Vì một Việt Nam không còn bệnh lao

15:39 | 21/03/2012

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Ngày 21/3, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao (24/3) với chủ đề “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”.

Đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 22 nước mà bệnh lao là gánh nặng quốc gia. Mỗi năm ước tính có khoảng 180.000 bệnh nhân mắc bệnh lao mới và 29.000 ca tử vong do bệnh lao.

Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, bệnh lao có xu hướng giảm nhưng tốc độ còn chậm, ước tính không quá 4%/năm, đặc biệt bệnh lao trên người nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng.

Việt Nam đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 sẽ giảm 50% số bệnh nhân mắc lao so với ước tính năm 2000, đồng thời khống chế tỉ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc bằng mức năm 2010, và đến năm 2030, Việt Nam cơ bản sẽ thanh toán được bệnh lao.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo lắng rằng, làm sao thực hiện được mục tiêu trên trong khi trước mắt còn rất nhiều khó khăn thách thức như: thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao do nguy cơ lây nhiễm cao và thu nhập thấp; nhiều cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo, người dân có thói quen tự chữa bệnh không cần thầy thuốc…

Thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao do nguy cơ lây nhiễm cao

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là làm sao hỗ trợ, đảm bảo cho người mắc lao là đối tượng khó khăn về kinh tế, gia cảnh neo đơn được điều trị lao đúng, đủ, đều đặn. Phần lớn bệnh nhân lao bỏ trị thậm chí là người mắc lao đa kháng thuốc từ chối điều trị mặc dù thuốc được cung cấp miễn phí nằm trong hoàn cảnh này.

Ths Bs Nguyễn Huy Dũng – Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Chương trình chống lao TP HCM cho rằng: Trong những năm qua, nhằm tăng cường khả năng quản lý người mắc bệnh lao trên địa bàn thành phố, thành phố đã đưa ra biện pháp phối hợp hoạt động giữa chương trình phòng chống lao với các hội đoàn như: Hội hành nghề y tư nhân, các bệnh viện công – tư, tổ chức PATH… Tuy nhiên, việc thực hiện không đạt được hiệu quả. Đến nay, chỉ có 38/68 bệnh viện công lập tuyến trung ương ở thành phố đồng ý tham gia và chưa có bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân nào tham gia.

Hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao 24/3, Chương trình chống lao thành phố kêu gọi tất cả các cá nhân, hội đoàn chung tay hỗ trợ hoạt động chống lao, không giới hạn ở hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe mà phát triển qua những hoạt động hướng đến hỗ trợ những người mắc lao cô đơn, gia cảnh khó khăn trong xã hội để họ được điều trị tối ưu. Đó là cách tốt nhất để mang đến một Việt Nam không còn bệnh lao cho thế hệ mai sau.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc