Vì sao người Việt càng ngày càng mê tín?

07:10 | 27/02/2016

4,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày nay tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng hình ảnh người dân chen chúc, xô đẩy, trèo lên đầu cổ nhau để đi cầu cúng, dâng sao giải hạn… Thật phản cảm!

Đáng tiếc là hình ảnh này mỗi năm lại một nhiều hơn, cho thấy sự cuồng tín đang tăng lên đáng kể theo thời gian thay vì tín lễ theo đúng truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt xưa. Vì sao vậy?

vi sao cuong tin den the
Biển người đi lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh hôm Rằm tháng Giêng vừa qua

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đầu xuân đi lễ chùa cầu cúng tài, lộc, bình an là sinh hoạt tín ngưỡng hết sức bình thường của người dân. Ở lứa tuổi nào, theo tâm lý, nhu cầu thì cầu xin chú trọng theo lứa tuổi đó. Thế nhưng bây giờ, cầu cúng chẳng ra thể thống gì, tùy tiện, xúc phạm thần thánh, trần thế có gì cũng mang lên cúng thần phật cái đó theo quan niệm “trần sao âm vậy”. Cả tiền bạc, những thứ dùng để trao đi đổi lại trong đời sống cũng “dâng” thần thánh với hình thức cẩu thả, càng nhiều càng tốt vì “tốt lễ dễ kêu”, một quan niệm cực kỳ “buôn thần bán thánh”, phi tín ngưỡng đến mức không thể chấp nhận được.

GS.TS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Chẳng có hiện tượng nào tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi phải có nguyên do của nó”. Theo ông, trước hết là sự thiếu hiểu biết của người dân đã dẫn người ta tới “cuồng tín”. Mà sự thiếu hiểu biết này xuất phát từ chính các nhà quản lý văn hóa đã không tuyên truyền, vận động, khai sáng người dân, đặc biệt là sau khoảng 40 năm gián đoạn về sinh hoạt văn hóa tâm linh do quan niệm một chiều, đánh đồng: cứ cúng lễ, đi chùa chiền, thậm chí tham gia lễ hội cũng là mê tín dị đoan. Thời đó, ký ức của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó có tín ngưỡng như GS Thịnh còn hằn rõ lễ hội Đền Hùng còn bị “quy” là hoạt động mê tín dị đoan, phải bài trừ, không được tổ chức. Cùng với đó, một số đình đền còn bị hạn chế “phật tử” đến cúng lễ, kể cả dịp xuân sang. Nói chung, chùa chiền khoảng 40 năm trước như một thế giới phải tách biệt với đời sống của phần lớn người dân ngoại trừ các bậc tu hành.

Thế rồi quan niệm của các nhà quản lý thay đổi, nhìn nhận lại việc cầu cúng nơi đình đền, miếu mạo… là sinh hoạt văn hóa bình thường trong đời sống tâm linh nên hoạt động này được khuyến khích trở lại. Tuy nhiên, quá trình khuyến khích lại không có chiến lược, kế hoạch mang đậm bản sắc văn hóa dân gian vì vậy vô hình trung trở thành “gậy ông đập lưng ông” khi các phật tử ồ ạt, kéo nhau theo đám đông đi lễ lạt, tham gia lễ hội hoàn toàn theo… bản năng. Ngay cả cách tổ chức và phục hồi các lễ hội cũng vậy, rất bộc phát - kéo dài đến tận giờ.

Vậy là sau khi bị gián đoạn, các hoạt động tâm linh lại rầm rộ hơn trước cả về hình thức và nội dung, thể hiện rõ khi chịu tác động của xã hội, con người thời kỳ hiện đại với những thay đổi về các chân giá trị. Họ đề cao vật chất hơn tinh thần, sống gấp hơn lâu dài bền vững, “thượng tôn” các hoạt động mang nặng hình thức, phô trương hơn ý nghĩa, nhân văn… Nếu như trước đây, cúng lễ tại chùa chiền chỉ cầu “quốc thái dân an”, vạn sự hanh thông… thì nay cả những điều bất lương trong xã hội như hãm hại người, đánh lô đề… cũng mang ra để cầu xin mong sự “đồng lõa” từ thần thánh bằng cách độ trì “cầu được ước thấy”, nghĩa là những gì xấu xa nhất cũng được mang đến nơi thành kính nhất, linh thiêng nhất là chùa chiền để cầu cúng. Vì họ tin rằng thần thánh có khả năng biến không thành có. Một niềm tin mù quáng!

Nhưng suy đến cùng, khi những gì bất an đang diễn ra trong xã hội thì việc đặt niềm tin vào “thế lực siêu nhiên” cũng là điều dễ hiểu của con người. Bởi thực tế cuộc sống hiện tại đã chứng minh, ví như trong các mối quan hệ xã hội thì phải “nhất thân nhì quen”, “con ông cháu cha”, “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” v.v… và v.v… con người mới “toại nguyện như ý”.

Hay phũ phàng hơn thì như đúc kết tưởng chừng chỉ hài hước nhưng phần nào phản ánh hiện tượng rất thực tế trong xã hội “giàu thì nó ghét, đói rét nó khinh, thông minh nó tìm cách tiêu diệt” (chương trình “Táo quân” 2016), nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình đã giải thích rất đúng về sự cuồng tín: “Không chỉ vì ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín quá mong manh mà tôi khẳng định bây giờ mê tín dị đoan còn vì người ta mất lòng tin ở cuộc đời thực. Càng mất lòng tin vào thế giới này bao nhiêu họ càng thêm tin thế giới siêu thực kia bấy nhiêu. Tin quá mức thành mê tín, thế thôi. Khi người ta nuốt lấy từng lời, từng chữ của nhà sư… tự nhiên trở thành dị đoan. Và cái này là tự bản thân mỗi người, chứ chùa chiền, miếu mạo không biến họ thành như thế. Mà con người là “thành quả” của xã hội.

Vậy phải làm thế nào để “dẹp” mê tín dị đoan, dẹp sự cuồng tín của người dân hiện nay? GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, “thiếu đâu phải bù đấy”, vì vậy nhận thức của người dân chưa đầy đủ thì phải giúp họ có những kiến thức sâu sắc, tổng thể về lĩnh vực này bằng cách tuyên truyền giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng cách thể hiện phải sinh động, hấp dẫn để người dân tiếp cận và lĩnh hội một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, để hiệu quả nhanh và tốt hơn nữa, công tác quản lý phải thiết thực, bảo đảm chất lượng, tránh hiện tượng “cưỡi ngựa xem hoa”, gian dối…

Ông cũng nhận định rằng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có bộ tiêu chí đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian rất hay gồm 6 nội dung: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm; Quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng… Trong mỗi nội dung đánh giá lại có từng nội dung nhỏ để đánh giá theo từng thang điểm của Bộ. “Chỉ cần thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan theo các tiêu chí này là sinh hoạt văn hóa tâm linh sẽ dần ổn định”, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.

TS Trịnh Hòa Bình đề cao giải pháp “pháp trị” bởi sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng là một hoạt động trong xã hội gồm nhiều thành phần tham gia. Ông nói: “Phải xác định rõ rằng, tôn giáo tồn tại như một hiện tượng có thực và thậm chí nó đang ngày một phát triển chứ không có chuyện tiêu vong. Chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của nó trong đời sống tinh thần, tình cảm thậm chí là đời sống kinh tế của xã hội hiện nay để nó hoạt động lành mạnh hơn, góp phần tham gia vào guồng máy hành tiến xã hội nên phải buộc lòng luật hóa những phạm vi hoạt động của nó để quản lý”.

Cúng sao, giải hạn không phải xuất phát từ Phật giáo. Trong kinh Phật không dạy cúng sao, giải hạn. Đây là một trong những tục bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Giáo hội Phật giáo không cấm cúng sao, giải hạn nhưng khuyến khích các chùa nên tổ chức Pháp hội tụng kinh Dược Sư cầu an đầu năm cho Phật tử, cầu nguyện có đầy đủ sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mọi người đều an lạc. Tôi xin lưu ý các chùa đừng lợi dụng Pháp hội Dược Sư như là hình thức cúng sao hội làm cho Phật tử, người dân thêm lo âu. Chùa nào tụng kinh Dược Sư mà lại còn thực hiện “cúng sao” thì đó là việc mê tín. Chùa mà thực hiện những điều mê tín là có tính chất để kiếm tiền. Trong lúc đó, đáng ra quý Tăng Ni ở chùa phải biết khuyên Phật tử đi chùa lạy Phật, tụng kinh cầu an cho tâm mình an vui, thanh tịnh…

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

P.V

Năng lượng Mới số 500