Vai trò nhập khẩu LNG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Kỳ I)

10:07 | 14/07/2024

27,798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khi tỷ lệ nhu cầu khu vực của các nhà nhập khẩu LNG truyền thống ví dự như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc, dự báo sẽ giảm dần về mặt lâu dài, thì các khu vực Nam Á và Đông Nam Á lại được dự báo sẽ gia tăng đóng góp của họ đối với LNG, giúp trở thành khối nhu cầu dài hạn lớn nhất của khu vực. Trung Quốc được dự báo là thị trường quốc gia tăng trưởng lớn nhất đối với LNG.
Vai trò nhập khẩu LNG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Kỳ I)
Ảnh minh họa

Lời dẫn: Trong phạm vi bài viết này, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả chuỗi bài phân tích đánh giá của chuyên gia phân tích kinh tế năng lượng thuộc Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (Gas Exporting Countries Forum-GECF) phát hành trong tháng 6 vừa qua về vai trò nhập khẩu LNG ngày càng gia tăng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, để tham khảo.

*****

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương: Thu hẹp khoảng cách cung-cầu

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện đang phát triển nhanh chóng và được dự báo ​​ sẽ cần tăng thêm 30% năng lượng (2050) so với mức năm 2022. Hiện GDP của cả khu vực này được dự báo cũng sẽ tăng gấp ba lần, chiếm một nửa quy mô kinh tế thế giới vào giữa thế kỷ này. Ngoài ra, gần một nửa dân số toàn cầu (4,8 tỷ người) cũng được dự báo ​​sẽ sinh sống tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (2050). Tất cả sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy sẽ giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người dân khác trong khu vực này. Trong bối cảnh đó, khí đốt tự nhiên đã trở nên nổi bật như một nhân tố quan trọng trong chính sách chuyển đổi năng lượng của nhiều nước châu Á hiện đang kêu gọi cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Hiện nhu cầu về khí đốt tự nhiên của khu vực được dự báo sẽ tăng 78% để đạt 1.590 bcm (2050). Tỷ trọng khí đốt tự nhiên của Châu Á-Thái Bình Dương trong tổng cơ cấu năng lượng của khu vực được dự báo ​​sẽ tăng từ 11% (2022) lên hơn 16% (2050). Việc đẩy mạnh điện khí hóa và chuyển đổi than sang khí đốt tự nhiên là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, sản xuất điện được dự báo sẽ dẫn đầu, chiếm 47% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng lên. Quá trình loại bỏ carbon trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ở Trung Quốc, và nhu cầu ngày càng gia tăng về khí đốt tự nhiên như một nguồn năng lượng dự phòng cho việc sản xuất năng lượng tái tạo không liên tục cũng là những động lực hết sức quan trọng.

Hơn thế nữa, khí đốt tự nhiên rất quan trọng trong khu vực dân cư để sưởi ấm tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bất chấp xu hướng tăng trưởng nhất quán trong sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước từ năm 2022 đến năm 2050, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể về tỷ trọng trong tổng sản lượng khí đốt tự nhiên (2050). Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện còn đang phải đối mặt với sự mất cân đối ngày càng tăng giữa nhu cầu khí đốt tự nhiên và sản xuất trong nước. Mặc dù sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước được dự báo cũng sẽ gia tăng song sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại khu vực này. Sự thiếu hụt nguồn cung này được thúc đẩy bởi cả nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên không đủ và căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng, tất cả đều đang nhanh chóng làm gia tăng khoảng cách giữa cung và cầu. Do đó, sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của khu vực này cũng ngày càng tăng lên, điều này đặt ra sự phụ thuộc nặng nề hơn nữa vào giao dịch thương mại khí đốt tự nhiên giữa các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, sự phụ thuộc ngày càng gia tăng này đã khiến một số quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt với những cú sốc về nguồn cung bên ngoài khu vực, điều này cũng khiến an ninh khí đốt tự nhiên của họ càng dễ bị tổn thương hơn.

Sự cân xứng giữa nhập khẩu ròng qua hệ thống đường ống kết hợp và nhập khẩu ròng LNG trong tổng nguồn cung khí đốt tự nhiên tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự báo ​​sẽ vượt quá 50% (2050), trong đó, sự đóng góp của nhập khẩu ròng qua đường ống đưa vào nguồn cung khí đốt tự nhiên trong khu vực được dự báo ​​sẽ tăng từ 6% (2022), tăng lên 9% (2050) với mức tăng 3 điểm phần trăm. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu ròng LNG được dự báo cũng sẽ tăng 2,4 lần, tăng vọt lên 44% tổng nguồn cung khí đốt tự nhiên của khu vực (2050).

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ vẫn là trung tâm lớn nhất về nhu cầu LNG và là điểm đến chính của nhập khẩu LNG cho đến năm 2050. Đến năm 2050, khoảng 3/4 tổng giao dịch LNG toàn cầu sẽ đến từ riêng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 2022-2050, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo cũng sẽ chiếm phần lớn mức tăng nhập khẩu LNG toàn cầu là trên 80%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ định hình tương lai của thị trường khí đốt tự nhiên và LNG toàn cầu. Hiện nhu cầu LNG tại châu Á tính riêng cũng đang phát triển được dự báo ​​sẽ phục hồi mạnh mẽ do nguồn cung LNG tăng và giá điều tiết trong ngắn hạn và trung hạn.

Hiện tại, câu chuyện về nhu cầu LNG ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là một trong số những câu chuyện khác biệt trong khu vực. Trung Quốc, các khu vực Đông Nam Á và Nam Á được dự báo ​​cũng sẽ là những cường quốc tăng trưởng nhu cầu về LNG. Hiện các nền kinh tế đều đang phát triển một cách nhanh chóng, quá trình đô thị hóa và nhu cầu ngày càng tăng về các nguồn năng lượng sạch hơn đều sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ LNG gia tăng đáng kể trong trung và dài hạn. Sự gia tăng này sẽ là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu LNG tổng thể ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ngược lại, nhu cầu LNG ở khu vực Đông Bắc Á lại được dự báo sẽ ổn định và có khả năng giảm sau năm 2030. Hiện những thị trường lâu đời này đã có cơ sở hạ tầng LNG quan trọng và được dự báo ​​sẽ ưu tiên cho các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng dài hạn của họ.

Khu vực Đông Bắc Á: Nhập khẩu LNG có xu hướng giảm

Hiện khí đốt tự nhiên là một thành phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của khu vực Đông Bắc Á (NEA) hay còn gọi là “JKT” (Nhật Bản-Hàn Quốc- Đài Loan-Trung Quốc). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây đã làm thay đổi xu hướng này, với giá LNG cao khiến Nhật Bản và Hàn Quốc kỳ vọng giảm sự phụ thuộc vào LNG. Ngoài ra, điều này đã khiến cả hai nước trên phải xem xét lại năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng bổ sung cho năng lượng tái tạo.

Bất chấp sự thay đổi này, khí đốt tự nhiên vẫn là “nhiên liệu cầu nối” quan trọng cho các nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên trong tiểu vùng NEA. Nhiều dự báo gần đây cho thấy nhu cầu LNG sẽ gia tăng mạnh mẽ cho đến đầu những năm 2030. Tuy nhiên, sau mốc thời gian đó, các yếu tố như tăng trưởng kinh tế chậm lại, suy thoái dân số và các chính sách môi trường siết chặt hơn nhằm mục tiêu phát thải net-zero vào năm 2050 dự báo ​​sẽ đẩy nhanh quá trình cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên.

Hiện các nước Đông Bắc Á chủ yếu tập trung vào chiến lược khí đốt tự nhiên do quan ngại về an ninh nguồn cung và độ tin cậy. Để giải quyết những quan ngại này, các nước thuộc NEA đã nhấn mạnh đến việc đa dạng hóa nguồn cung LNG và đảm bảo sự ổn định thông qua các hợp đồng dài hạn (long-term contracts -LTCs), từ đó đảm bảo việc mua hàng từ nhiều nguồn khác nhau. Tại khu vực Đông Bắc Á, các hợp đồng dài hạn LTCs được đàm phán đã đảm bảo khả năng tiếp cận LNG với giá thấp hơn. Đây là một lá chắn quan trọng giúp thoát khỏi sự biến động của giá thị trường giao ngay, đồng thời hỗ trợ các nhà nhập khẩu khu vực Đông Bắc Á tránh được nhu cầu giảm đáng kể khi giá LNG tăng cao.

Hiện các dự báo trên còn cho thấy một xu hướng đáng ngạc nhiên: Nhập khẩu LNG ở khu vực Đông Bắc Á có thể đã đạt đến mức đỉnh. Theo đó, mức đỉnh này có thể đã xảy ra trước đại dịch COVID-19, với lượng nhập khẩu LNG đạt 144 Mt (2018). Trong tương lai, nhập khẩu LNG của khu vực dự báo ​​sẽ giảm 22% với khả năng đạt 150 bcm, tương đương 108 Mt (2050). Nhật Bản được dự báo sẽ trải qua đợt suy giảm mạnh nhất trong số các quốc gia trong tiểu vùng NEA, với mức giảm hơn 40%, xuống còn 42 Mt (2050). Ngược lại, Đài Loan-Trung quốc lại dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​nhu cầu LNG tăng trong dài hạn, với mức tăng 35%, đạt 27 Mt.

Trung Quốc: Động lực cho nhu cầu và nhập khẩu khí đốt tự nhiên toàn cầu

Nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc dự báo ​​sẽ tăng gần gấp đôi (2050), đạt 670 bcm so với 355 bcm (2022). Sự tăng trưởng đáng kể này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm mở rộng kinh tế, quá trình đô thị hóa tiếp diễn và thu nhập hộ gia đình tăng cũng như phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách thị trường đang diễn ra trong nước.

Ngoài ra, động lực chính đằng sau nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng của Trung Quốc là việc thay thế than bằng khí đốt tự nhiên bởi do những quan ngại về chất lượng không khí và cam kết đạt được mức phát thải net-zero (2060) càng khuyến khích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than sang khí đốt tự nhiên. Theo đó, sản xuất điện sẽ là động lực chính, chiếm tới 47% tổng mức tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn quốc. Đáng chú ý, khí đốt tự nhiên dự báo vẫn ​​sẽ giữ được chức năng là nguồn năng lượng tiết kiệm tối đa trong ngành điện lực.

Tuy vậy, Trung Quốc hiện phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan cấp bách: Duy trì sự thống trị trong sản xuất kim loại, ví như sắt thép, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Hiện tại, những lĩnh vực công nghiệp “khó giảm bớt” này phụ thuộc rất nhiều vào than là nguyên nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính (GHG). Việc chuyển đổi từ than sang khí đốt tự nhiên trong lĩnh vực này có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon của kim loại xuất khẩu của Trung Quốc. Bằng cách thực hiện chuyển đổi từ than sang khí đốt tự nhiên, Trung Quốc không chỉ có thể hạn chế tác động môi trường mà còn duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Khí đốt tự nhiên cũng vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là trong khu vực dân cư. Mặc dù vẫn còn những thách thức song những lợi ích tiềm tàng về sức khỏe và môi trường khiến nó trở thành một chiến lược đầy hứa hẹn cho một tương lai sạch hơn.

Trong nỗ lực đảm bảo an ninh và độc lập về nguồn cung năng lượng, Trung Quốc đang hướng tới đa dạng hóa hơn nữa các nguồn cung khí đốt tự nhiên, bao gồm tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên và LNG qua hệ thống đường ống cũng như sản xuất ngay tại trong nước, do đó dự báo ​​sản lượng khí đốt tự nhiên sẽ tăng trưởng đáng kể ở Trung Quốc.

Năm 2022, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã đạt mức tương đương 150 bcm thông qua các nhà cung cấp chính là Turkmenistan, Australia, CHLB Nga, Qatar và Malaysia, chiếm trên 80% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên toàn quốc. Việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua hệ thống đường ống từ Turkmenistan, CHLB Nga, Kazakhstan và Myanmar vận chuyển sang thị trường Trung Quốc đã tăng lên 62 bcm (2022), trong đó nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống của CHLB Nga đã gia tăng đáng kể, với mức 54% kể từ năm 2021.

Năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới với mức tăng đáng kể 12% so với cùng kỳ năm trước đó. Điều này có nghĩa là lượng LNG nhập khẩu sẽ tăng từ 63 Mt (2022) lên mức 71 Mt (2023).

Trong trung và dài hạn, Trung Quốc được dự báo sẽ là thị trường tăng trưởng chính cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, đây sẽ là điểm đến chính cho các dự án đường ống và nhập khẩu LNG mới trong thập kỷ tới. Tại Trung Quốc, nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên dự báo ​​sẽ tăng hơn gấp đôi, có khả năng vượt 300 bcm (2050). Trong khi đó, nhập khẩu LNG được dự báo sẽ tăng từ khoảng 63 Mt (2022), lên mức từ 120 Mt đến 130 Mt (2050).

Về công suất tái hóa khí LNG, Trung Quốc hiện có tổng công suất tiếp nhận LNG là 106 Mtpa vào cuối năm 2022, cùng với 74 Mtpa công suất tái hóa khí đang được xây dựng, do vậy, dự báo tổng công suất LNG có thể đạt 370 Mtpa (2050). Tuy nhiên, ngay cả với công suất tái khí hóa LNG hiện có và đang được xây dựng, Trung Quốc vẫn được trang bị tốt để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu ròng LNG tăng vọt trong thời gian dài.

Link nguồn:

https://www.gecf.org/_resources/files/events/expert-commentary-the-growing-role-of-lng-imports-in--the-asia-pacific/2024-06-11-lng-trade-in-asia-pacific-ec-final.pdf

Tuấn Hùng

GECF