Vì sao điểm thi tăng vọt sau khi phúc khảo?

19:15 | 16/08/2015

1,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin điểm của thí sinh tăng lên tới 5,75 điểm sau khi phúc khảo đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về cách chấm thi, độ chính xác về điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia...

Trong khi kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận" thì thông tin từ một số trường rằng: Điểm thi của thí sinh đã tăng lên khá nhiều sau khi phúc khảo, đã khiến dư luận càng thêm ngán ngẩm.

Khó hiểu nhất là trường hợp của một thí sinh dự thi tại trường Đại học Sư Phạm TPHCM. Thí sinh này có số điểm phúc khảo môn Toán từ 1,75 lên tới 7,5. Nghĩa là số điểm chênh lệch so với ban đầu là 5,75 điểm.

Cũng tại trường này, có 41 thí sinh có điểm thi tăng sau phúc khảo từ 0,25 đến 5,75 điểm.

Vì sao điểm thi tăng vọt sau khi phúc khảo?
Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương (Ảnh: Tâm Ngọc)

Chưa hết, trường Đại học Sài Gòn có 18 bài thi được tăng điểm, với mức tăng cao nhất là 3,75 điểm. Lý do chủ yếu là bởi giáo viên chấm sót ý, quy trình nhập điểm và cộng điểm cho thí sinh bị sai.

Còn tại trường Đại học Quốc gia TP HCM có 41 trong số 655 bài thi chấm phúc khảo được điều chỉnh điểm.

Vậy, điều gì đã xảy ra trong khâu chấm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2015?

Còn nhớ, ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2015 kết thúc, hàng loạt lời khuyên của đại diện các trường đối với thí sinh rằng: Không nên xin phúc khảo điểm thi THPT Quốc gia bởi có phúc khảo cũng… vô ích.

Theo những ý kiến này thì khó có thể xảy ra sai sót trong khâu chấm điểm của kỳ thi THPT quốc gia. Vì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quy trình chấm thi THPT Quốc gia là giáo viên sẽ tiến hành chấm thi theo hai vòng độc lập.

Bài thi sẽ được chấm theo thang điểm 10, lấy thang điểm chính xác đến 0,25 và không quy tròn điểm. Trong quá trình chấm thi sẽ tiến hành chấm kiểm tra, đồng thời tăng cường thanh tra để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình chấm thi.

Trong trường hợp bài thi sau hai lần chấm bị chênh lệch, dù chỉ chênh lệch nhau từ 0,25 điểm trở lên thì cả 2 người chấm phải ngồi lại đối chiếu với bài thi để sao cho điểm của 2 người hoàn toàn giống nhau thì mới được chấp nhận.

Quy trình chặt chẽ là vậy, mà tại sao lại có sự chênh lệch “khủng” đến 5,75 điểm trong một bài thi?

Giữa lúc thí sinh và phụ huynh quá mệt mỏi trước những thay đổi trong kỳ thi mới thì thông tin này tiếp tục khiến họ phải đặt câu hỏi về độ chính xác, minh bạch trong khâu chấm thi.

Vì sao lại có sự chênh lệch điểm lớn như vậy? Có lẽ cần một giải thích từ Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Huyền Anh

Năng lượng Mới