Từ 1/8, Hà Nội điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh

06:47 | 07/07/2013

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 6/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập thuộc địa bàn thành phố.

Từ 1/8, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội sẽ áp dụng giá viện phí mới.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay Sở Y tế thành phố đang quản lý 41 bệnh viện công lập, trong đó có 7 bệnh viện hạng I, 18 bệnh viện hạng II và 16 bệnh viện hạng III, 51 phòng khám đa khoa khu vực, 577 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Khung giá dịch vụ hiện hành được áp dụng tại các cơ sở trên thực hiện theo quy định Nhà nước cách đây 18 năm (Thông tư liên tịch số 14/TTLB-BYT-BTC-BLĐTB&XH-VGCP ngày 30/9/1995 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Vật giá Chính phủ) không còn phù hợp, trong khi chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng nhiều lần. Thêm vào đó, chất lượng khám chữa bệnh thấp cũng đã khiến nhiều bệnh nhân từ bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế để chọn dịch vụ tự nguyện.

Vì vậy, việc điều chỉnh dịch vụ y tế lần này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từng bước đảm bảo nguồn thu, chi tại các cơ sở y tế.

Theo đó, việc điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm: điều chỉnh giá của 5 loại dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, 9 dịch vụ ngày giường bệnh và 373 dịch vụ kỹ thuật trong 447 dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC (74 dịch vụ còn lại áp dụng tại các bệnh viện hạng đặc biệt).

Điều chỉnh giá của 333 phẫu thuật, thủ thuật tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/1/2006 của liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội; quy định tạm thời mức giá cho 99 dịch vụ kỹ thuật đã được Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội thẩm định, phê duyệt danh mục nhưng chưa được quy định giá tại Thông tư số 04.

Theo Nghị quyết được thông qua, mức điều chỉnh sẽ được áp dụng theo từng hạng của bệnh viện. Trong đó, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng I là 17.000 đồng/lần, bệnh viện hạng II là 12.000 đồng/lần.

Giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng I, II  là 300.000 đồng (chưa bao gồm chi phí điều trị máy thở). Giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng tại bệnh viện hạng I và 75.000 đồng tại bệnh viện hạng II và hạng III là 52.000 đồng (chưa bao gồm chi phí điều trị máy thở). Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường thì chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên thì chỉ được thu tối đa 30%/người.

Việc điều chỉnh được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính tới khấu hao tài sản cố định, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.

Theo tính toán của UBND thành phố, mức tăng giá các dịch vụ bình quân khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội.

Ngoài ra, Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội cũng quy định, để tương xứng với khoản tiền người bệnh bỏ ra, hằng năm các cơ sở y tế được phép thu dịch vụ phải dành tối thiểu 15% số thu từ các dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị, giường tủ.

Đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị cũng dành 15% để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh, mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc hạch toán thu, chi được thực hiện theo quy định hiện hành. Đồng thời phải tăng cường cơ chế quản lý tài chính, chống lạm dụng kỹ thuật.

Đối với những người bệnh đang điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc TP Hà Nội trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực vẫn thực hiện mức thu tại Quyết định số 6889/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 của UBND TP và các văn bản hiện hành khác đến khi người bệnh xuất viện.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành. Các quy định của Nghị quyết được áp dụng từ ngày 1/8/2013.

N-H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc