Vì sao Tổng thống Obama không xin lỗi người Nhật?

18:51 | 27/05/2016

4,564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều muộn ngày 27/5, theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử kéo dài 1 giờ 45 phút tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản - nơi vào ngày 6/8/1945 đã bị tàn phá nặng nề bởi bom nguyên tử của quân đội Mỹ.   

Ngay sau khi kết thúc chương trình của các nhà lãnh đạo các nước G7 tại Shima, vào khoảng 14h30 chiều nay, Tổng thống Obama đã bay từ Tokoname tới Căn cứ không quân Iwakuni, nơi cách Hiroshima khoảng 40km. Đây là căn cứ không quân chung của Mỹ và Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.

tong thong obama da khong xin loi tai hiroshima
Tổng thống Obama tới Căn cứ không quân Iwakuni

Trong cuộc viếng thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ, Tổng thống Obama đã tới thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi tưởng nhớ 140.000 người dân thành phố này đã thiệt mạng trong thảm họa cuối Thế chiến II.

tong thong obama da khong xin loi tai hiroshima
Tổng thống Obama cúi đầu tưởng niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima

Trong suốt chuyến viếng thăm kéo dài 1 giờ 45 phút, Tổng thống Obama đã không xin lỗi về quyết định đánh bom Hiroshima của nước Mỹ, mà chỉ thể hiện sự tưởng nhớ và thương tiếc đối với các nạn nhân, đồng thời chỉ trích tội ác của chiến tranh.

Tại Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, sau khi thăm quan, Tổng thống Mỹ đầu tiên tới đây đã viết vào cuốn sổ lưu niệm: “Chúng ta đã biết đến những nỗi đau của chiến tranh. Giờ đây, chúng ta hãy can đảm, cùng nhau để lan tỏa hòa bình và theo đuổi mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

tong thong obama da khong xin loi tai hiroshima
Tổng thống Obama phát biểu tại lễ tưởng niệm 

Trong bài phát biểu ngắn gọn tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, người đứng đầu Nhà Trắng đã thừa nhận những tổn thất nặng nề của chiến tranh và kêu gọi xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. “Chúng ta đứng ở đây, giữa thành phố này và tưởng tượng khoảnh khắc quả bom đó rơi. Chúng ta buộc phải thấy nỗi sợ hãi của những đứa trẻ đang không hiểu những gì chúng nhìn thấy. Chúng ta lắng nghe thấy một tiếng khóc trong câm lặng. Chúng ta nhớ tới tất cả những người vô tội bị giết chết trong vòng xoáy của cuộc chiến tranh khủng khiếp... Chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm để nhìn thẳng vào lịch sử và đòi hỏi chúng ta phải làm khác đi để hạn chế những nỗi khổ đau giống như vậy” - Tổng thống Obama phát biểu.

Để kết lại bài phát biểu của mình, ông Obama khẳng định: "Thế giới đã thay đổi mãi mãi ở nơi đây, nhưng ngày nay trẻ em của thành phố này đã được hưởng những tháng ngày hòa bình. Điều đó thật là quý giá. Đó là giá trị cần được bảo vệ, và sau đó là mở rộng cho mọi trẻ em. Đó là một tương lai chúng ta có thể lựa chọn, một tương lai trong đó Hiroshima và Nagasaki được biết đến không phải là bình minh của chiến tranh nguyên tử, mà là khởi đầu của sự thức tỉnh đạo đức trong mỗi chúng ta".

Sau bài phát biểu, Tổng thống Obama đã đến tận nơi, nói chuyện, bắt tay và ôm hai nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945. Đó là ông Sunao Tsuboi, 91 tuổi và ông Shigeaki Mori, 79 tuổi. 

tong thong obama da khong xin loi tai hiroshima
Tổng thống Obama và các nạn nhân còn sống sót của thảm họa Hiroshima năm 1945

Sau 1giờ 45 phút, đến 18h38, theo giờ địa phương, Tổng thống Obama lên máy bay rời Hiroshima, kết thúc chuyến thăm lịch sử. 

tong thong obama da khong xin loi tai hiroshima
Tổng thống Obama bước lên máy bay, rời Hiroshima

Hương Thu

Theo AP, NYT

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc