Vẫn lo cho lưới điện quốc gia

16:02 | 09/12/2013

748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, liên tục, trong những năm qua Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đã đề ra rất nhiều giải pháp, chủ trương nhằm hỗ trợ các đơn vị vận hành giảm thiểu rủi ro cho hệ thống lưới điện truyền tải (LĐTT). Tuy nhiên, có một thực tế, ý thức bảo vệ hành lang an toàn LĐTT của người dân tại nhiều địa phương còn rất hạn chế, đe dọa an toàn LĐTT. Và để chấm dứt tình trạng này, ngành điện rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Điện lực Bình Phước khổ vì cây cao su

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Đặng Xuân Trường - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết: Hiện nay, Điện lực Bình Phước đang quản lý, vận hành 2.909km đường dây trung áp và 3.047km đường dây hạ áp. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh Bình Phước, sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, lũy kế 9 tháng năm 2013 tăng 18,27% so với cùng kỳ năm 2012, với 205.464 khách hàng.

Và để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự nỗ lực của Công ty Điện lực Bình Phước, cùng sự phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Vi phạm an toàn lưới điện vẫn diễn ra rất phổ biến

Tuy nhiên, theo ông Trường thì thời gian gần đây, vấn đề an toàn lưới điện lại đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, 9 tháng năm 2013, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra 24 vụ sự cố lưới điện trung áp do vi phạm hành lang lưới điện, nhiều vụ gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới 150.584 khách hàng. Và theo ghi nhận của Điện lực Bình Phước, việc mất điện đã gây những thiệt hại không hề nhỏ như: Nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động, công nhân phải nghỉ chờ việc; nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, đặc biệt là các dây chuyền xay đã bị kẹt cứng, dẫn tới hư hỏng... Cũng theo ông Trường thì nguyên nhân gây lên những sự cố trên chủ yếu là do cây ngã vào lưới điện, người dân không đăng ký với đơn vị quản lý vận hành, tự ý chặt cây ngã vào lưới điện.

Một thống kê khác của Điện lực Bình Dương cho thấy, tính đến hết tháng 9/2013, tổng số cây cao su vi phạm nằm trong hành lang an toàn lưới điện là 13.893 cây, ngoài hành lang an toàn lưới điện là 176.247 cây... trên tổng số chiều dài đường dây là 538,77km. Tình trạng này đã được Điện lực Bình Phước cải thiện nhiều, nhưng theo đánh giá chung thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là từ phía người dân khi đa phần các hộ chỉ cho ngành điện phát các cành nhỏ và nếu có cho chặt thì đều yêu cầu đền bù, gây khó khăn.

“Cây cao su thường có chiều cao 15-17m, vào mùa mưa, cây phát triển rất nhanh, nếu không phát quang kịp thời, chỉ cần gió to sẽ làm cây va quệt, ngã đổ vào lưới điện, gây mất điện trên diện rộng và rất nguy hiểm cho người dân khi đi cạo mủ” - ông Trường đề cập.

Từ thực tế trên, Điện lực Bình Phước rất mong chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương thu hồi diện tích đất có cây cao su vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao cấp khi các công ty cao su trên địa bản tỉnh thanh lý cây cao su già. Qua đó chấm dứt tình trạng sau khi thanh lý cây cao su, nhiều công ty lại trồng gần hành lang an toàn lưới điện cao áp, làm tình trạng vi phạm an toàn lưới điện vốn đã phức tạp lại trở nên nghiêm trọng hơn.

Cần sự vào cuộc của xã hội

Như đã đề cập ở trên, mất an toàn lưới điện truyền tải đang là một thách thức lớn đối với ngành điện tại nhiều địa phương và dù Chính phủ cũng đã ban hành các chế tài xử phạt hết sức cụ thể nhưng tình trạng này vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp. Và theo đại diện của EVN NPT, trong khi kinh phí đầu tư một nhà máy điện cỡ nhỏ lên tới hàng ngàn tỉ đồng thì kinh phí vận hàng, bảo dưỡng và duy trì ổn định đường dây cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một chiếc tàu cá vô tình húc phải trạm điện hay một chiếc xe chở cồng kềnh va phải đường dây... cũng có thể gây thiệt hại cả tỉ đồng.

Đưa ví dụ cụ thể về vấn đề này, đại diện EVN NPT cho biết: Đầu năm nay, chiếc tàu chở khí của Công ty TNHH Bạch Đằng khi đi qua khu vực Hải Phòng có đường cáp ngầm thì chết máy. Chủ thuyền thả neo khẩn cấp đúng vào vị trí đường cáp ngầm, gây sự cố và đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc EVN NPT cho biết: Những vụ sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện để lại những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống tinh thần và cả tính mạng của người dân. Về kinh tế xã hội làm tê liệt, gián đoạn hoạt động sản xuất của hầu hết các ngành nghề, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… Chính vì vậy, ngành điện rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng các cấp tại địa phương.

Với riêng EVN NPT, tổng công ty đã định hướng các công ty truyền tải điện 1, 2, 3, 4 phải tăng cường công tác kiểm định kỳ ngày, kiểm tra định kỳ đêm, kiểm tra đột xuất và các công tác kiểm tra khác, qua đó sớm phát hiện các vi phạm, nguy cơ vi phạm để kịp thời ngăn ngừa, xử lý theo quy định; chủ động kết hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền mang tính liên tục, hiệu quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các biện pháp tuyên truyền về hành lang an toàn lưới điện đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khuyến cáo, đề nghị tổ chức, cá nhân chuyển mục đích canh tác sang trồng cây ngắn ngày, độ cao thấp bên ngoài hành lang.

Công tác này được EVN NPT yêu cầu các đơn vị thực hiện liên tục, kiên trì xử lý các hành vi phá hoại, vi phạm hành lang lưới điện cao áp.

Thanh Ngọc

  • el-2024