Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch

23:09 | 01/04/2020

263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Tôi mong từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch; từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. 

Ngày 1/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 21 điểm cầu của các bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và 2 thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I năm 2020; tình hình dịch COVID – 19; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19 gây ra; đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; tình hình thực hiện nhiệm vụ và một số kiến nghị của các hiệp hội liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phiên họp diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.

Trước tình hình cấp bách đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.

Giải thích thêm về nội dung Chỉ thị 16, Thủ tướng nói rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc. Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 1/4 đến 15/4, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.

Dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020. Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.

Với điều kiện hội nhập như Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân, đồng thời cho biết tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận dự thảo Nghị quyết về gói an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

“Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận, ban hành những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an an sinh xã hội cho người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Trong 15 ngày tới là giai đoạn quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh của các cơ quan có chức năng.

“Tôi xin nhắc lại, thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta. Tôi mong từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch; từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, song nhìn về tổng thể kinh tế - xã hội quý I/2020, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kịp thời kiểm soát, ứng phó, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, ổn định tâm lý xã hội, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại trong bối cảnh có nhiều khó khăn.

Kinh tế quý I tuy chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua song trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng nhẹ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, đạt 13,09% kế hoạch (cùng kỳ 12,97%). Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Các thành viên Chính phủ cho rằng, bước sang quý II/2020, kinh tế - xã hội Việt Nam dự kiến sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn và tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường; dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc; doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động; các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; áp lực kiểm soát lạm phát; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19. Thủ tướng nhấn mạnh, việc hỗ trợ phải thực hiện trên các nguyên tắc như: hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết.

P.V