Vì sao CSGT lại "thương lượng" trong vụ "quay lén, tống tiền"?

07:00 | 19/02/2016

11,812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Không có chuyện CSGT lại phải đưa tiền cho người dân. Phải có lý do tiêu cực nào đó thì mới có việc thương lượng nhằm che đậy hành vi sai trái”, LS Nguyễn Hoàng Tiến nêu quan điểm.
Quay lén CSGT xử phạt rồi tống tiền

Mới đây, vụ việc Chu Hữu Thắng (51 tuổi, trú tại khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) bị bắt về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” đã gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận. Ngoài việc phê phán hành vi phạm tội của đối tượng thì không ít người cũng bức xúc cho biết cần làm rõ hành vi của chiến sỹ CSGT.

Để rộng đường dư luận, PV báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng kỷ luật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

vi sao csgt lai thuong luong tien voi nguoi dan

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Chia sẻ về vụ việc này, LS Tiến nêu quan điểm: “Không có chuyện CSGT lại phải đưa tiền cho người dân. Nếu có chuyện đưa tiền thật phải có lý do nào đó nhằm che đậy hành vi không đúng đắn. Chưa kể đến việc chiến sỹ CSGT này còn tiến hành thương lượng số tiền với người dân kia là không đúng”.

“Trong trường hợp này cần làm rõ mục đích của hành vi thương lượng tiền của chiến sỹ CSGT là gì?  Sai phạm ở mức độ nào phải được làm rõ ra. Đương nhiên, sau vụ việc này không chỉ là thu hồi lại số tiền nói trên mà còn phải điều tra, xử lý hành vi của chiến sỹ CSGT đã đưa tiền. Nghiêm trọng hơn có thể xử lý hình sự bởi đây là dấu hiệu của việc gài bẫy cho người khác phạm tội”.

Cũng theo LS Tiến, hành vi đưa tiền của chiến sỹ CSGT có dấu hiệu của hành vi mua chuộc người dân. Trong trường hợp này, người dân không có quyền nên đây không thể xem là hành vi hối lộ hay đưa hối lộ được. Vì vậy, có thể xét thấy hành vi của chiến sỹ CSGT để mua chuộc để người dân đó không tố cáo, khiếu nại về việc làm sai của mình. Chính vì vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ sai phạm của chiến sỹ CSGT nói trên.

Trước đó, ngày 18/2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội vừa thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với đối tượng Chu Hữu Thắng (51 tuổi, trú tại khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

vi sao csgt lai thuong luong tien voi nguoi dan

Đối tượng Chu Hữu Thắng tại cơ quan công an.

Theo tài liệu điều tra, tháng 1/2016, một chiến sĩ CSGT thuộc Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT TP Hà Nội) bị một đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin đe dọa tống tiền. Đồng thời, đối tượng này cũng cho chiến sĩ CSGT một 1 phong bì bên trong có 1 thẻ nhớ và 1 bức thư với nội dung nếu không liên lạc lại sẽ phát tán và gửi đến các lãnh đạo.

Nội dung chứa trong thẻ nhớ ghi lại một người đàn ông mặc sắc phục CSGT, đang làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong bục làm việc của CSGT.

Theo yêu cầu của đối tượng này, các cán bộ, chiến sĩ CSGT phải chuyển khoản số tiền 300 triệu đồng cho đối tượng để đối tượng bỏ qua, không quấy rối nữa.

Đến ngày 20/1/2016, một chiến sĩ CSGT khác của Đội CSGT số 3 cũng nhận được một phong bì bên trong có chứa 1 thẻ nhớ và 1 bức thư có nội dung giống như lần trước. Chiến sĩ này liên lạc với đối tượng thì đối tượng yêu cầu phải chi 50 triệu đồng để được “bỏ qua”.

Vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Nội làm rõ đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản CSGT chính là Chu Hữu Thắng, một người làm nghề lái xe ô tô tự do.

Khi đối tượng Thắng đang ra ngân hàng rút tiền đã bị lực lượng Công an bắt quả tang. Kiểm tra trên người Thắng, lực lượng Công an thu giữ 1 điện thoại di động, 1 sim điện thoại dùng để đe dọa lực lượng CSGT, 1 thẻ ngân hàng mang tên Dương Minh Sơn, 1 biên lai giao dịch ATM, 1 biên lai giao dịch ATM ngày 17/2/2016 có rút số tiền 5 triệu đồng, cùng 5 triệu đồng tiền mặt mệnh giá 500.000 đồng.

Quang Chiến - Thảo Phượng