Vì sao khó hợp tác công tư về y tế?

07:00 | 16/10/2019

774 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù đã được “mở đường” từ 10 năm trước và được xác định là giải pháp hiệu quả giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của các bệnh viện, nhưng hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế dường như vẫn là điều nan giải cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước có 240 bệnh viện tư, hơn 35.000 phòng khám tư cung cấp 31,2% dịch vụ ngoại trú và 6,3% dịch vụ nội trú. Ngoài ra, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã thành lập được hệ thống bệnh viện tư như Vinmec, Hoàn Mỹ, Hoa Lâm Shangri... Có thể nói những bệnh viện tư đã và đang giảm tải không ít cho các bệnh viện công, đặc biệt là tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Đã có 80% bệnh nhân được hỏi đã trả lời hài lòng với chất lượng dịch vụ sau một cuộc khảo sát của ngành y tế, cho thấy chất lượng điều trị, dịch vụ của các bệnh viện tư không hề thua kém bệnh viện công, thậm chí còn hơn nhiều về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật y tế... Vào một số bệnh viện tư ở Hà Nội, điều dễ nhận thấy là bệnh nhân như đi vào khu nghỉ dưỡng bởi sự sạch sẽ, thái độ nhẹ nhàng, tận tình của nhân viên y tế.

vi sao kho hop tac cong tu ve y te
Một bệnh viện do tư nhân đầu tư như nơi nghỉ dưỡng

Nói vậy để thấy, tư nhân đầu tư vào y tế theo hình thức PPP sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, điều trị của các bệnh viện và các bên từ nhà đầu tư, bác sĩ, bệnh nhân đều cùng có lợi.

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào y tế theo hình thức PPP. Tuy nhiên, có không ít nguyên nhân đã làm cản trở hoạt động này mặc dù từ 10 năm trước đã được Chính phủ “mở đường”.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nước ta mới có 73 dự án PPP về y tế, trong đó chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và 6 dự án mới triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư. Số dự án PPP được các nhà đầu tư quan tâm rất ít.

Ông Trần Duy Hưng, chuyên gia tư vấn của WB, phân tích: Môi trường đầu tư PPP về y tế của Việt Nam hiện nay gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước đồng thời không phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên do từ đâu? Đó chính là từ sự bị động của Nhà nước khi chuẩn bị dự án. Như tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Quảng Ninh, khi các nhà đầu tư vào khảo sát thì thấy mọi việc đều khả thi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp một số vấn đề trục trặc, cản ngại về tài sản Nhà nước như nhân lực, đất đai, giá trị thương hiệu...

Nguyên nhân thứ hai là sự không rõ ràng trong mô hình PPP về y tế, không rõ ràng ở ngay cả những khâu ban đầu như mục tiêu, chiến lược. Ông Hưng nói: “Mặc dù Nhà nước kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư tham gia, nhưng mục tiêu tiếp cận công bằng y tế không rõ ràng; trong quá trình hợp tác, không xác định được phần đóng góp của khối công lập; quá trình thẩm định PPP kéo dài, dẫn đến nhiều dự án nâng lên, đặt xuống, không hiệu quả. Kết cục, các dự án PPP nằm chết dí một chỗ”.

Bên cạnh đó, còn một sự không rõ ràng nữa là không có quy định rõ đối với hai hình thức bệnh viện công và bệnh viện PPP trong phạm vi dịch vụ, giá dịch vụ y tế, nhân lực y tế và đấu thầu thuốc. Không có hướng dẫn trong việc chuẩn bị và kiểm soát các dự án PPP về y tế, không có nguồn tài chính hỗ trợ, không có các quỹ chuẩn bị dự án, không có quỹ bù đắp thiếu hụt, không có bảo lãnh của Chính phủ...

Với những sự không rõ ràng đó, PPP về y tế, hay nói chính xác hơn là xã hội hóa y tế, mới chỉ dừng lại ở hình thức bệnh viện công tự đi vay tiền để đầu tư hoặc hợp tác với tư nhân theo hình thức hợp tác kinh doanh. Tính đến nay, các bệnh viện công đã vay khoảng 2 tỉ USD để thực hiện các dự án xã hội hóa.

Theo ông Trần Duy Hưng, còn một nguyên nhân nữa khiến Việt Nam không thể thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, hợp tác theo mô hình PPP chính là giá dịch vụ y tế của Việt Nam quá thấp. Về vấn đề này, các chuyên gia y tế cho rằng, giá dịch vụ y tế của các mô hình PPP phải dựa trên giá dịch vụ y tế công chứ không thể cao hơn, bởi cao hơn thì khó thu hút bệnh nhân. Vì vậy, ông Hưng nhận định: “Giá dịch vụ y tế của Việt Nam quá thấp chính là rào cản phát triển mô hình PPP hiện nay và vì điều này, WB sẽ đưa giá dịch vụ y tế vào thành một nội dung của cải cách ngành y tế”.

Ông David Ng, chuyên gia y tế về PPP của tổ chức KPMG Việt Nam, cho biết: Có 3 yếu tố không thể thiếu khi xem xét quyết định chọn hình thức PPP trong y tế, đó là tối ưu hóa đầu tư, tối ưu hóa hiệu quả và phân bổ rủi ro hợp lý. Trong đó, tối ưu hóa đầu tư là tối ưu hóa việc cung cấp cơ sở hạ tầng, cho phép Nhà nước thanh toán dựa trên hiệu suất công việc (KPI) trong suốt vòng đời dự án. Tối ưu hóa hiệu quả là dựa trên kinh nghiệm của tư nhân để tối ưu hóa chi phí nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Phân bổ rủi ro hợp lý là cả Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra.

Các chuyên gia y tế cho rằng, trước những bất hợp lý và những gì còn chưa rõ ràng, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh để có thể khuyến khích các nhà đầu tư tham gia PPP về y tế, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của WB, hiện nước ta mới có 73 dự án PPP về y tế, trong đó chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và 6 dự án mới triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư. Số dự án PPP được các nhà đầu tư quan tâm rất ít.

Nguyễn Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.