Tuyển than Cửa Ông: Thay đổi để đón đầu thử thách

07:00 | 31/05/2014

1,072 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, dự báo nhu cầu than cho các ngành công nghiệp trong nước cũng sẽ tăng nhanh theo từng năm. Với vai trò là đơn vị chủ lực đảm nhiệm khâu trung nguồn, Tuyển than Cửa Ông nhận định khó khăn (nếu có) chỉ là bước đầu và tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn công ty đã sẵn sàng thay đổi trước thử thách của cơ chế thị trường…

Năng lượng Mới số 325

Thích ứng để tồn tại

Nhu cầu than tốt (cám 1A, 1B, cám 2A, 2B) trên thế giới đang sụt giảm ghê gớm. Vì không chịu nổi giá nhiên liệu đầu vào trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi đà suy thoái, khách hàng truyền thống là luyện kim… đã vội vã thay đổi công nghệ. Ngay cả những “ông lớn” như Nhật Bản, EU, Mỹ… cũng đã cao chạy xa bay, chủ yếu để “né” loại than dù tốt như giá thành rất đắt đỏ này. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến Nhà máy Sàng tuyển 2 - một đơn vị chủ lực của Tuyển than Cửa Ông vốn được nước bạn Ba Lan hỗ trợ đầu tư năm 1980 chuyên trách loại than tốt nhất.

Theo Giám đốc Công ty Tuyển than Cửa Ông Trần Văn Vẻ, trước tình hình mới, công ty cũng xác định trước cơ cấu sản phẩm cần tập trung thay đổi. Ngay trong 2014 này, nếu bạn hàng Nhật Bản giảm dần nhu cầu than loại đặc biệt, Nhà máy Sàng tuyển 2 sẽ trước mắt thay đổi công nghệ để chuyển hướng sản xuất than cám 3, 4, thậm chí chất lượng thấp hơn như Nhà máy Sàng tuyển 1 và 3 đang làm. Hiện tại, Nhà máy Sàng tuyển 1 đang hoạt động ổn định, cung cấp than thấp cấp cho “hàng xóm” là Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả hằng ngày.

Giàn máy rót than xuống tàu của Công ty Tuyển than Cửa Ông

Theo nhận định của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong năm nay nhu cầu than nội địa, đặc biệt than cấp cho sản xuất điện sẽ tăng mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để đơn vị nói riêng và các đơn vị trong ngành than nói chung có thể đẩy nhanh, mạnh việc tiêu thụ than, đồng thời giảm lượng than lớn tồn kho từ năm 2013 vừa qua. Bên cạnh đó, thiết bị hiện có và điều kiện cơ sở vật chất được chuẩn bị tốt… đang là những điều kiện thuận lợi để công ty thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng không ít thách thức trước mắt mà công ty gặp phải khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn khó khăn, nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa ổn định. Kinh tế trong nước dự kiến tăng trưởng chậm, giá nguyên, nhiên, vật liệu biến động khó lường; các loại thuế, phí ngày càng tăng làm cho giá thành tăng cao... Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất, Tổng Công ty Đông Bắc tách ra hoạt động độc lập, tạo thế cạnh tranh sản xuất, tiêu thụ than ngay trong nước. Nguồn than một số mỏ tuyến miền Đông sẽ phải cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, trong khi điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng khó khăn, dẫn tới than mỏ cấp cho công ty sẽ khó khăn, không ổn định. Tình hình thời tiết ngày một diễn biến khó lường.

Năm 2014, mục tiêu của công ty là tiêu thụ 8,9 triệu tấn than, tổng doanh thu trên 12 nghìn tỉ đồng. Cùng với đó, phải duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị phù hợp. Thực hiện tốt công tác tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và bền vững. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, chăm lo nâng cao đời sống cho người lao động…

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu

Trong công tác điều hành sản xuất, công ty bám sát chỉ tiêu kế hoạch giao của Tập đoàn và tình hình thực tế để triển khai sản xuất phù hợp. Theo đó, căn cứ vào mức tiêu thụ để chỉ đạo sản xuất và kéo mỏ, nhạy bén, linh hoạt để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Phối hợp chặt chẽ với các mỏ bàn biện pháp ra than theo kế hoạch và cân đối tỷ lệ. Điều tiết kéo mỏ theo kế hoạch và cơ cấu chủng loại than, ưu tiên nhận than các mỏ có giá thành sản xuất thấp và các mỏ hầm lò theo chỉ đạo của Tập đoàn, không nhận than đối với những mỏ để lẫn dăm gỗ và tạp chất trong than, không đạt chỉ tiêu chất lượng theo hợp đồng. Căn cứ vào tiêu thụ và nguồn than mỏ, xây dựng và thực hiện các phương án sản xuất cho 3 nhà máy tuyển, pha trộn sản phẩm ngày từ trong nhà máy, giữ tồn kho ở mức hợp lý.

Phối hợp tốt với Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, Công ty Cổ phần Giám định - TKV, bám sát ban điều hành sản xuất Tập đoàn, từ đó chủ động chuẩn bị chân hàng, sắp xếp tàu vào lấy than, tổ chức bốc rót, tiêu thụ đạt năng suất cao nhất. Tiếp tục quy hoạch kho chứa, hạn chế xuống cấp than, không để trôi than khi có mưa bão...

Với công tác kỹ thuật, công nghệ, đầu tư xây dựng, công ty tăng cường quản lý các chỉ tiêu công nghệ. Quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng than mua mỏ, than thành phẩm và tỷ lệ thu hồi. Chỉ đạo các nhà máy tuyển thực hiện đúng quy trình công nghệ theo các chỉ tiêu của phương án sản xuất ở từng thời kỳ. Kiểm tra chặt chẽ chất lượng than ra sàng, xử lý tối đa dăm gỗ, tạp chất trong than cục của nhà máy tuyển 1, tuyển 2. Tận thu tối đa bùn từ nhà máy bùn ép, tăng tỷ lệ thu hồi nước và nâng cao tỷ lệ tận thu cám trong bùn. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than để nâng cao chất lượng và tỷ lệ thu hồi than. Cải tạo, lắp đặt các cân điện tử phục vụ tiêu thụ tại cảng chính, đảm bảo chính xác theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định.

Tùng - Kiên