Vì sao nội bộ Ecuador bất hòa vì dầu mỏ?

15:00 | 01/07/2023

1,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ sâu trong rừng nhiệt đới Amazon, lời cảnh báo vang dội không ngừng. Sử dụng ngôn ngữ Waorani, người dân bản địa kêu lên: "Chúng ta sẽ không cho phép ‘kowori’ (kẻ lạ) đến gần lô dầu 43". Nhưng lần đầu tiên, lời cảnh báo không nhằm vào những công ty dầu mỏ, mà là vào những người bảo vệ môi trường.
Vì sao nội bộ Ecuador bất hòa vì dầu mỏ?
Người dân bản địa chiếm một cơ sở khai thác dầu ở rừng Amazon

Nếp sống sinh hoạt yên bình bên trong khu bảo tồn thiên nhiên Yasuni thuộc rừng mưa Amazon, miền đông bắc Ecuador, đã bị khuấy động vì cuộc trưng cầu dân ý ngày 20/8 về việc tạm dừng khai thác dầu. Khắp nơi, lòng người dân chia rẽ. Những cộng đồng bản địa cũng không đứng ngoài vòng xoáy này.

Từ 10 năm nay, nhóm hoạt động môi trường Yasunidos đã không ngừng kêu gọi chấm dứt hoạt động khai thác dầu mỏ tại 3 giếng dầu Ishpingo, Tambococha và Tiputini (ITT), được gọi chung là "lô 43". Khu vực khai thác dầu này nằm trong địa phận Vườn quốc gia Yasuni – một khu vực bảo tồn quan trọng với hàng triệu ha rừng nhiệt đới và tính đa dạng sinh học cao, ở cực đông tỉnh Orellana của Ecuador, giáp biên giới Peru. Cuối cùng, vào tháng 5/2023, tòa án tối cao của Ecuador đã đồng ý mở cuộc trưng cầu dân ý về việc cấm khai thác dầu tại lô này.

Với sự hộ tống của đội ngũ chiến binh cầm giáo, nhiều người phụ nữ bản địa bán khỏa thân – những người ủng hộ việc tiếp tục hoạt động khai thác, đã đến trước mặt đội ngũ báo chí đến tham dự buổi họp báo do công ty dầu mỏ quốc gia Petroecuador tổ chức và hát vang bài ca xuất trận.

Theo ông Felipe Ima - một trong những người lãnh đạo cộng đồng Kawymeno, những người phụ nữ này, vốn cũng thuộc cộng đồng Kawymeno yêu cầu chính phủ "hỏi ý kiến của ​​​​những người thực sự sở hữu vùng đất", như người Waorani, chứ không phải toàn bộ người dân Ecuador. Được biết, cộng đồng Kawymeno là cộng đồng người Waorani duy nhất sống trong khu vực lô 43.

"Sức khỏe và giáo dục"

400 thành viên của cộng đồng Kawymeno, cũng như nhiều cộng đồng người Kichwa lân cận, tin rằng khai thác dầu là giải pháp bù đắp cho sự vắng mặt của nhà nước. Panenky Huabe – một lãnh đạo của cộng đồng người bản địa, nói với cánh phóng viên: "Nếu không có ngành công nghiệp dầu mỏ, chúng tôi sẽ không có (...) giáo dục, y tế, phúc lợi." Chưa kể, nhiều người bản địa hiện đang làm việc cho Petroecuador.

Tại Ecuador, khai thác dầu bắt đầu xuất hiện trên quy mô lớn vào những năm 1970, phù hợp với tốc độ mở rộng kinh tế mà chính phủ mong muốn đối với những khu vực Amazon. Tổng thống đương thời Rafael Correa (2007-2017) đã phê chuẩn hoạt động khai thác dầu ở Công viên quốc gia Yasuni sau những nỗ lực không thành trong việc triển khai một kế hoạch quốc tế trị giá 3,6 tỷ USD nhằm tránh khai thác dầu mỏ để bảo vệ môi trường.

Vào năm 2016, Yasuni bắt đầu có dòng dầu thô. Hiện khu vực này đóng góp 57.000 thùng/ngày vào tổng sản lượng của Ecuador (464.000 thùng/ngày trong giai đoạn tháng 1/2023 đến tháng 4/2023).

Theo các nhà chức trách, vàng đen là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của đất nước, mang lại doanh thu trung bình 12 tỷ USD/năm - một phúc lành cho kho bạc nhà nước và "quá trình phát triển" của đất nước. Nhưng trong mắt các nhà hoạt động môi trường, đó là một lời nguyền, vì theo họ, diện tích rừng không thể không ngừng bị thu hẹp, còn tình trạng ô nhiễm quy mô lớn vẫn tiếp diễn vì những “hành vi sai trái này”.

Ngoài ITT, Yasuni cũng có nhiều mỏ dầu khác đang được khai thác từ nhiều năm qua. Lô "43 là phần duy nhất (của khu rừng) vẫn có thể cứu bằng cuộc trưng cầu dân ý", theo lời ông Pedro Bermeo - luật sư kiêm phát ngôn viên của Yasunidos, nói với AFP.

"Dấu tích hy vọng"

Cuộc trưng cầu dân ý đang gây ra chia rẽ trong chính nội bộ người dân Waorani – nhóm cộng đồng có khoảng 4.800 thành viên và sở hữu khoảng 800.000 ha rừng ở những tỉnh Orellana, Pastaza và Napo.

Vào tuần trước, trong số những nhà hoạt động “tạt ngang” qua Paris với nhà hoạt động người Thụy Điển Greta Thunberg, có nhà hoạt động người Ecuador Helena Gualinga – thành viên của một cộng đồng người Amazon tên Sarayaku. Bà nhấn mạnh rằng, cuộc trưng cầu này "là một tiền lệ cực kỳ quan trọng, có thể được mở rộng ra toàn thế giới và là một dấu tích hy vọng (.. .) cho thấy mọi người có thể quyết định hướng đi của họ " đến tiến đến một tương lai bảo vệ toàn vẹn hệ sinh thái trong vùng lãnh thổ của họ.

Vào năm 2019, nhóm người Waorani ở tỉnh Pastaza đã giành chiến thắng khi tòa án ra lệnh cấm các công ty dầu mỏ xâm phạm vào 180.000 ha lãnh thổ còn nguyên vẹn.

Mặt khác, tại lối vào giếng dầu Ishpingo A, một người bản địa mặc đồ lao động và kẻ sọc đỏ trên mắt, nói rằng "chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc" cho ITT vì "vàng đen mang lại lợi ích cho tất cả mọi người".

Để khai thác lô này, Petroecuador đã được cấp phép hoạt động trên khoảng 300 ha diện tích của Vườn quốc gia Yasuni. Tuy nhiên, họ cho biết đã sử dụng chưa đến 80 ha.

Những giếng dầu thuộc ITT đã mang về 4,2 tỷ USD cho nhà nước. Hiện trữ lượng của ITT ước tính còn khoảng 282 triệu thùng, trong tổng số 1,2 tỷ.

Nếu trưng cầu dân ý đưa kết quả chấm dứt khai thác, Ecuador có nguy cơ đối mặt với thiệt hại rất lớn. Theo giám đốc của công ty, ông Ramon Correa, nhà nước có nguy cơ mất đi 16,47 tỷ USD trong 20 năm; phải từ bỏ những giếng dầu đang khai thác và khoản đầu tư đã đi vào giếng, chưa kể là thất nghiệp. Trong khi đó, "ITT là giếng dầu lớn thứ tư trong nước và có tuổi đời nhỏ nhất (mười năm)".

Thị trường sẽ có thêm 246.000 thùng dầu/ngày trong 2 năm nữaThị trường sẽ có thêm 246.000 thùng dầu/ngày trong 2 năm nữa
Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm trong bối cảnh giá dầu giảmTồn kho dầu thô của Mỹ giảm trong bối cảnh giá dầu giảm
Các chính sách dân tộc của Mexico đang bóp nghẹt lợi nhuận thương mại dầu mỏCác chính sách dân tộc của Mexico đang bóp nghẹt lợi nhuận thương mại dầu mỏ

Ngọc Duyên

AFP