Vào TPP: Nông nghiệp sẽ dễ bị tổn thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở chính cách vận hành nền nông nghiệp của chúng ta: đó là quy mô nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp và hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn khẳng định: Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội lớn để phát triển, thu hút vốn FDI, cải cách thể chế... nhưng cũng mang lại những thách thức không hề nhỏ.
Về cơ bản chúng ta chưa thể thoát khỏi tình trạng bấp bênh trong suốt nhiều năm qua. 30 năm đổi mới nông nghiệp, nông thôn đã không tạo ra được bước đột phá nào đáng kể.
Nhìn vào bảng số liệu xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương cung cấp đến tháng 10/2013 thì thấy một thực tế đáng lo ngại: khối lượng và giá trị xuất khẩu các ngành chủ lực như gạo, cà phê sụt giảm nghiêm trọng. Cá biệt như tổng giá trị xuất khẩu cà phê giảm tới gần 700 triệu USD (sấp xỉ 25%) nếu so với cùng kỳ 2012. Báo cáo thống kê của Tổng Cục Hải quan càng báo động hơn: xuất khẩu nông nghiệp giảm tới 1,6 tỉ USD so với 2012.
Nông nghiệp đang đứng trước thử thách vô cùng khó khăn
Chúng ta nói nhiều về những “thế mạnh” của nông nghiệp Việt Nam nhưng chưa hề có biện pháp nào hữu hiệu để phát huy những thế mạnh này, thậm chí còn làm “thui chột” đi. Hãy nhìn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên. Một nơi đóng góp tới 34% giá trị sản xuất nông nghiệp, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 50% diện tích sản xuất lúa gạo; một nơi cung cấp 90% sản lượng cà phê và là vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Với vai trò quan trọng như vậy nhưng trong những năm qua, đầu tư vào 2 khu vực này đã bị bỏ ngỏ: vốn FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 7% và Tây Nguyên vỏn vẹn có 1% trong cả nước. Đáng buồn hơn, theo số liệu tính toán, FDI lại chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp chế tạo (48%), bất động sản (24%), lưu trú ăn uống (5%), nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng vốn FDI hàng năm.
Đầu tư thiếu chiều sâu chắc chắn sẽ khiến nông nghiệp Việt Nam nói chung gặp nhiều khó khăn trong năm 2014. Khi TPP được ký kết, các hiệp định thương mại song phương có hiệu lực, rất nhiều ngành hàng nông nghiệp có thể bị đánh bật ngay trên sân nhà. Đầu tiên là sản phẩm chăn nuôi như các loại thịt, trứng – trong thời điểm hiện tại đã gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản: do thiếu vốn nên các doanh nghiệp Việt Nam khó lòng cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI và thương lai Trung Quốc mạnh tay thu mua nguồn cung giá rẻ.
Bảo Sơn
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay bật tăng
-
Giá vàng hôm nay (12/5): Tiếp tục duy trì ở mức cao
-
Giá dầu hôm nay (12/5): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/5: Nord Stream 2 trước những biến động mới
-
Thống nhất thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí