Vì sao Pháp đóng cửa nhà máy điện hạt nhân?

09:06 | 26/02/2020

757 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lò phản ứng số 1 của Fessenheim, nhà máy điện hạt nhân hoạt động lâu đời nhất của Pháp, sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn vào đêm 22-2-2020. Lò phản ứng số 2 sẽ ngừng hoạt động vào ngày 30-6-2020, chấm dứt nhiều năm tranh cãi về số phận của nhà máy điện hạt nhân được xây dựng vào những năm 70 của thế kỷ trước.
vi sao phap dong cua nha may dien hat nhan
Nhà máy Điện hạt nhân Fessenheim

Việc đóng cửa Nhà máy Điện hạt nhân Fessenheim là một sự kiện lịch sử, theo lời của Bộ trưởng Năng lượng Pháp Elisabeth Borne. “Việc đóng cửa 2 lò phản ứng đầu tiên ở Fessenheim là khởi đầu cho việc từ bỏ dần năng lượng hạt nhân của Pháp. Đây là hành động mang tính lịch sử”, ông Thierry Charles, Phó giám đốc Viện Bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân (IRSN) nhấn mạnh.

Là quốc gia có tỷ trọng điện hạt nhân cao nhất thế giới, Pháp đã quyết định giảm tỷ trọng điện hạt nhân từ 72% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2035.

Tại sao phải đóng cửa nhà máy điện hạt nhân?

Nhiều quốc gia đã đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân vì nhiều lý do: Năng lượng, chính trị hoặc kinh tế. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, đến cuối năm 2017, đã có 614 lò phản ứng hạt nhân được đưa vào sử dụng trên toàn thế giới, bao gồm 342 lò nước áp lực (REP) và 115 lò nước sôi (REB). Các lò phản ứng hạt nhân được đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1990. Ngày nay, 50 REP và 40 REB đã bị đóng cửa trên toàn thế giới.

Sau vụ tai nạn Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, Đức đã đề ra mục tiêu đến năm 2022 thoát khỏi năng lượng hạt nhân. Thụy Sĩ đã quyết định như vậy, trong khi vẫn duy trì một số nhà máy điện hạt nhân. Vào tháng 12-2019, sau 47 năm vận hành, Nhà máy Điện Mühleberg đã bị ngắt khỏi lưới điện do chi phí bảo trì cao. Cũng trong tháng 12-2019, Thụy Điển đã đóng cửa một lò phản ứng hạt nhân vì lý do kinh tế, sau 43 năm hoạt động, trong khi vẫn có kế hoạch giữ điện hạt nhân. Tại Mỹ, các lò phản ứng hạt nhân có thể tồn tại đến 80 năm, nhưng một số đã đóng cửa, vì lý do lợi nhuận, IRSN lưu ý.

Ở Pháp, Tập đoàn điện lực quốc gia EDF ban đầu đã dự tính tuổi thọ của một lò phản ứng hạt nhân là 40 năm, nhưng đến năm 2009 muốn gia hạn thêm. Nhà máy Điện hạt nhân Tricastin là nhà máy đầu tiên được gia hạn vào năm 2019 sau khi trải qua các bước kiểm tra an toàn ngặt nghèo sau 40 năm hoạt động.

Việc tháo gỡ nhà máy điện hạt nhân mất bao lâu?

Ở Nhà máy Điện hạt nhân Fessenheim, khi đã ngừng hoạt động, EDF lên kế hoạch cho giai đoạn chuẩn bị tháo gỡ kéo dài 5 năm, trong đó cần phải lấy nhiên liệu, làm mát..., đồng thời sẽ phải hoàn thành rất nhiều thủ tục để đạt được nghị định ngừng hoạt động vào năm 2025. Đây là một quá trình phức tạp vì liên quan đến kiểm tra kỹ thuật và nghiên cứu rủi ro, kiểm kê thiết bị... “Nhà điều hành phải chứng minh tất cả các hoạt động từ đầu đến cuối và chứng minh rằng các hoạt động này phải an toàn với công nhân thi công và môi trường”, chuyên gia Thierry Charles nói.

Sau khi được phê duyệt, việc tháo dỡ có thể bắt đầu, kéo dài trong khoảng 15 năm. “Trên thế giới, việc tháo gỡ một nhà máy điện hạt nhân thường mất ít nhất là 20 năm”, chuyên gia Thierry Charles cho biết thêm.

Sau đó sẽ là vấn đề đau đầu về chất thải hạt nhân. Tại Fessenheim, trong số 380.000 tấn chất thải theo dự đoán của EDF, 18.400 tấn phải được xử lý, trong đó 200 tấn chất thải phóng xạ cao dự định được chôn trong lớp địa chất sâu (Dự án Cigeo được lên kế hoạch ở Meuse). Giai đoạn kế tiếp sẽ là tháo dỡ toàn bộ các thiết bị nhiễm xạ. Riêng bồn của lò phản ứng do nhiễm xạ rất nặng, nên việc tháo dỡ sẽ do người máy thực hiện. Giai đoạn cuối cùng là tẩy rửa chất phóng xạ có thể đã nhiễm trên các nền đất và tường của nhà máy.

Sau Fessenheim, đến lượt nhà máy nào?

Để giảm điện hạt nhân xuống 50%, 12 lò phản ứng nữa của Pháp sẽ phải đóng cửa vào năm 2035. Lộ trình năng lượng của Pháp dự kiến sẽ đóng cửa 2 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2027-2028, hoặc thậm chí vào năm 2025-2026 tùy thuộc vào nhu cầu điện.

“EDF sẽ phải tổ chức tất cả các công việc dừng và tháo gỡ các nhà máy điện hạt nhân để có thể quản lý chúng một cách an toàn nhất. Mặt tích cực của việc đóng cửa Nhà máy Điện hạt nhân Fessenheim là sẽ giúp toàn bộ ngành công nghiệp Pháp quen dần và có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai”, ông Thierry Charles nhấn mạnh.

EDF đã đề xuất với Chính phủ Pháp nghiên cứu việc đóng cửa từng cặp lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân Blayais, Bugey, Chinon, Cruas, Dampierre, Gravelines và Tricastin. Các nhà máy điện hạt nhân được trang bị ít nhất 4 lò phản ứng. Đề xuất của EDF là giúp tránh việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy. Tổng chi phí cho việc tháo dỡ tất cả 58 lò REP được EDF ước tính vào năm 2015 là 75 tỉ euro, thấp hơn so với báo cáo của Quốc hội Pháp vào tháng 2-2017.

Pháp vẫn có tỷ trọng điện hạt nhân cao

Mặc dù đóng cửa hai lò phản ứng tại Fessenheim, nhưng Pháp vẫn là nước có số lượng lò phản ứng hạt nhân đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ (98 lò phản ứng). Sau khi đóng cửa Fessenheim, Pháp vẫn còn tổng cộng 56 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất khoảng 61.000 MW. Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang hoạt động, trải rộng trên 20 địa phương (chính xác là 18 nhà máy sau khi đóng cửa Fessenheim), cung cấp 70% tổng lượng điện sản xuất trong nước, cao nhất trên thế giới, đứng trước Slovakia (55%), Ukraine (53%) và Hungary (51%). 98 lò phản ứng của Mỹ chỉ cung cấp 19% tổng lượng điện tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ điện lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.

Các lò phản ứng hạt nhân của Pháp đang hoạt động đều sử dụng công nghệ thế hệ thứ hai, nước được điều áp và do EDF quản lý. Trong số này, có 32 lò phản ứng 900 MW (sau khi đóng 2 lò ở Fessenheim), mỗi lò sản xuất đủ để cung cấp điện cho 400.000 hộ gia đình. Ngoài ra còn có 20 lò phản ứng 1.300 MW và 4 lò phản ứng có công suất 1.500 MW.

Được đưa vào hoạt động vào năm 1977 sau khi xảy ra cú sốc dầu mỏ, tính đến thời điểm đóng cửa, Fessenheim (nằm dọc theo sông Rhine ở biên giới với Đức và Thụy Sĩ) là nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất vẫn còn hoạt động. Sau khi Fessenheim đóng cửa, Nhà máy Điện hạt nhân Bugey ở Ain (miền Trung nước Pháp) sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân hoạt động lâu đời nhất của Pháp, với 2 lò được khánh thành vào năm 1978.

Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân của Pháp hoạt động bắt đầu vào những năm 80. Các nhà máy gần đây nhất là Chooz (phía Đông Bắc) được đưa vào vận hành năm 2000 và Civaux (miền Trung) bắt đầu hoạt động vào năm 2002.

Một lò phản ứng thế hệ thứ ba, được gọi là EPR, đã được xây dựng từ năm 2007 tại Flamanville của Pháp. Nhưng công nghệ được coi là “lá cờ đầu” của ngành công nghiệp điện hạt nhân Pháp này với công suất 1.650 MW mỗi lò lại đang liên tiếp bị chậm tiến độ và đội vốn đầu tư. Mặc dù ban đầu dự kiến đưa vào sử dụng năm 2012 với chi phí 3,3 tỉ euro, lò phản ứng hạt nhân này sẽ chỉ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2022 với tổng chi phí được đánh giá lại là 12,4 tỉ euro.

Mặc dù đóng cửa 2 lò phản ứng tại Fessenheim, nhưng Pháp vẫn là nước có số lượng lò phản ứng hạt nhân đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ (98 lò phản ứng). Sau khi đóng cửa Fessenheim, Pháp vẫn còn tổng cộng 56 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất khoảng 61.000 MW.

S.Phương