Vì sao tội phạm ngân hàng gia tăng?
Buông lỏng và vi phạm
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong năm 2010-2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xác lập án điều tra 69 vụ, khởi tố 40 vụ và 70 cán bộ ngân hàng; tổng số thiệt hại hơn 8.000 tỉ đồng và chỉ mới thu hồi được hơn 2.000 tỉ.
Một số vụ lừa đảo nghiêm trọng liên tiếp xảy ra như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 100 tỉ đồng tại NH Công Thương chi nhánh Đồng Nai, đã khởi tố 7 bị can là cán bộ ngân hàng về tội “vi phạm các quy định về cho vay”; Vụ vợ chồng Hồ Minh Hậu, Phạm Thị Ái Loan lừa đảo, chiếm đoạt gần 400 tỉ đồng của 3 NH là NH liên doanh Việt Nga, NH Vietcombank chi nhánh Bình Dương và NH BIDV.
Tình trạng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường
Đặc biệt là vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II - NH NN&PTNT Việt Nam gây thiệt hại ước tính 1.600 tỉ đồng, đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 5 cán bộ NH. Bọn tham nhũng này liều đến mức khai gian một con tàu cũ gấp 1.300 lần giá gốc. Kẻ cầm đầu dám bỏ túi 80 tỉ đồng.
Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như, quyền Trưởng phòng Giao dịch NH Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh lừa đảo, chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của hơn 33 doanh nghiệp và 20 cá nhân được coi vỡ nợ tín dụng đen kiểu mới.
Vụ án tham ô tại Phòng Giao dịch Kênh Đào, Hương Sơn trực thuộc Agribank Mỹ Đức, Hà Nội khiến 177 sổ tiết kiệm của khách hàng bị rút tới 45,8 tỉ đồng và không có khả năng khắc phục hậu quả thì một án tử hình, hai án chung thân là cái kết xứng đáng dành cho những kẻ phạm tội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý trong lĩnh vực NH còn nhiều sơ hở, thiếu sót trong một số khâu của hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là khâu giao dịch, khiến nhân viên giao dịch có thể lợi dụng. Cùng với kẽ hở trong hệ thống bảo mật thông tin trong nội bộ NH, nhiều NH thiếu kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chặt chẽ nên có đối tượng không chỉ phạm tội trong thời gian ngắn mà trong thời gian rất dài, chỉ đến khi đối chiếu sổ sách cuối năm hoặc có đoàn thanh tra mới bị phát hiện. Một số cán bộ quản lý và nhân viên NH là đồng phạm hoặc cả tin, dễ dãi, không thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định nên bị đồng nghiệp lợi dụng để hoạt động phạm tội.
Phòng ngừa và khắc phục
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong nhiều vụ án cán bộ NH đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để thực hiện các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm chiếm đoạt tiền của tổ chức NH và Nhà nước hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ dồng. Rất đáng quan ngại là trong tổng số 22 vụ án tín dụng, tài chính - NH có thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, trên 3.000 lượng vàng nhưng mới chỉ thu hồi được gần 2.000 tỉ đồng và công tác thanh tra, kiểm toán trong nội bộ của NH không hề phát hiện ra thủ phạm. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này cũng như việc thanh tra, kiểm tra, giám sát còn sơ hở và dễ bị lợi dụng.
Lực lượng Thanh tra NH đã không phát hiện kịp và xử lý kịp thời những vi phạm của các NH và các đối tượng ngoài xã hội… thì mấu chốt vấn đề là thiếu các quy định của pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn việc xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này. Mặt khác, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có 1 điều quy định xử lý vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong khi còn rất nhiều các hoạt động nghiệp vụ khác như đầu tư, chuyển tiền thanh toán, bảo lãnh.
Tội phạm ngân hàng phát triển do hệ thống, quản lý, giám sát yếu kém.
Nhằm tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực NH, Thống đốc NH Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN yêu cầu các NH tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH.
Tuy nhiên, cùng vớisự phát triển kinh tế của đất nước, tình hình tội phạm trong lĩnh vực NH sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường với những thủ đoạn và phương thức phạm tội mới tinh vi hơn; qua thực tiễn, để hạn chế việc lợi dụng kẽ hở để trục lợi tại NH, cần có sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhằm thực hiện tốt các giải pháp sau:
Hiện nay, công tác quản trị rủi ro (QTRR) tác nghiệp chưa thực sự được chú trọng, phần lớn các NH hiện chưa thành lập hoặc chưa tổ chức QTRR tác nghiệp một cách đúng nghĩa. Hệ thống NH cần nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên, đặc biệt ở các khâu giao dịch, kiểm soát…
Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực NH đã xuất hiện hành vi mới rất đáng quan ngại. Mới đây, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm NH, gây mất ổn định hoạt động NH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống NH trong cả nước.
Vì vậy, để có thể ngăn chặn những nguy cơ rủi ro từ hoạt động NH hiện nay, bên cạnh việc “siết chặt” các hoạt động quản lý thì cần phải hoàn thiện các quy định về tội phạm lĩnh vực đầu tư, chuyển tiền, bảo lãnh, thanh toán trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Thành Trung
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump