Về tên chính thức và bìa trong của Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (Kỳ 2)

07:00 | 03/08/2016

|
Vậy tại sao thư viện Bồ Đào Nha, Pháp và Bayern lại ghi sai như đã thấy? Nguyên nhân sâu xa là từ bìa  1651 còn nguyên nhân trực tiếp là do sự nhầm lẫn của nhân viên thư viện.

Trên bìa 1651, bên trên con dấu tròn, ta thấy có dòng chữ “E’ Societate IESV, eiusdemque Sacræ Congre-”. Chữ thứ năm hẳn hoi là “Sacræ”, trong đó “-æ” là biến tố của sinh cách. Ngặt một nỗi, trên bìa 1651, chữ “a” và chữ “e” trong “æ” lại ríu vào nhau hơi nhiều nên thoáng nhìn thì người ta có thể tưởng đó là chữ “a” nên mới thành ra “Sacra Congregationis”, tức là một tính từ danh cách (Sacra) mà lại cặp đôi với một danh từ sinh cách (Congregationis). Người Pháp thường gọi “Æ, æ” là “a e lié[e]s” (a và e dính liền) nhưng còn gọi đó là “e dans l’a” (e trong chữ a). Vì cái chuyện “e dans l’a” này nên mới sinh ra cái sự “sacræ” thành “sacra” chăng? Đây là một sự trật đường rầy, nghĩa là sai ngữ pháp. Nhưng nó vẫn tồn tại trong Thư viện Quốc gia của Bồ Đào Nha, của Pháp và của Bayern.

Bây giờ xin nói về bìa 1991. Kiểu chữ của bìa này hoàn toàn khác kiểu chữ của bìa 1651 (xin xem ảnh đối chiếu). Đây là điểm thứ nhất. Rồi điểm thứ hai là bìa 1991 có ba cái sai, làm cho từ, ngữ trở nên vô nghĩa. Một là cái chữ “Sacræ”, bị nhân viên thư viện quốc gia của Bồ Đào Nha, của Pháp và của Bayern biến thành “Sacra”, thì trên bìa 1991 lại bị trẹo thành “Satre”, không biết có nghĩa trời ơi đất hỡi gì ở đây! Hai là chữ “Apostolico” bị in thành “Aposlolico” (t biến thành l). Ba là tại dòng cuối thứ hai từ dưới lên của bìa này, chữ “eiusdem”, rất đúng trên bìa 1651, đã bị in thành “eipsdem”, cũng không biết có nghĩa gì! Điểm thứ ba, cũng rất kỳ bí, thì liên quan đến con dấu tròn và to ở giữa phần dưới của bìa 1991. Đây là một con dấu của Thánh bộ Truyền bá Đức tin, chung quanh có những chữ “Evntes in vniversvm mvndvm, prædicate evang[elivm] omni creat[vræ]”, lấy từ chương XVI của sách Marc, có nghĩa là “Hãy đi khắp hoàn cầu (và) rao giảng Phúc âm cho mọi sinh linh”. Liền kề ngay bên phải của con dấu này (sẽ gọi là dấu tròn) và hơi nhích về phía dưới là một con dấu hình chữ nhật bốn gốc được bo tròn (sẽ gọi là dấu chữ nhật) mà phía trên có mấy chữ “HU TIỀN QUỐC GIA” (chữ H đã bị che mất gạch đứng bên trái) và phía dưới là con số “1 1 2 3”. Theo lẽ thường, con dấu tròn của Thánh bộ là con dấu có trước, con dấu chữ nhật phải là con dấu đóng sau và chồng lên con dấu tròn. Đằng này, con dấu tròn lại chồng lên con dấu chữ nhật, làm mất đi một góc bên trái của nó. Thế là thế nào? Chúng tôi đành phải dành câu trả lời cho những người làm sách.

A.C

Năng lượng Mới số 545