Tuyến đường huyết mạch của dầu mỏ thế giới đang lâm nguy

11:09 | 29/06/2019

1,475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - François Lamoureux, Giám đốc Năng lượng của Ủy ban châu Âu đã từng nói: “Nếu eo biển Hormuz bị đóng, ngày hôm sau cả thế giới sẽ đi bằng xe đạp”. Mặc dù có phần phóng đại, nhưng điều đó cho thấy tuyến đường vận chuyển dầu mỏ này quan trọng với thế giới đến nhường nào.    

Cổng vào vùng Vịnh

Eo biển Hormuz, nằm ở khu vực mà Iran mới tuyên bố bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ, là điểm giao cắt chiến lược với thương mại dầu mỏ toàn cầu và là tâm điểm của căng thẳng khu vực trong nhiều thập niên.

Iran đã cảnh báo hôm 21-6 rằng họ sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình trước sự trả thù có thể từ Mỹ, trong khi các hãng hàng không KLM, Qantas, Singapore Airlines và Malaysia Airlines quyết định tránh bay qua eo biển Hormuz.

tuyen duong huyet mach cua dau mo the gioi dang lam nguy
Đường ống dẫn dầu Đông-Tây của Arab Saudi

Eo biển Hormuz, nối vùng Vịnh với vịnh Oman, nằm giữa Iran và Vương quốc Hồi giáo Oman. Eo biển này rất đặc biệt vì chiều rộng nhỏ, khoảng 50km và độ sâu không vượt quá 60m.

Trên eo biển Hormuz là các đảo bỏ hoang hoặc ít người sinh sống, nhưng đây là tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược lớn (các đảo của Iran nằm trên eo Hormuz, như đảo Qeshm và Larak, đối diện với bờ biển Bandar Abbas của Iran).

Tuyến huyết mạch quan trọng với dầu mỏ

Cho đến nay, eo biển Hormuz vẫn là tuyến đường gần như độc đạo vận chuyển dầu từ các nhà sản xuất Trung Đông (Arab Saudi, Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Iraq và Iran) đến các thị trường châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), năm 2018, khoảng 21 triệu thùng dầu thô lưu thông hằng ngày qua eo biển này. Con số này chiếm khoảng 21% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu và 1/3 lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Một phần lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới cũng đi qua Hormuz.

Eo biển Hormuz là tuyến đường gần như độc đạo vận chuyển dầu từ các nhà sản xuất Trung Đông (Arab Saudi, Kuwait, Qatar, UAE, Iraq và Iran) đến các thị trường châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Khoảng 76% lượng xuất khẩu dầu thô qua eo biển chiến lược này được dành cho các nước châu Á vào năm ngoái (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Làm sao để né biển Hormuz?

Arab Saudi và UAE đã thiết lập một mạng lưới đường ống để né eo biển Hormuz, nhưng các tuyến đường thay thế chỉ vận chuyển được khối lượng hạn chế và chính những mạng lưới này hồi tháng 5-2019 đã bị tấn công.

Từ năm 1978, UAE đã bắt đầu xây dựng cảng Fujairah và đưa vào hoạt động năm 1983.

Cảng Fujairah, nằm ở bờ biển phía Đông của UAE, cách Abu Dhabi khoảng 180km. Abu Dhabi là quốc gia giàu nhất trong 7 tiểu vương quốc UAE, chiếm 90% sản lượng dầu mỏ của nước này.

tuyen duong huyet mach cua dau mo the gioi dang lam nguy
Tàu chở dầu bị tấn công gần eo biển Hormuz

Cảng Fujairah, nằm cách eo biển Hormuz 70 hải lý, có vai trò rất quan trọng đối với vận tải biển và buôn bán xăng dầu và cách cảng Jask của Iran 80 hải lý.

Nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa, UAE vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu dầu thông qua cảng Fujairah.

Fujairah đã trở thành một tác nhân lớn trong xuất khẩu dầu của UAE với 2 trạm tiếp nhận, 1 đường ống dẫn dầu nối liền với Abu Dhabi và 1 kho chứa dầu khổng lồ. Đường ống Fujairah - Abu Dhabi dài 406km và thuộc sở hữu của Công ty Đường ống Dầu thô Abu Dhabi (ADCOP), có thể vận chuyển hơn 600.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Công suất có thể tăng lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày khi cần thiết. Cả hai trạm tiếp nhận đều có công suất hơn 50 triệu tấn dầu mỗi năm.

Fujairah có thể chứa các thùng chứa dầu thô rất lớn (VLCC) và vào năm 2016 đã xây dựng một cầu tàu cho các siêu tàu chở dầu. Cảng có kho chứa khổng lồ với sức chứa 10 triệu tấn dầu thô, tương đương khoảng 70 triệu thùng.

Gần đây, Abu Dhabi đã ký một thỏa thuận trị giá 1,2 tỉ USD để phát triển khu vực lưu trữ 42 triệu thùng thứ hai tại tiểu vương quốc này.

Về phần Arab Saudi, để né eo biển Hormuz, họ đã xây dựng đường ống dẫn dầu đi qua đất nước Arab Saudi từ Đông sang Tây và có thể vận chuyển 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Nhưng đường ống này bị tấn công vào ngày 14-5 bởi máy bay không người lái của phiến quân Houthis ở Yemen. Các cuộc tấn công ở Arab Saudi diễn ra 2 ngày sau khi 2 tàu chở dầu của nước này, 1 tàu chở hàng của Na Uy và 1 của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất bị “phá hoại” ngoài khơi cảng Fujairah.

Lịch sử thăng trầm eo biển Hormuz

Sau các cuộc tấn công vào hệ thống né eo biển Hormuz của Arab Saudi và UAE là các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu ở biển Oman, sau đó là việc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ khi vào eo biển Hormuz. Tất cả đang có nguy cơ tạo ra gián đoạn đáng kể về giao thông và sự mất ổn định với thị trường dầu mỏ: giá dầu WTI tăng 6% vào ngày 20-6.

“Sau hai cuộc tấn công trên, tôi vô cùng lo lắng về sự an toàn của các thủy thủ đoàn khi đi qua eo biển Hormuz”, ông Paolo d'Amico, Chủ tịch Hiệp hội Tàu chở dầu Intertanko nói. “Bạn phải nhớ rằng 30% dầu thô của thế giới đang đi qua eo biển này - nếu những vùng biển này trở nên nguy hiểm, nguồn cung của toàn bộ thế giới phương Tây có thể bị đe dọa”, ông nói thêm.

Đối với các quốc gia tiêu thụ, dường như rất khó để tìm một giải pháp thay thế cả về số lượng cũng như chất lượng của dầu thô được chiết xuất từ vùng Vịnh. Chẳng hạn, dầu nhẹ do Hoa Kỳ sản xuất không phải là nguồn thay thế cho dầu thô nặng từ Trung Đông.

Hoa Kỳ, mặc dù là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng vào năm 2011 vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,4 triệu thùng/ngày dầu thô qua eo biển Hormuz, tương đương 7% mức lượng tiêu thụ của họ.

Iran, tự coi mình là người giám hộ của vùng Vịnh, thường xuyên lên án sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài trong khu vực, bao gồm cả Hạm đội V của Mỹ đồn trú tại Bahrain. Tehran liên tục đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz trong trường hợp quân đội Mỹ có hành động trong khu vực. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran kiểm soát các hoạt động hải quân ở vùng Vịnh.

Trong lịch sử, sự cố gián đoạn lớn nhất với tuyến đường vận chuyển dầu, eo biển Hormuz, diễn ra vào năm 1984, trong “cuộc chiến tàu chở dầu”. Cuộc chiến này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Iran - Iraq (1980-1988). Hơn 500 tàu đã bị phá hủy hoặc làm hư hỏng. Vào tháng 7-1988, một chiếc Airbus A-300 của Công ty Iran Air, bay từ Bandar-Abbas tới Dubai, đã bị bắn hạ bởi 2 tên lửa từ một tàu khu trục Mỹ đang tuần tra trên eo biển Hormuz: 290 người đã thiệt mạng. Thủy thủ đoàn tàu USS Vincennes của Mỹ tưởng chiếc Airbus trên là máy bay chiến đấu của Iran.

Vào tháng 4-2015, các tàu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt 1chiếc tàu container ở Quần đảo Marshall thuộc eo biển Hormuz. Tháng sau, các tàu tuần tra của Iran đã nổ súng cảnh cáo trong một nỗ lực nhằm đánh chặn một tàu thương mại được gắn cờ Singapore.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tháng 5-2018 và khôi phục các lệnh trừng phạt nặng nề với Tehran, căng thẳng đã gia tăng với các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh vào tháng 5 và tháng 6-2019. Washington buộc tội Tehran đứng sau các cuộc tấn công trên nhưng Iran bác bỏ.

S.Phương