCM ngập nặng sau cơn mưa 15.9 (Ảnh: Đình Thảo)

Vừa qua, rất nhiều người cũng đã đặt ra câu hỏi rằng, vì sao TP chi hàng triệu đô cho các công trình chống ngập, nhưng tình trạng ngập thì lại ngày càng nặng hơn?

Trước câu hỏi này, các nhà chức trách đã chỉ ra một nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước của TP HCM đã lỗi thời. Thiết kế của hệ thống này (năm 2005) không thể đáp ứng được việc thoát nước với những cơn mưa có vũ lượng lớn, kéo dài, lại kết hợp với triều cường, điển hình như cơn mưa chiều ngày 15.9 vừa qua.

vi sao tphcm cang chong thi cang ngap Sau mưa lớn 2 ngày, chung cư vẫn "tê liệt" vì nước ngập
vi sao tphcm cang chong thi cang ngap TP HCM: Nhiều tuyến đường ngập nặng

Cụ thể là hệ thống cống ở nội đô được thiết kế để thoát nước với lượng mưa 86mm kéo dài trong 3 giờ. Còn cơn mưa chiều tối 15.9 có vũ lượng lên đến 142mm, lại kéo dài nhiều giờ liền nên cống không thể thoát kịp, gây ngập trong TP.

Và các giải pháp chống ngập cũng đã được TP đưa ra, một số dự án đang từng bước triển khai thực hiện như xây dựng thêm cống thoát nước, hồ điều tiết, gia tăng các mảng xanh thấm nước…

Tuy nhiên, theo GS-TSKH Lê Huy Bá, nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu cho biết, TP HCM đã mắc phải những sai lầm lớn trong việc quy hoạch TP. Và chính những sai lầm đó dẫn đến tình trạng ngập nặng tại TP HCM.

vi sao tphcm cang chong thi cang ngap
GS.TSKH Lê Huy Bá

Những năm vừa qua, TP có chủ trương phát triển ra hướng Đông - Nam, cụ thể là về phía huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Đó là phía sông, biển tức là vùng trũng, vùng thấm nước. Nhưng những khu đô thị, những tuyến đường lớn với bê tông cốt thép mọc lên ở khu vực này như Phú Mỹ Hưng, Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh… như những con đê lớn ngăn dòng thoát nước từ trung tâm TP ra phía biển.

Cụ thể, theo thống kê thì chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 1998 - 2006, TP.HCM đã có hơn 12.600ha đất nông nghiệp, ao hồ được quy hoạch thành đất xây dựng, dẫn đến việc làm mất nơi chứa nước mưa, nước triều và làm giảm khả năng thoát nước. Trong giai đoạn 1998 - 2005, TPHCM cũng cho san lấp thêm 3.576ha kênh rạch.

Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng TP HCM ngày càng bị ngập nặng, ngập kéo dài sau mưa lớn như vừa qua.  

vi sao tphcm cang chong thi cang ngap
Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng

“Đó là chưa kể, việc phát triển TP ra phía Đông – Nam còn sai lầm ở chỗ đó là khu vực trên nền đất phù sa mới nên nền đất mềm, rất dễ bị sụt lún. Và theo vài khảo sát thì hiện tại Phú Mỹ Hưng đang bị lún xuống” - GS Bá cho biết.

Theo nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với toàn TP HCM của GS Lê Huy Bá, trong khoảng thời gian từ 10-15 năm tới, sẽ có khoảng 35% diện tích đất đai TP HCM bị ngập do nước biển dâng cao. Mà vùng bị ngập đầu tiên, nhiều nhất không nơi nào khác đó chính là khu vực Nhà Bè, Cần Giờ…

Giải pháp mà GS Bá đưa ra là TP phải xây dựng nhiều cầu cống thoát nước, nhất là khu vực đô thị phía Nhà Bè, Cần Giờ để tạo điều kiện thoát nước từ TP được tốt hơn.

L.Trúc

Năng lượng Mới