Tuổi thọ người Mỹ suy giảm vì đại dịch Covid-19

12:18 | 24/06/2021

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại dịch Covid-19 gây ra sự suy giảm tuổi thọ tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh.

Theo trang The Guardian (Anh), từ năm 2018 đến năm 2020, tuổi thọ của người Mỹ đã giảm 1,87 năm, giảm hơn 8,5 lần so với mức suy giảm tuổi thọ trung bình ở 16 quốc gia ngang hàng và là mức giảm mạnh nhất kể từ sau Thế chiến 2 (năm 1945).

Sự suy giảm này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách tuổi thọ giữa Mỹ và các quốc gia phát triển khác, một số quốc gia trong số này đã chứng kiến sự gia tăng tuổi thọ ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tuổi thọ người Mỹ suy giảm vì đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 khiến tuổi thọ người Mỹ giảm mạnh kể từ 1945

Thống kê có trên 600.000 người đã chết trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ kể từ năm 2020. Con số này tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi các nỗ lực tiêm chủng đã làm giảm đáng kể các trường hợp mắc mới và tử vong. Các nhóm chủng tộc, dân tộc thiểu số và những người có thu nhập thấp có tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy người da màu và người gốc Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch, giảm lần lượt 3,88 và 3,25 năm tuổi thọ. Trong khi người da trắng chỉ giảm 1,36 năm tuổi thọ.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy về cơ bản Mỹ có tuổi thọ thấp hơn các quốc gia phát triển khác. Từ năm 2010 đến năm 2018, khoảng cách về tuổi thọ giữa Mỹ và các quốc gia này đã tăng từ 1,88 lên 3,05 năm. Vào năm 2020, khoảng cách đó lại tăng thêm 1,87 năm, sự sụt giảm lớn khiến khoảng cách về tuổi thọ giữa Mỹ và các quốc gia tăng lên 4,69 năm.

Sự sụt giảm tuổi thọ đáng kể của người da màu và người gốc Tây Ban Nha được cho là đã phá tan mọi nỗ lực trong một thập niên xóa bỏ khoảng cách chủng tộc về tuổi thọ. Đàn ông da màu ở Mỹ hiện có thể sống được 67,73 năm, ngang với tuổi thọ của nhóm này vào năm 1998.

Vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã phân tích số người chết bất thường của Mỹ dựa trên các vấn đề lâu đời và phức tạp, như cơ hội không bình đẳng, không được đầu tư vào sức khỏe cộng đồng của người da màu. Các tác giả lưu ý rằng một tỉ lệ đáng kể nhưng không rõ những người mắc Covid-19 trong nhóm này có thể có các triệu chứng kéo dài.

Theo các nhà khoa học, đại dịch sẽ có những ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đến các yếu tố quyết định xã hội đối với sức khỏe, thay đổi điều kiện sống ở nhiều cộng đồng và thay đổi quỹ đạo cuộc đời giữa các nhóm tuổi. Việc hiểu đầy đủ về hậu quả sức khỏe của những thay đổi này đặt ra một thách thức khó khăn nhưng quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai.

Một nhìn nhận khác cũng chỉ rõ, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump nhiều người cho là thiếu sót khi nhận thức chậm trễ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

M.C