Vẫn lúng túng việc “bỏ chấm điểm lớp 1”

10:28 | 18/10/2013

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù nhận được sự đồng tình từ phía các chuyên gia và lãnh đạo các Sở GD-ĐT, nhưng hiện tại việc triển khai bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 vẫn gặp nhiều lúng túng vì thiếu những hướng dẫn cụ thể.

Lúng túng chờ hướng dẫn

Đầu năm học, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5478/BGDĐT - GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành ngày 8/8/2013, “đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, không được so sánh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Tuy nhiên Thông tư 32/2009 của bộ quy định việc đánh giá xếp loại học sinh thông qua điểm số kết hợp với nhận xét vẫn tồn tại, điều này khiến cả nhà trường và phụ huynh đều thấy lúng túng.

Việc bỏ chấm điểm có thể khiến trẻ kém hào hứng khi đến trường.

Chị Nguyễn Thúy Ngọc có con đang học trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Vì không có nhiều thời gian nên việc cô chấm điểm cho con là cần thiết, nhìn vào đó có hướng giúp con học tốt hơn. Chứ thay chấm điểm bằng nhận xét khá chung chung như tốt, khá, cần cố gắng. Hay quá cụ thể như nét chữ phải kéo lên, móc xuống, độ rộng như thế nào khiến phụ huynh càng thêm rối bời, lo lắng”.

Cô Trần Thị Minh Châu, chủ nhiệm lớp 1E, trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) bổ sung: “Đối với trẻ vào mới vào lớp 1, nhiều em đâu đã biết đọc chữ. Cô chỉ nhận xét mà không cho điểm khiến trẻ kém hào hứng, không phấn khích mỗi ngày đến trường”.

Trước tình trạng này, ông Phạm Xuân Tiến (Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng nhận định: “Giáo viên phải viết nhận xét hàng ngày cho 40-50 học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian và lời nhận xét cho học sinh tương đương với 9, 10 điểm là “cô khen, con làm rất tốt, con viết rất đẹp... Còn với học sinh thường được 5, 6 là “con cần cố gắng, con cố lên nhé”... Còn với học sinh được 2, 3 điểm “con viết còn chưa đẹp, chữ con viết chưa đều”... Việc lặp lại những nhận xét như vậy học sinh có đọc được cũng thấy nhàm chứ chưa nói gì bố mẹ các cháu”.

Chỉ trông chờ vào nhận xét của giáo viên

Mặc dù ủng hộ việc không nên tạo áp lực cho các con ngay từ khi mới đi học lớp 1, tuy nhiên nhiều phụ huynh rất băn khoăn và lo lắng với chủ trương bỏ chấm điểm. Lần đầu tiên có con vào lớp 1, không chỉ con phải làm quen với trường học mà cả phụ huynh cũng đang học cách song hành cùng với con trong đoạn đường mới mẻ này.

Chị Lê Thị Hiền có con học ở trường Tiểu học Mai Dịch chia sẻ: “Cháu là con đầu lòng, tôi cũng chưa có kinh nghiệm về việc học ở trường lớp. Tất cả chỉ dựa vào điểm số để xem xét lực học của con mà hướng dẫn thêm. Giờ mà trường không chấm điểm thì phụ huynh chúng tôi biết căn cứ vào đâu mà cũng cố kiến thức cho con”.

Chị nói: "Với cách làm này giáo viên phải thực sự là người có tâm huyết, nhiệt tình mới cáng đáng được." Vì lớp gần 60 cháu, cô chấm chữa trực tiếp trên các lỗi sai của trò sẽ mất nhiều thời gian hơn việc chỉ chấm điểm, cho nhận xét bên cạnh.

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết Sở GD-ĐT đang soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng trường.

Sau một tháng triển khai, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn cô cho điểm số cho con. Cũng có phụ huynh chia sẻ: "Việc cho điểm số cụ thể trẻ có động lực hơn khi nhìn điểm số thay vì nhìn những dòng chữ nhận xét mà có khi các cháu chưa biết đọc".

Hơn nữa, theo chỉ đạo nhận xét phải ngắn gọn mang tính chất động viên và thường khá chung chung. Với phụ huynh, nhận xét ấy khiến họ có phần hoang mang lo lắng nên phải ngồi trao đổi, hỏi han giáo viên nhiều hơn.

Bên cạnh đó, việc không cho điểm tức không gây áp lực nhưng đồng thời không tạo cho trẻ sự phấn khích cũng như tác dụng rèn ý thức, nề nếp học tập.

Không chấm điểm cho học sinh lớp 1, phụ huynh chỉ trông chờ vào nhận xét của cô giáo. Tuy nhiên, việc tăng cường nhận xét của giáo viên ở lớp cũng không được Bộ GD-ĐT đề cập cụ thể về tần suất. Thông thường, bố mẹ nhận được bản nhận xét của giáo viên vào cuối mỗi kỳ học, khi họp phụ huynh. Nhận xét của giáo viên tập trung vào hạnh kiểm, học lực, tình hình sinh hoạt và tính cách của từng em. Tuy nhiên, một năm chỉ có hai lần nhận xét thì phụ huynh cũng khó điều chỉnh và theo sát con.

Ngoài ra, nếu không chấm điểm hằng ngày, giáo viên chỉ căn cứ vào lần kiểm tra cuối năm để đánh giá học lực của các em. Các em không được làm quen với thi cử trong quá trình học nhưng lần thi đầu tiên lại buộc phải lấy điểm làm căn cứ quyết định học lực cả một năm học. Như vậy sẽ tạo ra sự không công bằng cho những học sinh lớp 1.

Trước băn khoăn của phụ huynh và giáo viên, ông Phạm Xuân Tiến cho biết: “Trên lớp cô có thể nhận xét chung và nhấn mạnh những lỗi hoặc sai lầm mà các em dễ mắc phải và biểu dương những bài làm tốt và cũng cần khen những học sinh nào có tiến bộ, lưu ý không phê bình học sinh và so sánh học sinh này với học sinh khác.

Hiện nay chúng tôi đang soạn thảo văn bản để thống nhất trong các trường trên địa bàn thành phố và sẽ triển khai sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi dự kiến có 2 phương án: hoặc chỉ đánh giá bằng điểm số ở các bài kiểm tra định kỳ cuối mỗi kỳ (có 2 đầu điểm) đánh giá bằng điểm số ở các bài kiểm tra định kỳ (có 4 đầu điểm)”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.