Vì sao nhiều hãng xe vẫn thờ ơ với việc tham gia đăng kiểm xe?

13:56 | 03/07/2023

200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị định 30/2023/NĐ-CP đã mở cửa cho các đại lý, cơ sở bảo dưỡng ô tô được tham gia vào hoạt động đăng kiểm. Tuy nhiên, có vẻ đây không còn là “kênh đầu tư” hấp dẫn nên nhiều cơ sở vẫn đang khá thờ ơ, đứng ngoài cuộc quan sát.

Đột phá về chính sách

Đầu năm 2023, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành đăng kiểm bị bắt, bị khởi tố vì liên quan đến những sai phạm xảy ra tại các đơn vị đăng kiểm trên cả nước. Cùng với đó, danh sách những trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra cứ thế nối dài. Ngành đăng kiểm lập tức trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử với tình trạng quá tải kéo dài và trầm trọng chưa từng thấy.

Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra để “giải cứu” đăng kiểm, trong đó có giải pháp cho phép các cơ sở bảo dưỡng của những DN sản xuất ô tô được tham gia vào công tác đăng kiểm. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải đáng kể cho các trung tâm đăng kiểm. Vào thời điểm đó, nhiều cơ sở bảo dưỡng, bảo hành ô tô tỏ ra háo hức với viễn cảnh này.

Sau một thời gian chờ đợi, ý tưởng trên cũng được cụ thể hóa về mặt chủ trương khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Cụ thể, trong nghị định trên, bỏ nội dung đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ cho phép đại lý chính hãng của các hãng xe được mở trung tâm đăng kiểm. Thay đổi này nhằm huy động cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe.

Vì sao nhiều hãng xe vẫn thờ ơ với việc tham gia đăng kiểm xe?
Nhiều hãng xe vẫn chưa mặn mà với cơ hội được tham gia hoạt động đăng kiểm. Ảnh: Quý Nguyễn

Bên cạnh việc cho phép các đại lý ô tô, cơ sở bảo dưỡng được tham gia vào hoạt động đăng kiểm, Nghị định 30 cũng đưa ra nhiều quy định nhằm tránh những bất cập, tiêu cực có thể phát sinh. Điển hình nhất là quy định việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; đồng thời khi đến các cơ sở bảo dưỡng để kiểm định xe, chủ xe có quyền tự lựa chọn nơi đăng kiểm, bảo dưỡng xe và thay thế phụ tùng theo nhu cầu.

Sự ra đời của Nghị định 30 được đánh giá là một bước đột phá về chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để ngành đăng kiểm không chỉ vượt qua khó khăn hiện tại mà có thể xây dựng được lối đi mới cho riêng mình, vừa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, Nghị định số 30 quy định chặt chẽ hơn một số nội dung nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng công tác kiểm định, đồng thời huy động tối đa nguồn lực phục vụ kiểm định xe cơ giới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.

Kênh đầu tư không còn hấp dẫn

Dù mang theo nhiều kỳ vọng về một giải pháp mang đến sự đổi mới mạnh mẽ cho ngành đăng kiểm nhưng trên thực tế từ lúc ra đời đến nay, quy định trên lại chưa nhận được sự quan tâm nhiều của các hãng xe. Nhiều đại lý, cơ sở bão dưỡng ô tô hiện nay vẫn tỏ ra khá dè dặt trước quy định mới mà mới chỉ dừng lại ở việc “quan tâm” và “tiếp tục theo dõi xem như thế nào”.

Đại diện một đại lý Huyndai ở Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị định 30, các đại lý ô tô muốn tham gia vào hoạt động đăng kiểm phải đáp ứng được khá nhiều điều kiện về cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Đặc biệt, các đơn vị muốn được kiểm định xe cũng đòi hỏi có phần mềm để lấy dữ liệu từ ngành đăng kiểm để in tem, rà soát phí đường bộ. Toàn bộ hệ thống phải liên kết với nhau để tạo nên sự đồng bộ. “Muốn đáp ứng được đầy đủ những điều kiện này, các đại lý ô tô như chúng tôi cần phải có thời gian chuẩn bị” - vị đại diện này nói.

Cùng chung quan điểm trên, đại diện một gara ô tô ở khu vực Nam Từ Liêm cho rằng, để tham gia được vào hoạt động đăng kiểm, các cơ sở bảo dưỡng ô tô cần có một đội ngũ kỹ thuật cũng như trang bị cơ sở vật chất chuyên biệt để kiểm định xe. Muốn đáp ứng được những điều này cũng cần có thời gian.

Đặc biệt, vị đại diện này khẳng định kể cả khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về con người cũng như cơ sở vật chất thì các cơ sở bảo dưỡng ô tô vẫn cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời gian đầu thực hiện việc kiểm định xe: “Chúng tôi sẽ cần thời gian để chuẩn bị nhân lực, vật lực cũng như đào tạo cán bộ chuyên môn phục vụ cho việc tham gia vào hoạt động kiểm định xe. Tuy nhiên, kể cả khi đáp ứng được những điều này, thời gian đầu chúng tôi vẫn rất cần sự hỗ trợ từ Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm giúp anh em quen việc trước khi có thể tự mình đứng ra làm việc độc lập” - đại diện gara này cho hay.

TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho rằng, mặc dù ngành đăng kiểm đang trải qua giai đoạn khó khăn và khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử nhưng họ vẫn nên là cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm chính về hoạt động kiểm định xe cơ giới, thay vì trao quyền này cho các hãng xe.

“Ngành đăng kiểm có bề dày lịch sử gần 70 năm (được xây dựng và hình thành từ những năm 1954 - 1955). Hiện ngành đăng kiểm đã gây dựng được một lực lượng đăng kiểm bài bản, vừa giỏi chuyên môn, vừa chuẩn mực về đạo đức. Vậy thì việc gì phải bỏ cái nền tảng đã được xây dưng tốt như vậy để giao cho đơn vị khác” - TS Nguyễn Xuân Thủy nêu ý kiến.

Trong khi đó, nhìn từ góc độ kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Nghị định 30 đã mở cửa để các đại lý, cơ sở bảo dưỡng xe ô tô có thể giam gia vào hoạt động đăng kiểm nhưng trên thực tế để có thể đáp ứng đủ các điều kiện cho công tác này, các đơn vị trên cần phải đầu tư thêm rất nhiều.

Thêm vào đó, sau nhiều giải pháp tháo gỡ được triển khai trong thời gian qua, hiện tình trạng quá tải ở các trung tâm đăng kiểm đã được tháo gỡ, nhu cầu về dịch vụ này đã không còn quá lớn và căng thẳng như trước kia nên việc bỏ ra một khoản đầu tư lớn để tham gia vào hoạt động này sẽ không còn là ưu tiên của nhiều đại lý, cơ sở bảo dưỡng xe ô tô.

Khi làm kiểm định phương tiện, cần tuần thủ các yêu cầu về mặt bằng tối thiểu lên đến hàng nghìn mét vuông, có chỗ đỗ xe, đấu nối giao thông, sắp xếp lại nhà xưởng theo dây chuyền khép kín, rồi trang bị thêm thiết bị, phần mềm, đào tạo con người,... chừng đó thôi chắc chắn doanh nghiệp phải bỏ ra cả vài tỷ đồng. Tôi nghĩ tham gia đăng kiểm phù hợp với những đại lý lớn, có mặt bằng rộng và vị trí thuận lợi; hoặc các đơn vị quân đội, công an, đơn vị vận tải của Nhà nước có sẵn mặt bằng với chi phí thuê rẻ. Còn với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi thì rất ít người dám mạo hiểm đầu tư như thế.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiên Phong Dương Trung Kiên

Theo Kinh tế & Đô thị

Đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm ô tôĐề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm ô tô
Cho phép lực lượng công an, quân đội tham gia hỗ trợ đăng kiểmCho phép lực lượng công an, quân đội tham gia hỗ trợ đăng kiểm