Tuyển sinh nghề mỏ hầm lò: Bài toán nan giải

08:36 | 15/06/2018

2,633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù kết quả tuyển sinh đào tạo các nghề mỏ hầm lò những tháng đầu năm 2018 đã có những chuyển biến khả quan, tuy nhiên, hơn 1.200 học sinh nghề mỏ hầm lò chủ yếu do Trường Cao đẳng TKV tuyển, các đơn vị vẫn chưa chủ động trong công tác này. Tuyển sinh thợ lò vẫn là bài toán nan giải.  

Huy động tối đa nguồn lực cho tuyển sinh

Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2018, tình hình tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò đạt được những kết quả khả quan với tổng số học sinh tuyển mới là 1.291, đạt 34,9% kế hoạch năm và bằng 192% so với cùng kỳ năm 2017.

bai toan nan giai
Ngành than cần đội ngũ thợ lò chất lượng cao

Theo Th.S Vũ Văn Thịnh, Phó hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Cao đẳng TKV, ngay từ đầu năm 2018, trường đã huy động tối đa nguồn lực cho tuyển sinh, nhận định sát tình hình, tập trung thực hiện những giải pháp nhằm đem lại hiệu quả trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò và quyết liệt hơn với nhiều biện pháp mới. Trường luôn xác định công tác tuyển sinh đào tạo thợ lò có chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cung cấp lao động các nghề mỏ hầm lò theo nhu cầu kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp trực thuộc TKV là trọng trách chính. Vì vậy, năm nay trường tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường tuyển sinh nghề mỏ hầm lò.

Thực hiện Chỉ thị 195/CT-TKV ngày 2-10-2017 của Tập đoàn, từ đầu năm đến nay, Trường Cao đẳng TKV tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho hệ thống tuyển sinh, thống nhất tập trung về một đầu mối, chiến lược thực hiện tuyển dụng với thương hiệu TKV, tổ chức tốt công tác tuyển sinh ở các địa phương tỉnh ngoài. Nhờ đó, trường đã phát huy được những ưu điểm nổi bật như: Xây dựng mạng lưới tuyển sinh với hệ thống sâu rộng mang thương hiệu TKV tại các tỉnh, thành phố, từ Sở LĐ-TB&XH đến hệ thống các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương huyện, xã. Đồng thời, thương hiệu của TKV trong tuyển dụng thợ lò được phân biệt với các doanh nghiệp làm than khác bởi hình ảnh là tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an ninh năng lượng quốc gia, có truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân, cung cấp nguồn nhân lực thợ lò có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sự phát triển của TKV.

Cần quyết tâm hơn nữa

Dù Trường Cao đẳng TKV đã có nhiều nỗ lực và kết quả tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò có tín hiệu khả quan hơn trong những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên, trong thực tế, học sinh nghề mỏ hầm lò vẫn chủ yếu do Trường Cao đẳng TKV tuyển, nhiều đơn vị còn thờ ơ và chưa chủ động trong công tác này theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới, nếu hầu hết các đơn vị tiếp tục “dậm chân tại chỗ”, không tuyển sinh hoặc tuyển ít học sinh nghề mỏ hầm lò, chỉ trông chờ vào nguồn học sinh của Trường Cao đẳng TKV thì việc chuẩn bị đủ lực lượng thợ lò cho tương lai vẫn là bài toán nan giải với TKV.

Báo cáo mới nhất tại buổi giao ban công tác đào tạo được tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua nêu rõ, trong quý I/2018, chỉ có 2/14 công ty thực hiện tuyển sinh đạt tỷ lệ được phân bổ theo quy định tại Chỉ thị 195 của Tập đoàn, đó là Công ty Than Mông Dương tuyển 8 học sinh (trường tuyển 35 học sinh); Công ty Than Hòn Gai tuyển 15 học sinh (trường tuyển 69 học sinh). Các công ty còn lại đều chưa tuyển sinh được đủ tỷ lệ, trong đó cá biệt có 3 công ty trong 4 tháng đầu năm chưa tuyển được học sinh nào.

Trước thực trạng đó, thời gian tới, vấn đề tiên quyết đặt ra là các đơn vị trong Tập đoàn cần phải thực sự vào cuộc tuyển sinh thì bài toán khó đào tạo nghề mỏ, hầm lò trên mới dần có được lời giải thoả đáng.

Đồng hành chặt chẽ để các đơn vị trong ngành than tăng tính chủ động và thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh, chuẩn bị nguồn nhân lực thợ lò có chất lượng cao, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của TKV, Trường Cao đẳng TKV có những đề xuất và kiến nghị: Các công ty cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản trị sản xuất, quản trị chi phí để tăng cao thu nhập cho thợ lò; chủ động triển khai thực hiện phương án tuyển sinh, xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của các bộ phận trong công tác tuyển sinh cũng như giữ chân thợ lò; có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị và nhà trường trong việc tư vấn, truyền thông để thu hút, giữ chân thợ lò; tiếp nhận, quản lý, tổ chức tốt giai đoạn học sinh thực tập sản xuất, trong đó coi trọng công tác giáo dục, định hướng cho học sinh gắn bó với nghề, giao việc cho học sinh thực tập sản xuất phù hợp để học sinh làm quen dần, giảm thiểu mức độ bỏ học trong giai đoạn thực tập sản xuất; bố trí chỗ ăn, ở và chế độ lễ, tết của học sinh như với công nhân; hạn chế thông tin trái chiều làm học sinh chán nản hoặc sợ nghề…

Trong thời gian tới, nếu hầu hết các đơn vị tiếp tục “dậm chân tại chỗ”, không tuyển sinh hoặc tuyển ít học sinh nghề mỏ hầm lò, chỉ trông chờ vào nguồn học sinh của Trường Cao đẳng TKV thì việc chuẩn bị đủ lực lượng thợ lò cho tương lai vẫn là bài toán nan giải với TKV.

T.L

  • el-2024